Người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa

09:08, 31/08/2016

Trong không khí sôi nổi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi gặp CCB Nguyễn Văn Hợi, người đã từng trải qua những trận đánh quyết tử với quân thù trên chiến trường Khe Sanh, tham gia chốt giữ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử hào hùng, bi tráng và là một trong 10 cán bộ, chiến sĩ cuối cùng của Tiểu đoàn K3-Tam Đảo chấp hành lệnh rút khỏi Thành cổ vào đêm 15-9-1972. Trong căn nhà riêng tại 550 đường Trường Chinh, (TP Nam Định), sau khi thắp nén hương trầm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, ông kể cho chúng tôi nghe về Tiểu đoàn K3-Tam Đảo huyền thoại, những kỷ niệm ông cùng đồng đội vào sinh ra tử.

CCB Nguyễn Văn Hợi quê ở Thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau khi huấn luyện và được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, ông cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị, tham gia những trận đánh quyết tử tại Khe Sanh. Ngày 1-7-1968 trong trận đánh trên Cao điểm 689 Khe Sanh, đơn vị ông bị địch bao vây. Để thoát khỏi vòng vây, đợi chúng đến gần, ông ném liền 2 quả lựu đạn làm 2 thằng Mỹ đổ vật xuống, rồi lăn tròn xuống chân cao điểm, nhảy xuống một hố pháo. Bị tấn công bất ngờ, địch vừa bắn theo ông như vãi đạn, vừa đuổi theo. Ông ném một quả lựu đạn nữa về phía địch rồi lao khỏi hố pháo, lăn xuống suối. Địch điên cuồng bắn trả. Bị một quả đạn cối 61 nổ ngay bên cạnh, ông bị thương vào đầu, vào mặt. Sau khi giải phóng Khe Sanh, ông cùng đơn vị đánh địch suốt dọc Đường 9, thuộc hai huyện Cam Lộ, Hướng Hóa; tham gia chiến dịch Nam Lào; chiến đấu giải phóng Thị trấn Cam Lộ và Thị xã Đông Hà (Quảng Trị). Ngày 12-6-1972, Tiểu đoàn được cắt về tăng cường cho Tỉnh đội Quảng Trị, với tên mới là Tiểu đoàn K3-Tam Đảo. Trên đường từ Tỉnh đội Quảng Trị nhận nhiệm vụ trở về đơn vị, xe của ông bị máy bay địch phát hiện, thả pháo sáng. Bị hoảng loạn nên lái xe chạy nhanh, đổ nghiêng vào vệ đường, sau đó xe lao xuống một cái vực nhỏ, hất ông và ba đồng đội trên xe xuống đường. Ông bị thương ở đầu và rách dây chằng vai phải, phải nằm cấp cứu ở trạm xá. Mặc dù vết thương khá nặng, vẫn chưa ổn định nhưng 5 ngày sau, ông đã xin bác sĩ cho ra viện để trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.

CCB Nguyễn Văn Hợi ôn lại kỷ niệm với cuốn an-bum đầy ắp những hình ảnh ông chụp với những đồng đội cùng chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm xưa.
CCB Nguyễn Văn Hợi ôn lại kỷ niệm với cuốn an-bum đầy ắp những hình ảnh ông chụp với những đồng đội cùng chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm xưa.

Ngày 9-7-1972, tại làng Nhan Biều 3 bên này sông Thạch Hãn, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn K3-Tam Đảo được Tư lệnh Mặt trận Lê Trọng Tấn trao nhiệm vụ chốt giữ bên trong Thành cổ Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Hợi, là trợ lý quân lực là một trong hơn 10 đồng chí trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn vinh dự đứng nghiêm nhận lệnh. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng thay mặt Tiểu đoàn hứa với Tư lệnh: “K3-Tam Đảo chúng tôi còn thì Thành cổ Quảng Trị còn!”. Rạng sáng ngày 10-7, tất cả Tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn sang Thành cổ Quảng Trị. Sở Chỉ huy của Tiểu đoàn được đặt tại mép thành phía trong, kề cổng tây. Ngay ngày đầu tiên vào Thành cổ, cả Tiểu đoàn bắt tay ngay vào dựng hầm, hào chiến đấu đã phải hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù và đã có hơn 30 cán bộ, chiến sĩ thương vong...

CCB Nguyễn Văn Hợi tâm sự, những năm ở chiến trường, nhiều lần phải chứng kiến đồng đội mình anh dũng hy sinh, nhưng sâu sắc nhất đối với ông đó là vào trưa 13-8-1972, sau khi Ban chỉ huy Tiểu đoàn họp giao ban, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến cùng với ông Hợi và một đồng chí nữa rời khỏi hầm Sở Chỉ huy ra tăng cường cho Đại đội 10. Chỉ ít phút sau, địch thả quả bom dù 7 tấn trúng Sở Chỉ huy, lúc này còn 11 đồng chí. Ông cùng đồng đội vội chạy về Sở Chỉ huy chứng kiến căn hầm bằng bê tông dày hàng mét (trước đó là hầm của Sở Chỉ huy chi khu quân sự Mỹ) bị sụp đổ. Mọi người vẫn nghe có tiếng đồng đội bị thương bị kẹt trong đống bê tông đổ nát gọi tên mình mà bất lực, nước mắt tuôn trào. Tiểu đoàn trưởng động viên bộ đội: “Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động, phải kiên cường chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững Thành cổ Quảng Trị”. Đỉnh điểm của sự ác liệt trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ là ngày 12-9-1972, với vài chục tay súng còn lại, đơn vị phải đương đầu với hàng đại đội lính thủy đánh bộ ngụy. Song Tiểu đoàn đã dựa vào hầm hào công sự, kiên cường đánh trả địch quyết liệt. Đến 2h chiều, địch phải tháo chạy khỏi thành. Địch dùng bộ binh điên cuồng tấn công nhưng bị Tiểu đoàn K3-Tam Đảo đánh trả quyết liệt, giữ vững Thành cổ. Ngày 15-9-1972, khi quân số tiểu đoàn bị thương vong gần hết thì nhận được lệnh rời khỏi thành. Sau khi các chiến sĩ rút khỏi thành, đêm 16-9, ông Nguyễn Văn Hợi là một trong 10 người cuối cùng trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn rút lui khỏi Thành cổ Quảng Trị. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3-Tam Đảo đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn, bẻ gãy kế hoạch của địch.

Tháng 4-1973, ông Nguyễn Văn Hợi được về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Liêm Cần (Hà Nam), với thương tật 81%. Sau đó ông về làm việc tại Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi (Nam Định). Năm 1978, ông xây dựng gia đình và sinh sống tại Thành phố Nam Định. Vợ chồng ông có 4 người con gái, tất cả đều đã lập gia đình, hạnh phúc và thành đạt. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng người CCB Nguyễn Văn Hợi vẫn đau đáu nhớ về những người đồng đội, những ký ức của năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử. Mặc dù sức khỏe yếu do thương tật chiến tranh, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào ông cũng thu xếp công việc để đi tìm đồng đội ở khắp 14 tỉnh, thành phố. Vốn là trợ lý quân lực của Tiểu đoàn nên ông nhớ khá rõ địa chỉ của đồng đội và được Bộ CHQS các tỉnh giúp đỡ. Từ chuyến đi tìm đồng đội đầu tiên vào tháng 5-1998 đến nay, ông đã tìm gặp được 42 đồng đội đã từng “vào sinh ra tử” trên chiến trường Quảng Trị. Gặp lại nhau, những người lính năm xưa vui mừng trào nước mắt cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng, một thời máu lửa khốc liệt. Những CCB hôm nay không khỏi bùi ngùi khi nhắc về những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh, nhiều người còn nằm lại nơi chiến trường xưa. CCB Nguyễn Văn Hợi cho biết, nhiều năm qua, ông vẫn thường xuyên lặn lội vào Quảng Trị, với Khe Sanh, với Thành cổ, thắp nén hương thơm, châm điếu thuốc, tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh, đi tìm hài cốt đồng đội. Nước mắt rưng rưng, ông nói với chúng tôi: “Cách đây 4 tháng (giữa tháng 4-2016), tôi đang ở Hà Nội để nhận Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải ngân 6,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống Bia tưởng niệm tại Cao điểm 689 (Quảng Trị) thì nhận được tin Đội quy tập liệt sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu IV) vừa tìm kiếm, cất bốc được nhiều hài cốt liệt sĩ tại Cao điểm 689. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tôi lại trở lại Quảng Trị, lên Cao điểm 689, “gặp lại” những đồng đội cũ.

Gặp gỡ, trò chuyện với ông trọn một buổi chiều, chúng tôi được nghe nhiều về những chiến công oai hùng của đơn vị ông với Khe Sanh, Cam Lộ, Hướng Hóa; những kỷ niệm “về mùa hè đỏ lửa” 81 ngày đêm năm 1972 lịch sử, bi tráng, hào hùng; những kỷ niệm buồn vui với đồng đội cũ. Khi được xem những kỷ vật của ông thời chiến tranh, chúng tôi mới biết CCB Nguyễn Văn Hợi đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Những kỷ niệm chất chứa, năm 2011, ông đã tập hợp và được NXB Quân đội Nhân dân xuất bản cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị”. Tháng 5-2016 vừa qua, ông đã cho ra mắt cuốn ghi chép thời chiến “Họ là những người lính Quảng Trị” do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com