Là đơn vị trực thuộc Sở KH và CN, những năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) đã nỗ lực đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính và nhiệm vụ khoa học theo Nghị định 115, ngày 5-9-2005 của Chính phủ. Không chỉ nghiên cứu, phát triển công nghệ để chuyển giao Trung tâm còn chủ động phát triển các dịch vụ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Làm tốt khâu dịch vụ, Trung tâm đã mở rộng kênh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhanh chóng, hiệu quả, tác động tích cực đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn và góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Sản xuất khoai tây giống chất lượng cao bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH và CN). |
Cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm được đào tạo bài bản các chuyên ngành nông nghiệp, công nghệ sinh học, hóa dược, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN còn có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ trên diện tích 4.000m2, trong đó có 1.000m2 nhà làm việc, 504m2 nhà lưới có thể điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, 1.800m2 hồ điều hoà và các công trình phụ trợ gồm: Phòng thí nghiệm, vườn ươm, khu nuôi cấy mô, tế bào... thiết kế hiện đại tạo điều kiện làm việc, nghiên cứu và sản xuất thực nghiệm. Ban giám đốc Trung tâm đã xây dựng định hướng hoạt động hai mảng lớn là nghiên cứu ứng dụng và thực hiện dịch vụ KHCN. Trong đó, hoạt động dịch vụ KHCN được tập trung thực hiện các mục tiêu: Tạo dựng thị trường KHCN nhằm giới thiệu sản phẩm nghiên cứu ứng dụng khoa học do Trung tâm và các đơn vị uy tín khác thực hiện; tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo tập huấn nghiệp vụ trong các lĩnh vực môi trường, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... Bám sát xu hướng phát triển sản xuất sạch thân thiện với môi trường, Trung tâm đã tập trung triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích như sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào nhằm giữ lại nguồn gen gốc, chủ động giống chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa như các loại nấm ăn, nấm dược liệu, khoai tây, chuối tiêu hồng, hoa lan denzo, cau đan sâm... Đồng thời hỗ trợ nhiều địa phương trong tỉnh phân tích tổng thể điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, nhu cầu thị trường để xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế sử dụng hóa chất trong canh tác, bảo vệ môi trường bằng các loại chế phẩm sinh học, phổ biến kỹ thuật trồng mạ khay và sử dụng máy cấy để cơ giới hóa từng khâu trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau an toàn. Toàn bộ những khâu tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ thuật cho bà con đến việc trực tiếp xuống đồng hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, cung ứng chế phẩm, thiết bị… đều do cán bộ Trung tâm tận tình tổ chức. Không chỉ gắn bó với bà con nông dân qua việc triển khai các dự án và mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cụ thể, các cán bộ của Trung tâm luôn lắng nghe phản ánh của nông dân về những khó khăn trong quá trình sản xuất để nghiên cứu khắc phục. Nhiều công trình nghiên cứu đã được cán bộ Trung tâm triển khai ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao như xây dựng hệ thống thoát khí thải độc hại trong xưởng sản xuất nhựa, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường nước ao nuôi thủy sản; sản xuất phân vi sinh từ rơm, rạ… Với những nỗ lực này đã giúp Trung tâm từng bước phát triển được thị trường cho các sản phẩm KHCN, gây dựng thương hiệu và trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trong tỉnh. Trung tâm đã đưa ra thị trường được một số sản phẩm có tính cạnh tranh cao như nấm, hoa, rau sạch, giống khoai tây, chế phẩm vi sinh, phân bón gốc chức năng… Đến nay, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Trung tâm đặt hàng tư vấn công nghệ, hỗ trợ thực hiện một số kỹ thuật mới như cung ứng giống cây trồng sạch bệnh, xây dựng vùng canh tác an toàn, lắp đặt hệ thống sản xuất rau bằng công nghệ khí canh, hệ thống xử lý môi trường nước, không khí... Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Trung tâm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hợp tác ở cả 3 khâu tư vấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng giống cây trồng, chế phẩm sinh học và hỗ trợ thị trường. Chế phẩm EM xử lý môi trường của Trung tâm sản xuất được cung ứng thường xuyên cho người dân các vùng nuôi thủy sản nước ngọt, trang trại chăn nuôi và bãi chôn lấp rác trên địa bàn; chế phẩm trừ rầy nâu được các Cty như TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đặt hàng sử dụng cho vùng sản xuất lúa an toàn của Cty; hệ thống xử lý khí thải độc hại trong sản xuất nhựa được hầu hết các cơ sở sản xuất, gia công nhựa trên địa bàn đề nghị tư vấn, hỗ trợ lắp đặt... Trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm đã đưa ra thị trường sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo do Trung tâm sản xuất. Hiện tại, Trung tâm đang tiến hành đánh giá hiện trạng đất đai để tư vấn phương án công nghệ phù hợp xây dựng mô hình canh tác nông sản sạch của Cty TNHH Đức Phát, xã Giao Hà (Giao Thủy). Đồng thời cung ứng dung môi dinh dưỡng và hệ thống thiết bị trồng rau khí canh, thủy canh quy mô hộ gia đình cho người dân trên địa bàn… Những kết quả đạt được bước đầu trong quá trình phát triển dịch vụ KHKT đã khẳng định định hướng phát triển đúng đắn, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Tạo ra các sản phẩm, dịch vụ vừa hữu ích cho người tiêu dùng vừa mang lại nguồn thu cho đơn vị đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ đồng nghĩa với việc đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật đến được với người sản xuất cho thấy tính thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều giá trị của nền kinh tế tri thức. Từ kết quả đạt được tạo động lực để Trung tâm tiếp tục nỗ lực đầu tư, nghiên cứu, mở rộng thị trường, sớm thành lập doanh nghiệp KHCN để khai thác hiệu quả hơn hướng phát triển dịch vụ KHKT này. Tuy nhiên đây là lĩnh vực mới đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ và trình độ kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng được nâng cao với lòng đam mê KHKT. Do đó Trung tâm rất cần sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở KH và CN cũng như các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hỗ trợ Trung tâm trong quá trình phát triển.
Kiên trì thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ, nhạy bén trong phát triển thị trường dịch vụ KHKT, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã thể hiện được vai trò then chốt của mình trong việc đẩy mạnh chuyển giao KHKT đến với đời sống sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của các ngành kinh tế tại địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương