Nông dân bỏ ruộng là vấn đề “nóng” của nhiều địa phương trong cả nước những năm gần đây. Với tỉnh ta cũng không ngoại lệ, số diện tích lúa bị bỏ hoang có xu hướng ngày càng tăng. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên việc khắc phục tình trạng này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
I - Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng
Cánh đồng lúa của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đang bước vào vụ cấy. Bên cạnh những ruộng lúa đang được phủ màu xanh của mạ là những mảnh ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Là xã có nghề may mặc phát triển, cho thu nhập ổn định nên đã thu hút hầu hết lao động làm nghề, dẫn đến thiếu lao động nông nghiệp. Ông Trần Văn Nam, nông dân xã Mỹ Thắng cho biết: Trước đây nghề sản xuất và gia công chăn, ga, gối, đệm được xem là nghề phụ, song song với nghề chính là làm nông nghiệp; các hộ dân chỉ tận dụng thời gian nông nhàn để làm kiếm thêm thu nhập. Song nghề “phụ” dần phát triển mạnh, cho thu nhập “lấn át” nghề chính làm ruộng. Do đó người dân chuyển sang làm nghề, không cấy lúa nữa, số hộ gia đình bỏ ruộng để chuyển hẳn sang nghề may mặc và làm chăn ga, gối đệm ngày một nhiều lên. Nhà nào có nhiều ruộng thì cho thuê, không có người thuê đành bỏ hoang. Vì vậy, diện tích ruộng bỏ hoang đến thời điểm hiện tại của xã Mỹ Thắng đã lên tới 46,2ha. Tại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) diện tích ruộng bỏ hoang cũng lên tới 36,6ha và tại xã Trung Đông 49,3ha, Thị trấn Cổ Lễ 50ha (Trực Ninh); Yên Đồng 100ha, Yên Lương 39,3ha (Ý Yên)…
Nông dân xã Nam Lợi (Nam Trực) xuống đồng cấy lúa mùa. |
Theo thống kê của ngành NN và PTNT, năm 2015 có trên 5.600 hộ nông dân bỏ ruộng, với diện tích 583ha. Chỉ trong vòng 1 năm, đến vụ xuân 2016, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã phát sinh thêm ở gần 30 xã, thị trấn; diện tích bỏ ruộng tiếp tục tăng ở 32 xã, thị trấn đưa số địa phương có diện tích bỏ ruộng lên con số 83 xã, thị trấn với tổng diện tích gần 950ha. Các huyện có diện tích nông dân bỏ ruộng nhiều là Ý Yên 337ha, Trực Ninh 146,5ha, Nam Trực 122ha, Mỹ Lộc 117ha. Chỉ có huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (theo báo cáo của huyện) là chưa có diện tích bỏ ruộng. Nhìn chung diện tích đất lúa bị bỏ hoang đều nằm ở các xã gần đô thị (thành phố, thị trấn) hoặc có làng nghề, KCN và dịch vụ phát triển cho thu nhập ổn định, thu hút nhiều lao động dẫn đến thiếu hụt lao động nông nghiệp, mặc dù có nhiều khu vực canh tác rất thuận lợi về giao thông, thủy lợi. Hầu hết các xã, thị trấn có tình trạng bỏ ruộng đã thực hiện các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động nhân dân gieo cấy hết diện tích; giảm giá thuê ruộng, hỗ trợ tiền cày bừa, đầu tư nâng cấp giao thông nội đồng cho phần diện tích đất công; kêu gọi đầu tư cho thuê đất lúa để canh tác... Một nghịch lý nữa là trong khi nhiều nơi có ruộng bị bỏ hoang thì nhiều người có nhu cầu tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa lại không thuê được đất. Lý do là diện tích bỏ hoang manh mún, không tập trung; một số nơi nông dân còn có tâm lý giữ ruộng coi là tài sản để dành phòng khi làm ăn kinh doanh thất thoát, nhất định không cho thuê, cho mượn ruộng. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Một nguyên nhân nông dân bỏ ruộng nữa là do việc quy hoạch đô thị, các khu dân cư và các khu, CCN không đồng bộ nên hệ thống tưới - tiêu nước không phát huy được tác dụng; một số diện tích trồng lúa bị xen kẹp trong các khu, CCN hoặc khu dân cư, hệ thống kênh mương thủy lợi bị chia cắt, việc tưới - tiêu rất khó khăn dẫn tới sản xuất lúa kém hiệu quả. Điển hình cho tình trạng này là ở một số phường, xã như: Lộc Vượng, Lộc Hòa, Mỹ Xá (TP Nam Định); Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); Nam Hồng (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường)... Một số diện tích ruộng còn bị ảnh hưởng do ô nhiễm từ nước thải của các làng nghề, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, bãi rác ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và nước tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế không cao. Ở các địa phương có làng nghề như đúc nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực), Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), Xuân Trung (Xuân Trường)... do ruộng lúa ở những diện tích liền kề các khu làng nghề không hiệu quả, cộng thêm việc người dân sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nên cũng bỏ ruộng hoang. Ngoài ra, có một số diện tích đất công ích sau dồn điền đổi thửa của xã, thị trấn thường là những diện tích canh tác khó khăn (xa khu dân cư, úng trũng, cao hạn; nhiễm mặn, phèn; xen kẹt...) được các xã cho nông dân đấu thầu để sản xuất, song những diện tích này đòi hỏi phải đầu tư lớn, khoa học mới có thể sinh lợi. Trong khi đó nhiều người sau đấu thầu cạn vốn, lại khó tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi nên đầu tư hạn chế, thiếu đồng bộ, qua một vài vụ sản xuất lợi nhuận không đáng kể, nhiều hộ nông dân đã trả lại ruộng trong khi xã chưa có kế hoạch sử dụng nên bỏ hoang; phổ biến ở các xã: Quang Trung (Vụ Bản); Mỹ Thành, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); Nam Tân, Nam Thanh, Nam Tiến (Nam Trực). Ngoài ra, còn một số diện tích giáp với các thị trấn hoặc giáp với Thành phố Nam Định đã được quy hoạch cho các mục đích khác như khu, CCN hoặc quy hoạch đô thị, giá trị đất tăng cao, người nông dân trông chờ được Nhà nước thu hồi, đền bù nên bỏ không canh tác…
Hiệu quả kinh tế của người trồng lúa là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến nông dân bỏ ruộng. Chi phí vật tư đầu vào, tiền công thuê lao động luôn tăng cao và không có xu hướng giảm, trong khi giá lúa vài năm gần đây chỉ dao động trong mức 6.000-8.000 đồng/kg. Và nếu trước đây chỉ khi được mùa mới mất giá, thì nay chỉ cần vào mùa là giá lúa nói riêng và một số mặt hàng nông sản nói chung đều giảm. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người trồng lúa còn hạn chế nên một bộ phận nông dân thiếu gắn bó với đồng ruộng. Đa số lao động trẻ không còn mặn mà với nghề nông với lý do lao động vất vả mà thu nhập thấp lại không ổn định, lao động nông nghiệp hiện nay chủ yếu là những người trung niên trở lên. Đã qua tuổi 70, cái tuổi mà lẽ ra ông Phạm Ngọc Sơn, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) được nghỉ ngơi, an nhàn nhưng vào mỗi vụ sản xuất, ông vẫn phải lội ruộng bón phân, làm đất. Trải qua hàng chục năm làm ruộng, chưa có thời kỳ nào ông Sơn cảm thấy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Sơn có một bài toán chi tiết về lợi nhuận từ sản xuất lúa vụ xuân. Theo đó, với giá lúa cao nhất hiện nay là lúa BT7 8.000 đồng/kg và năng suất 200 kg/sào, người nông dân sẽ thu về 1,6 triệu đồng/sào. Trong khi đó, tổng chi phí cho một sào lúa (bao gồm: công làm đất, công thuê cấy, tiền giống lúa, tiền phân bón, thủy lợi phí, dịch vụ, thuốc BVTV, công gặt...) khoảng trên 1,3 triệu đồng. Như thế, số tiền lãi thu về từ một sào ruộng trong vụ xuân của người nông dân chỉ vẻn vẹn trên dưới 300 nghìn đồng sau 3 tháng gieo trồng, chăm sóc. Đó là trong trường hợp mưa gió thuận hòa, nếu bị thiên tai, sâu bệnh thì nhiều nông dân trong phút chốc trở nên trắng tay...
Theo kết quả phân tích của cơ quan chuyên môn, trong số lao động thất nghiệp trong tỉnh hiện nay, có tới hơn 80% người thiếu việc làm tập trung ở khu vực nông thôn. Bởi họ không thiết tha với đồng ruộng, lại không có nghề khác để làm. Nếu không có những giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng giá trị lao động nông nghiệp thì tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Đây là bài toán đặt ra rất cấp bách cho các cấp, các ngành để kéo người nông dân quay về với đồng ruộng, không còn những cánh đồng cho cỏ mọc…
(còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh