Những năm qua hệ thống điện trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, mở rộng ở cả khu vực đô thị và vùng nông thôn. Tại Thành phố Nam Định, mạng lưới điện được mở rộng, cung ứng điện cho hoạt động của các nhà máy trong KCN Hoà Xá, CCN An Xá và phát triển dân cư tại các khu đô thị mới: Thống Nhất, Đồng Quýt, Mỹ Trung, Tây Đông Mạc, Đông Đông Mạc, Khu tái định cư Trầm Cá. Ở khu vực nông thôn, việc đầu tư phát triển mạng lưới điện đã bảo đảm cung ứng điện cho các CCN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở hơn 100 làng nghề truyền thống. Tại các xã, thị trấn ven biển của các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, hệ thống điện phát triển đến tận vùng chân sóng phục vụ nghề chế biến, nuôi trồng thuỷ, hải sản của ngư dân. Với quyết tâm của Cty Điện lực Nam Định và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để xây dựng cột, trạm biến áp mới nên đến nay hệ thống điện của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện, an toàn. Hệ thống lưới điện cao áp, toàn tỉnh hiện có 11 trạm biến áp 110kV và 1 trạm 220kV Nam Định với tổng công suất 550 nghìn kVA. Lưới điện trung áp từ 22 đến 35kV bao gồm 2.160,24km đường dây trên không, gần 98km cáp ngầm, 2.982 trạm biến áp với tổng công suất 1.044.007kVA. Lưới điện hạ áp gồm 13.416,2km đường dây các loại cung ứng điện đến hơn 670 nghìn khách hàng.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện trên địa bàn trong mùa mưa bão không chỉ là công việc của ngành Điện mà cần sự chung tay, giúp sức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Về phía ngành Điện, trước mùa mưa bão 2016, Cty Điện lực Nam Định đã tiến hành kiểm tra toàn bộ lưới điện và khắc phục ngay các ẩn hoạ trong xà, xứ, mối nối, dây dẫn; gia cố lại móng cột bị sạt lở, chặt bỏ cành cây, tháo dỡ mái tôn, biển quảng cáo có nguy cơ va quệt vào công trình điện. Cty Điện lực Nam Định cũng đã thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thành lập tiểu ban phòng chống lụt bão ở các điện lực cơ sở, đồng thời thành lập đội xung kích phòng chống bão lụt gồm 26 thành viên là lực lượng trẻ khoẻ, có tay nghề kỹ thuật cao. Nguyên tắc xử lý sự cố lưới điện trong mùa mưa bão năm nay được triển khai từ dưới lên trên theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Kinh nghiệm từ các mùa mưa bão trước cho thấy, khi bão lũ lớn xảy ra, hệ thống lưới điện sẽ bị sự cố nặng nề nên Cty Điện lực Nam Định đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn điện tại các trọng điểm, gồm: Hệ thống đường dây cung ứng điện đến trụ sở Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh. Hệ thống đường dây tiếp theo nằm trong phương án ưu tiên cấp điện là các trạm bơm công suất lớn 32 nghìn m
3 giờ/máy bao gồm: Cốc Thành, Hữu Bị, Sông Chanh, Vĩnh Trị, Cổ Đam, Quỹ Độ để tiêu úng kịp thời cứu lúa, màu; các trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột, công suất 11 nghìn m
3 giờ/máy tiêu úng cho Thành phố Nam Định. Ngoài ra, phương án cấp điện ưu tiên nữa là hệ thống đường dây cung ứng điện đến các trung tâm huyện, các địa điểm đặt các máy bơm dã chiến, bơm nội đồng chống úng cục bộ phục vụ sản xuất, dân sinh.
|
Thực hành vận chuyển cột điện ly tâm trong diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 tại Phân xưởng xây lắp và sửa chữa lưới điện thuộc Cty Điện lực Nam Định. |
Đối với khách hàng sử dụng điện, Cty Điện lực Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và nhân dân thực hiện tốt những quy định chung về kỹ thuật điện để bảo đảm an toàn cho con người, tài sản. Trong thời gian trước mùa mưa bão, các tập thể, cá nhân cần tự kiểm tra công trình điện thuộc về tài sản của mình, sửa chữa ngay những hư hỏng như kết cấu xà, trụ yếu, nghiêng, mục; dây dẫn xơ xước, đấu nối chắp vá; cầu dao, áp-tô-mát không bảo đảm an toàn. Đặc biệt lưu ý các kết cấu khác như nhà cửa, hàng rào, cột ăng ten, cột đèn chiếu sáng khi có mưa bão dễ đổ vào đường dây điện, trạm điện. Trong mưa to, gió lớn, cần đề phòng nước ngập tủ điện, cháy nổ ở đường cáp ngầm, dây điện trên không đứt rơi, cột điện đổ, sứ điện vỡ làm rò điện ra hàng rào sắt, mái tôn và các vật dụng có khả năng dẫn điện khác. Khi mạng điện cơ quan, gia đình có nguy cơ ngập nước, phải kịp thời cắt cầu dao điện đầu nguồn, đề phòng mạch điện bị ngập nước gây tai nạn chết người. Trường hợp khẩn cấp như đứt dây, đổ trụ điện, vỡ tủ điện, trạm điện bị ngập nước…, cần cảnh báo, không cho người lại gần, đồng thời thông báo cho đơn vị quản lý điện hoặc chính quyền địa phương phối hợp cô lập khu vực mất an toàn. Người dân không đứng trú mưa dưới đường dây điện cao thế; không lợi dụng cột điện để làm nhà, dựng lều quán bán hàng; không buộc trâu bò hoặc thả gia súc gần công trình điện; không phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; không trồng và để cành cây, dây leo của gia đình phát triển gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây điện. Sau khi mưa bão, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dùng điện tự kiểm tra, phát hiện, xử lý các hư hỏng trong phạm vi quản lý, phối hợp cùng ngành Điện trong quá trình khôi phục, đóng điện.
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, ngành Điện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, trường học tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, xử lý tình huống, khắc phục sự cố, bảo đảm vận hành điện an toàn, không để xảy ra những tai nạn thương tâm vì điện trong mùa mưa bão./.
Bài và ảnh:
Xuân Thu