Những kỷ niệm đáng nhớ về nghề báo

08:06, 21/06/2016
Hơn 10 năm công tác ở Báo Nam Định, càng đi nhiều, viết nhiều, tôi cảm thấy ngày càng quý trọng nghề báo. Mỗi chuyến đi cơ sở để lại trong tôi những cảm xúc khác nhau về mảnh đất, con người, trong đó có những kỷ niệm khó quên. 
 
Tôi được phân công viết về mảng TDTT. Vất vả nhất đối với tôi khi viết về thể thao phong trào là chụp ảnh người dân khi đang tập luyện. Thông thường các hoạt động tập luyện thể thao của người dân thường diễn ra vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Buổi sáng diễn ra quá sớm, lại ở xa nên tôi thường hẹn cơ sở chụp ảnh tập buổi chiều. Từ 17 giờ trở đi người dân mới tập trung tập thể thao, nếu mùa hè thì thời gian bắt đầu còn muộn hơn. Nhiều khi tôi chụp ảnh tập luyện của người dân xong cũng là lúc tối muộn, nhất là khi chụp ở các huyện xa như Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng… Trong một lần viết về phong trào TDTT ở xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) sau khi làm việc xong với lãnh đạo UBND xã và chụp ảnh người cao tuổi tập Thức vũ kinh tại NVH xóm 8 tôi vội ra về vì trời cũng đã nhập nhoạng. Khi đi đến đoạn đường Đen từ xã Nghĩa Thịnh ra tỉnh lộ 490C tôi đi chậm bởi đoạn đường đang thi công, đường nhiều ổ trâu, ổ gà, trời đang tối dần. Đang lò dò đi xe, bất chợt phía sau một chiếc xe chở đất vượt lên ép xe tôi loạng choạng rồi lao xuống ruộng nước. Chiếc xe dưới ruộng chết máy, tôi cố gắng hết sức cũng không đưa lên đường được. Trời mỗi lúc một tối, đường lại vắng khiến tôi rất lo lắng. Đúng lúc đó một người đàn ông khoảng 60 tuổi đi xe máy đến. Nhận thấy “trách nhiệm” cần giúp đỡ, ông xuống giúp tôi kéo chiếc xe máy lên bờ. Qua trò chuyện tôi được biết, ông tên là Hoàn ở xã Nghĩa Thịnh, còn tôi tự giới thiệu là phóng viên Báo Nam Định đang trên đường đi công tác. Sau khi chào người đàn ông tốt bụng, tôi khởi động xe nhưng hết đề rồi đạp cần khởi động chiếc xe cứ ỳ ra không nổ. Lúc này tôi hoảng thực sự vì từ chỗ tôi ra chợ Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh hay ra tỉnh lộ 490C để sửa xe còn khá xa, nếu dắt bộ sẽ rất vất vả, trời lại tối. Thấy vậy, ông Hoàn bảo tôi đứng đợi để ông về nhờ người trong làng ra giúp. Ngồi đợi giữa cánh đồng, xung quanh im ắng không bóng người tôi lo lắm bởi mới quen nhau chưa lâu, liệu ông Hoàn có thực lòng giúp đỡ hay chỉ hứa vậy(?). Khoảng 10 phút sau ông Hoàn đến và chở theo một người trung tuổi mang đồ sửa chữa xe máy. Trong lúc chờ người thợ sửa xe máy, tôi nói chuyện với ông Hoàn. Ông cho biết, Báo Nam Định đã có bài viết về xã ông. Có lẽ biết tôi là phóng viên Báo Nam Định nên ông quý trọng và nhiệt tình giúp đỡ. Sau khi chào ông Hoàn và người thợ sửa xe máy, trên đường về nhà tôi cảm thấy rất vui vì tình cảm ấm áp giữa người dân với người làm báo tỉnh nhà.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là quá trình tìm hiểu, viết bài giới thiệu về 9 sắc phong của dòng họ Ngô Đình ở huyện Vụ Bản. Trong quá trình điều tra, thống kê và sưu tầm tài liệu quý hiếm của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tại kho lưu trữ huyện Vụ Bản, đã phát hiện ra 9 sắc phong của dòng họ Ngô Đình ở huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản). Trải qua thời gian, điều kiện bảo quản không đầy đủ, các sắc phong này đều hư hại. Để bảo quản, phục chế các sắc phong này, đầu năm 2012, huyện Vụ Bản bàn giao 9 sắc phong cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Khi biết thông tin về các sắc phong này, tôi nảy sinh ý định tìm hiểu về dòng họ Ngô Đình. Tôi nhờ một số người giỏi Hán Nôm ở Thành phố Nam Định dịch và biết một số sắc phong có nhắc đến địa danh xã Bảo Ngũ xưa. Sau nhiều lần về huyện Vụ Bản, gặp một số người cao tuổi tìm hiểu, tôi mới biết xã Bảo Ngũ xưa bây giờ thuộc một phần xã Quang Trung và một phần xã Trung Thành. Lần lượt đến hỏi các dòng họ, cuối cùng tôi cũng gặp người trong dòng họ Ngô Đình ở xã Trung Thành. Sau khi xem ảnh chụp các sắc phong, người dòng họ này khẳng định các sắc phong kia thuộc dòng họ của mình. Nguyên nhân thất lạc có từ năm 1964 khi thực hiện quy hoạch đồng ruộng để phục vụ sản xuất, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Vụ Bản phát hiện ngôi mộ cổ được cho là xác ướp bà Phi tử của chúa Trịnh Cán vốn là người dòng họ Ngô. Để làm rõ lai lịch ngôi mộ, người dòng họ Ngô Đình đã đồng ý cho các cơ quan chức năng  mượn các sắc phong. Sau này do người mượn sắc phong mất nên người trong dòng họ không biết các sắc phong ở đâu và cũng mất luôn gia phả. Việc dòng họ Ngô Đình tìm các sắc phong đúng dịp Tiết thanh minh khiến con cháu rất phấn khởi và bày tỏ cảm ơn Báo Nam Định và cá nhân tôi. Sau này, nhiều người trong họ thường xuyên liên lạc với tôi để thông báo tình hình xin lại các sắc phong, mời tôi về dự ngày giỗ tổ…
 
Những câu chuyện nhỏ nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về tình cảm giữa người dân với những người làm báo. Đây là động lực để tôi và các đồng nghiệp Báo Nam Định cũng như các cơ quan báo chí khác phấn đấu, nỗ lực vươn lên có những bài hay, ảnh đẹp, mang hơi thở cuộc sống đáp ứng sự tin yêu của cán bộ, nhân dân trong tỉnh./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com