Quản lý thực phẩm từ gốc - Còn nhiều khó khăn

08:08, 05/08/2016
Quản lý thực phẩm từ gốc là quản lý từ khâu nuôi trồng để các nguyên liệu đầu vào được giám sát, kiểm duyệt chất lượng về cây và con giống, thức ăn, nguồn nước, việc sử dụng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo ATTP. Việc quản lý thực phẩm từ gốc nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm về ATTP hiện nay như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; tỷ lệ rau quả còn tồn dư thuốc BVTV; tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng… 
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở giết mổ gia súc tập trung và chế biến thực phẩm xuất khẩu và hơn 2.060 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Ngoài các cơ sở giết mổ tập trung đã có sự kiểm soát của các cơ quan thú y, có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối tốt, các điểm giết mổ nhỏ lẻ hình thành tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư, các chợ nên rất khó khăn cho việc kiểm soát của các cơ quan chức năng. Toàn tỉnh có 137 chợ có buôn bán động vật, sản phẩm động vật; mỗi chợ có từ 10 đến 40 quầy thịt… Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và ở các chợ là khâu khó khăn nhất hiện nay trong vấn đề quản lý thực phẩm từ gốc. Hiện tại, tỉnh ta đã xây dựng, quy hoạch được một số vùng sản xuất gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch như 8 mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi; một số vùng nguyên liệu lạc, khoai tây, rau ở Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy, Mỹ Lộc, vùng lúa đặc sản ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Tuy nhiên, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ bé, phân tán, việc tiếp cận và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (VietGAP, GMP…) còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, GMP, SSOP trong quá trình sản xuất và được công nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thủy sản vẫn đang còn tồn tại nhiều mối nguy về ATTP, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất vẫn còn xảy ra… 
Một số quầy kinh doanh thực phẩm tại chợ Phụ Long (TP Nam Định) không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Một số quầy kinh doanh thực phẩm tại chợ Phụ Long (TP Nam Định) không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo đảm ATTP, thời gian qua các ngành chức năng tham gia quản lý Nhà nước về ATTP của tỉnh luôn chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, ATTP trong các hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hiện các ngành chức năng đã tích cực phối hợp với các địa phương để quản lý ATTP từ gốc và huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng tham gia quản lý, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm Luật ATTP trong lĩnh vực sản xuất, khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn tiên tiến. Phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, khuyến cáo người sản xuất không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thuốc BVTV, thuốc thú y ngoài danh mục cho phép; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, nuôi trồng an toàn, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng. Các ngành chức năng cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo chất lượng ATTP; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNN-BCT, ngành Y tế quản lý 10 nhóm sản phẩm, ngành NN và PTNT quản lý 19 nhóm sản phẩm, ngành Công thương quản lý 8 nhóm sản phẩm. Các ngành cũng đã có phân cấp quản lý cho các địa phương; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GMP...). Trong công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, công tác quản lý ATTP của tỉnh đã đạt kết quả bước đầu; các vi phạm về chất lượng thực phẩm đã giảm so với cùng kỳ. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã kiểm tra 8.692 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện 2.413 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 27,8%); xử lý phạt tiền 179 cơ sở; thực hiện tiêu hủy 55 loại sản phẩm không đảm bảo ATTP. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.339 cơ sở/12.261 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; số cơ sở đạt là 3.115 cơ sở, chiếm tỷ lệ 71,8%; 235 cơ sở vi phạm bị xử lý. Riêng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trực tiếp phục vụ sản xuất rau, thịt, thủy sản, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra tại trên 1.000 cơ sở. Kết quả thanh tra có gần 19% cơ sở vi phạm về cơ sở vi phạm chất lượng thuốc thú y, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, vi phạm điều kiện kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, Chi cục BVTV tỉnh cũng thanh tra, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV cho trồng trọt tại trên 1.000 hộ dân, phát hiện khoảng 30% số hộ vi phạm các quy định về sử dụng thuốc BVTV (sử dụng thuốc không theo hướng dẫn trên nhãn mác; không đảm bảo thời gian cách ly). Quá trình thanh tra, kiểm tra, các ngành cũng phối hợp lấy mẫu kiểm soát tồn dư các chất cấm, chất độc hại, dư lượng thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, chất bảo quản trong sản phẩm rau, thịt… Qua đó, nhận thức, ý thức về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được nâng lên. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý thực phẩm từ gốc vẫn còn tồn tại không ít khó khăn vướng mắc. Đối với công tác quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật không ổn định, một số thông tư của các ngành quản lý Nhà nước về ATTP được sửa đổi, bổ sung liên tục trong thời gian ngắn, gây chồng chéo hoặc bỏ trống trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng do nhiều ngành quản lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có sự chỉ đạo kiên quyết; chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu của sản phẩm. Việc mở rộng hợp tác trong liên kết quản lý sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn gặp khó khăn do số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn còn ít, chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng thương mại phục vụ giới thiệu và phân phối thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh là các cơ sở nhỏ lẻ, chưa áp dụng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh do đó gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý thực phẩm từ gốc và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao; người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm ATTP còn khá phổ biến.
 
Để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trên, thời gian tới các ngành chức năng cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành, phát hiện những hạn chế, thiếu sót; từ đó có giải pháp đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý. Xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm là đặc sản của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm thay đổi thói quen, tập quán sử dụng thực phẩm không an toàn của người tiêu dùng. Tăng cường vai trò của UBND các cấp trong đảm bảo ATTP, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cải thiện công nghệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, kiểm soát hiệu quả các nguy cơ về ATTP và thân thiện với môi trường. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất để giảm dần sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, thuốc BVTV… Xây dựng, áp dụng và chứng nhận quy trình sản xuất tốt (VietGAP), hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (GMP; HACCP…)./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com