Năm 2016, thiên tai được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu, tác động của El - Nino dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Thành phố Nam Định đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) với các kịch bản ứng phó cụ thể tương ứng với các tình huống thiên tai.
|
Cán bộ Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định kiểm kê vật tư phòng chống thiên tai. |
Ban chỉ huy PCTT thành phố đã tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê bối trước mùa bão, lũ. Qua kiểm tra, đã xác định các trọng điểm xung yếu để có phương án bảo vệ: trong 13km đê cấp I thuộc hệ thống sông Hồng và sông Đào còn một số nơi chưa đủ đáp ứng yêu cầu PCTT. Tại tuyến đê hữu Hồng ở K166-K166+300 (xã Nam Phong gần cống Ngô Xá) và tại K4,26-K5,043 (phường Trần Quang Khải) nhiều đoạn địa chất thân đê, nền đê yếu, khi lũ cao ở mức báo động II xuất hiện thẩm lậu, rò rỉ qua thân đê. Các khu vực đê Óng Bò, Ngô Xá (gồm cả cống Ngô Xá) là trọng điểm PCTT của thành phố, cần xây dựng phương án riêng bảo vệ. Trong tổng số 8km kè (kè Vạn Hà, kè Phù Long, kè sông Đào, kè Tam Phủ) do đã lâu không được duy tu nên nhiều đoạn mái kè, chân kè bị sạt lở; hiện tỉnh đang tiến hành xây dựng kè Ngô Xá xã Nam Phong. 4 cống qua đê gồm: Kênh Gia, Trạm bơm Kênh Gia, Ngô Xá, Vạn Diệp đều ở độ sâu từ -0,5 đến -0,1m, cánh cống rộng và cao, cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. 6km đê bối thuộc hai xã Nam Phong và Nam Vân và vùng bối có dân số trên 1.000 nhân khẩu cần phải cải tạo mặt bối, sơ tán dân khi có lũ ở mức trên báo động II. Bên cạnh đó, còn có 1.192 hộ nhà cấp 4, 1.679 hộ nhà chung tầng ở khu nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhìn chung đã hết niên hạn sử dụng, cần có phương án bảo vệ, sơ tán dân khi có mưa bão xảy ra. Trong đó, có 441hộ ở nhà thuộc sở hữu Nhà nước phải di chuyển nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân. Từ thực trạng trên, thành phố đã xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Để bảo đảm “vật tư tại chỗ”, ngoài vật tư dự trữ thuộc nguồn vốn tỉnh và Trung ương, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã chủ động bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định của Luật Đê điều các vật tư thông dụng khác như tre, rào… Yêu cầu mỗi gia đình trong thành phố chuẩn bị 2 bao tải, 2 cây hoặc 2 cọc tre, các hộ ven đê chuẩn bị thêm 2 bao đất, hoặc cát chống lụt, dụng cụ quang gánh, cuốc, xẻng sẵn sàng huy động khi có lệnh. Về lực lượng tại chỗ, thành phố đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích với tổng số 2.500 người của 34 đơn vị thuộc các phường, xã. Ban CHQS thành phố hiệp đồng với các lực lượng quân đội trong và ngoài tỉnh bảo đảm ứng cứu khi có tình huống bão lũ xảy ra; tổ chức diễn tập PCTT và TKCN cho lực lượng dự bị động viên của các cơ quan, đơn vị, phường, xã với 2 nội dung gồm: vận hành cơ chế hội nghị liên tịch UBND phường triển khai kế hoạch phòng chống bão và thực hành huy động lực lượng tham gia ứng cứu đê, kè. Phòng Kinh tế thành phố đã tổ chức tốt việc kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, các ngành triển khai thực hiện công tác PCTT. Tổ chức tập huấn chống lụt, bảo vệ kho tàng, đàn gia súc, bảo vệ sản xuất cho các HTX nông nghiệp; tập huấn xử lý giờ đầu các sự cố đê điều cho các lực lượng trưởng điếm canh đê và lực lượng quản lý đê nhân dân các phường, xã. Trước ngày 30-5, các phường, xã đã hoàn tất việc xây dựng kế hoạch phòng chống lũ, bão cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và phương án đối phó với siêu bão. Các xã, phường có đê đã xây dựng phương án bảo vệ đê và tập huấn cho lực lượng xung kích hộ đê về công tác ứng cứu giờ đầu, gồm chống tràn, cắm cừ chống sạt lở, xử lý mạch sủi. Chủ động phối hợp với Hạt quản lý đê phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đê điều, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là việc xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đê điều, khai thác cát trên sông, đổ chất thải vật liệu xây dựng ở bãi sông. Hiện tại, các ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp, hoàn tất kế hoạch sơ tán các hộ dân trong nhà ở nguy hiểm khi có bão xảy ra; đặc biệt là các phường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Bà Triệu, Quang Trung. Phòng GD và ĐT đã chủ động kế hoạch điều hành công tác giảng dạy, học tập trong tình huống bão lụt, có phương án bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh và có biện pháp sớm khôi phục trường lớp, ổn định học tập sau thiên tai. Phòng Quản lý đô thị thành phố đã lập kế hoạch hợp đồng với các HTX vận tải về phương tiện PCTT để kịp thời huy động theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố; kiểm tra các phương tiện neo đậu thuyền khi có bão và tổ chức cắm biển báo tại những điểm nguy hiểm khi có bão, lũ. Hiện nay, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, hạ cây già cỗi, cắt tỉa cành cây đường phố để phòng ngừa gây đổ khi có bão không gây nguy hiểm cho tính mạng người dân và giao thông, các công trình công cộng. Để chủ động phòng chống úng, tiêu thoát nước trong mùa mưa bão, các Cty thủy nông đã tiến hành sửa chữa các trạm bơm, duy tu nạo vét các kênh mương, các công trình thủy lợi cấp I, II; lập kế hoạch với các HTX nông nghiệp khoanh vùng, đảm bảo chống úng cho hơn 800ha lúa mùa kết hợp với tiêu úng nội thành. Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị tập trung bảo dưỡng vận hành cống trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột và tổ chức nạo vét mương, máng, cống tiêu nước nội thành bảo đảm tiêu thoát nước thành phố. Phòng Y tế đã bố trí nguồn nhân lực và chuẩn bị dự trữ đủ cơ số thuốc phòng dịch và phương tiện y tế chủ động phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn và bảo đảm vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi bão, lũ xảy ra. Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã lập phương án giải phóng rác thải trước, sau mưa bão, lũ bảo đảm triển khai kịp thời công tác thu gom, vận chuyển và xử lý trong mọi tình huống…
Bài và ảnh:
Thanh Thúy