Trong nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm, học thêm trong ngành Giáo dục được dư luận quan tâm và luận bàn rất nhiều. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc cấm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên làm thế nào để chấm dứt tình trạng này thực sự là một “bài toán nan giải”(!).
Với mục đích thiết thực là học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nhiều gia đình chẳng ngại dành thời gian, tiền bạc để đầu tư cho con em tham gia các lớp học văn hóa ngoài thời gian học ở trường. Nhưng điều đáng bàn là thực tế việc dạy thêm, học thêm ở một số nơi, một số giáo viên đang “biến tướng”, trở thành một thứ dịch vụ biến những ngày hè vui chơi của các em trở thành quãng thời gian căng thẳng, áp lực. Chính vì vậy, ngay từ khi kết thúc năm học 2015-2016, Sở GD và ĐT đã có công văn chỉ đạo các nhà trường, tập thể, cá nhân trong ngành không tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 6 và tháng 7-2016 dưới mọi hình thức. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.
Thay vì đi học thêm văn hóa trong hè, nhiều phụ huynh cho con đi học các lớp bồi dưỡng giải Toán thông minh tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định. |
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD và ĐT, trong tháng 6, hầu hết học sinh các trường học trong tỉnh không phải đến các lớp học thêm do thầy cô sắp xếp lịch từ cuối năm học như những năm học trước. Cô H, giáo viên Trường THCS Lộc Hạ (phường Lộc Hạ, TP Nam Định) cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Sở GD và ĐT, ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến với toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường về quy định nghiêm cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Bản thân cô, ngay trong tháng 6 đã có nhiều phụ huynh liên hệ để gửi gắm con em mình, nhưng cô kiên quyết không nhận dạy thêm. Trong tháng 6, ở một số phường trên địa bàn thành phố, công an khu vực cũng đã đến tận nhà giáo viên để nhắc nhở, cam kết không dạy thêm, học thêm tại nhà và trong khu vực. Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong hè UBND, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố đều có công văn phổ biến quy định của Sở GD và ĐT, trong thời gian học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình; đồng thời yêu cầu các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo cho các em có những ngày hè bổ ích. Huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo sâu sát và hiệu quả quy định về dạy thêm, học thêm trong dịp hè. Trong đó, mọi vấn đề liên quan đến dạy thêm của giáo viên trên địa bàn, mọi người dân đều có thể phản ánh đến số điện thoại công khai của UBND, Phòng GD và ĐT huyện để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy, thời gian qua, trên địa bàn huyện không có nhóm, lớp học thêm. Trước đó, lãnh đạo UBND, Phòng GD và ĐT huyện cũng chỉ đạo các nhà trường dạy thực chất, học thực chất, không cắt xén chương trình và có kế hoạch quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, kèm cặp học sinh yếu, kém ngay ở trên lớp, đã tạo được niềm tin của học sinh và cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua khảo sát tại địa bàn Thành phố Nam Định, tình trạng dạy thêm, học thêm đã bắt đầu sôi động trở lại. Tại khu vực gần các trường tiểu học: Chu Văn An, Trần Đăng Ninh, một số nhà dân cho thuê địa điểm mở lớp học tại gia đình; học sinh từ cấp tiểu học đến THPT ra vào tấp nập trong các ca học từ sáng cho tới tối muộn. Điều dễ nhận thấy tại các lớp học này là việc thực hiện theo những quy chuẩn cần thiết như diện tích lớp học, bàn ghế, bảng chống lóa... chưa bảo đảm theo quy định, số lượng học sinh quá đông so với diện tích phòng học, thu học phí cao hơn quy định, dạy trước chương trình, không phân loại học sinh khi chia lớp dạy… Ở một góc độ nào đó, việc bồi dưỡng “lỗ hổng” kiến thức đối với những học sinh yếu kém, nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp… đối với những em khá, giỏi là nhu cầu chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy hầu hết việc đi học thêm hiện nay, nhất là học thêm trong hè đều không nhằm mục đích trên mà là để học trước chương trình, nghĩa là học chương trình mà vào năm học mới các em chỉ việc… học lại. Được biết, giữa tháng 8 hằng năm, việc dạy thêm, học thêm cũng chỉ được tổ chức cho các em học sinh có học lực yếu kém, các em trong diện phải thi lại… và việc dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay tại nhà trường. Còn trong năm học, tất cả các giáo viên có nhu cầu dạy thêm phải được sự cho phép của nhà trường. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện quy định như thế nào lại là chuyện của… các thầy, cô giáo và nhu cầu của phụ huynh, học sinh! Mặt khác về phía phụ huynh, thấy “nhà nhà học thêm, người người học thêm” nên phần lớn mọi người đều lo lắng nếu con cái mình không đi học thêm sẽ không theo kịp các bạn. Và như vậy, việc phụ huynh đề nghị giáo viên mở lớp để dạy con em vẫn diễn ra.
Điều ghi nhận là thời gian qua, ngành GD và ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm còn xảy ra nhiều; công tác kiểm tra chưa thường xuyên, biện pháp xử lý thiếu kiên quyết. Thiết nghĩ, việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà còn có trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Vì vậy để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT, các nhà trường với chính quyền các địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm. Điều quan trọng là cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất lượng giảng dạy, học tập ở mỗi nhà trường.
Hãy kiên quyết “nói không” với dạy thêm, học thêm./.
Bài và ảnh: Hồng Minh