[links()]
(Tiếp theo và hết)
II - Cần giải pháp đồng bộ để nông dân không bỏ ruộng
Trong khi hàng nghìn hộ nông dân đang bỏ ruộng hoang hóa thì ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn có những người nông dân, những doanh nghiệp đang âm thầm thuê lại ruộng đất để sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Điều này cho thấy một xu hướng mới của nông nghiệp hiện nay là tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất.
Trăn trở trước việc những người nông dân làm việc tất bật trên đồng ruộng nhưng vẫn không có lãi, thậm chí nhiều hộ còn bị lỗ đã tính đến chuyện bỏ ruộng, ông Đoàn Xuân Khải, nông dân xã Xuân Thành (Xuân Trường) nhận ra rằng, chính việc canh tác trên những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất tăng cao. Ở quê ông có hàng trăm hộ làm ruộng nhưng diện tích đất ít ỏi mỗi hộ chỉ dăm sào ruộng, lại bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, cây trồng không được quan tâm chăm sóc đúng mức do mọi người còn tập trung đi làm thêm các ngành nghề phụ nên không mang lại hiệu quả cao. Nếu khắc phục được nhược điểm này và đầu tư đúng mức, chắc chắn cây lúa sẽ trả công xứng đáng cho người trồng. Suy nghĩ đi đôi với hành động, năm 2010, ông làm thủ tục, đề nghị chính quyền xã cho mình được thuê lại ruộng hoang để cấy lúa. Sau khi được địa phương đồng ý, ông Khải thuê gom dồn được 20 mẫu ruộng, tiến hành cải tạo lại đồng ruộng, xóa bỏ các bờ thửa chia cắt ruộng khắc phục được tình trạng manh mún; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Trong vụ đầu tiên, năng suất lúa của ông đạt bình quân 1,7 tạ/sào. Từ vụ đầu cho kết quả tốt, ông có thêm động lực tiếp tục mạnh dạn thuê gom thêm ruộng, khai hoang cấy lúa. Cứ thế, cái ý nghĩ “làm ruộng thì ra, làm nhà thì thiếu” đã thôi thúc ông “ôm” hết những diện tích đất nông nghiệp hoang hóa ở địa phương. Những cánh đồng bị bỏ hoang, chỉ để cỏ dại mọc khi xưa qua bàn tay ông đã được cải tạo thành cánh đồng lúa xanh mượt trải dài gần 1km. Sau gần 6 năm không ngừng mở rộng diện tích, hiện ông xây dựng cánh đồng mẫu lớn diện tích 60 mẫu cấy mỗi năm 2 vụ lúa. Tất cả các công đoạn, từ làm đất, gieo mạ, phun thuốc trừ sâu, đến thu hoạch, vận chuyển đều được thực hiện bằng máy nhờ vậy ruộng lớn song không tốn lao động, thời vụ đảm bảo, thuận tiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Diện tích lúa của gia đình ông Khải luôn cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng, ngoài ra ông còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Chia sẻ về thành công của mình, ông Khải cho rằng, đối với người nông dân thì không gì thạo bằng sản xuất nông nghiệp. Làm ruộng cũng có thể rất hiệu quả và bền vững, mang lại thu nhập cao không kém gì các ngành nghề khác nếu người nông dân thật sự tâm huyết được đảm bảo các điều kiện cần thiết.
Cty TNHH Cường Tân thuê gom, tích tụ ruộng đất tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường) để sản xuất lúa giống. |
Không chỉ có mô hình của ông Khải thành công, một số doanh nghiệp mới đầu tư vào nông nghiệp khi tích tụ được diện tích ruộng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị cho thu lãi cao. Là doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực này, đến nay Cty TNHH Cường Tân đã thuê gom hơn 300ha đất 2 lúa tại một số xã của các huyện Trực Ninh, Xuân Trường. Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty cho biết: Sau khi thuê gom, tích tụ ruộng đất, Cty quy hoạch thành các vùng cánh đồng lớn tập trung, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM và giao ruộng lại cho những nông dân có năng lực quản lý để tổ chức liên kết sản xuất lúa giống, cây vụ đông hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu. Cty ứng trước giống gốc, phân bón, thuốc BVTV và hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời bảo hành năng suất, giá trị tối thiểu bằng sản xuất lúa thương phẩm ngoài đại trà, thu mua 100% sản phẩm lúa giống và sản phẩm cây vụ đông. Các hộ nông dân đầu tư công lao động (gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch…) thực hiện quy trình sản xuất theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty và cam kết bán toàn bộ sản phẩm cho Cty. Hiệu quả kinh tế của mô hình là mỗi ha liên kết sản xuất lúa giống của Cty cho lợi nhuận bình quân từ 70-80 triệu đồng/năm, cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa ngoài đại trà; trong đó các hộ nông dân cho thuê ruộng, nông dân trực tiếp sản xuất được thu về từ 22-28 triệu đồng. Mỗi ha liên kết sản xuất dưa chuột bao tử trong vụ đông, nông dân thu lợi nhuận 20-22 triệu đồng, bí xanh 25-30 triệu đồng. Đây hiện đang được đánh giá là một trong những mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) cũng thuê đất của 1.700 hộ dân xã Xuân Ninh, Xuân Vinh để sản xuất lúa thương phẩm. Với mức thuê 50kg thóc/sào/vụ với thời hạn thuê đất là 10 năm được bà con nông dân nơi đây nhiệt tình ủng hộ. Với cánh đồng diện tích lớn doanh nghiệp có thể tiến hành sản xuất bảo đảm 3 “cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng kỹ thuật canh tác) góp phần giảm công lao động và chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và giá trị kinh tế.
Từ những mô hình thuê gom tích tụ ruộng đất thành công trên địa bàn tỉnh cho thấy nếu được tích tụ và tổ chức sản xuất sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế, không có đất xấu, ruộng xấu. Như vậy sẽ không có ruộng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, hiện nay các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn ít… Tình trạng nông dân bỏ ruộng, để hoang hóa chắc chắn sẽ chưa dừng lại khi sản xuất manh mún, chưa có sự đầu tư thích đáng cho sản xuất nông nghiệp. Đây là sự lãng phí tài nguyên đất đai lớn. Để khắc phục tình trạng đồng ruộng bị bỏ hoang, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt Luật Đất đai; kiểm tra, rà soát, thống kê thực trạng tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng trong các vụ tiếp theo. Ngăn chặn kịp thời việc người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa trái quy định, nhất là chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Thống kê nhu cầu sử dụng đất canh tác của từng hộ nông dân, vận động các hộ không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp trả lại đất hoặc cho các đối tác có nhu cầu thuê gom tích tụ đất thuê. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Chính quyền địa phương cấp xã, thôn, xóm, các HTXNN cần vận động người dân thực hiện các biện pháp dồn đổi, quy gọn những diện tích ruộng bỏ hoang thành một vùng lớn mới có thể kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện, xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã; thống kê, phân loại chi tiết đất trồng lúa thực sự kém hiệu quả tại địa phương để đề xuất phương án chuyển đổi sang trồng màu hoặc nuôi trồng thủy sản. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; có giải pháp nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Hiện Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL bố trí ưu tiên nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí để hỗ trợ các địa phương đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương cấp III và đường giao thông nội đồng cho những vùng quy hoạch chuyên trồng 2 vụ lúa nhưng thường xuyên thiếu nước, khô hạn. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng sang đất ở hoặc xây dựng các công trình phúc lợi đối với những diện tích đất xen kẹp, bị bỏ hoang trong các khu dân cư, CCN, cơ quan, trường học. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương tưới - tiêu cho những diện tích canh tác liền kề các khu, CCN, các làng nghề và hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu, CCN, các làng nghề và khu phát triển kinh tế trang trại. Có cơ chế, chính sách khuyến khích việc chuyển nhượng, dồn đổi, tích tụ ruộng đất để các tổ chức, cá nhân có điều kiện xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Hy vọng rằng, bên cạnh sự nỗ lực của người nông dân và tình yêu với ruộng đồng, sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, các sở, ngành và các địa phương, những vụ mùa tới, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ dần được khắc phục./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh