Chuyện nghề của người làm phát thanh cơ sở

08:06, 21/06/2016

Nói là “nghề” cho vui chứ hầu hết những người làm truyền thanh cơ sở hiện nay đều là cán bộ“kiêm nhiệm”. Có thể là Trưởng ban văn hóa xã, cán bộ MTTQ, Đoàn Thanh niên hay Ban quân sự xã… Rất ít người trong số họ được đào tạo bài bản, phụ cấp ít ỏi, công việc như “con mọn”, song không vì thế mà mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng loa đài thông báo mùa vụ sản xuất, tình hình tin tức trong nước, trên thế giới… ngưng nghỉ trên hệ thống truyền thanh cơ sở khắp 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

4h45 phút sáng, ngày nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như hè, anh Vũ Văn Biển, sinh năm 1969, xóm 13, xã Liêm Hải (Trực Ninh), Phó Chủ tịch MTTQ kiêm Trưởng Đài phát thanh xa đều đặn đến “phòng làm việc” của mình để mở đài. Đã từng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên rồi chuyển sang công tác Mặt trận, anh Biển nói vui, đi đâu thì vẫn không bỏ được… “cái đài”. Trước đây, khi kinh tế gia đình khó khăn, cả nhà chỉ có 2 chiếc xe đạp, anh Biển phải thức dậy từ khoảng 4h30 sáng để kịp giờ mở đài. “Nhịp” sinh hoạt đó quen đến nỗi không thức dậy vào giờ đó anh lại cảm thấy… khó chịu. “Thời gian đầu hoạt động rất khó khăn, máy móc lạc hậu, thiết bị đường truyền cũ kỹ, hay hỏng, nhất là khi hoạt động trong mùa mưa bão, cán bộ đài thường xuyên phải đi nối dây, sửa chữa các cụm loa” - anh Biển nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề. Ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều vào các thời điểm 4h45-6h sáng, 11h-12h trưa, 5h-6h chiều, anh đều mở đài để tiếp âm các chương trình của Đài Trung ương, tỉnh, huyện. Theo đó, 34 cụm loa đặt ở 34 khu dân cư lại vang vang phát đi tin tức thời sự kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và địa phương. Giọng đọc quen thuộc của anh Vũ Văn Biển mỗi ngày cũng từ đó đến với bà con nhân dân trong xã. Từ chuyện làm giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, công tác vệ sinh môi trường, chuyện xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, hay phổ biến kinh nghiệm gieo sạ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... rất gần gũi, sát thực với đời sống người dân nông thôn. Ngoài ra, chiều thứ 7 hằng tuần, anh Biển thực hiện một chương trình thời sự tổng hợp tin tức của địa phương, thời lượng phát sóng 15 phút từ 5h30-5h45, điểm lại tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong tuần trên địa bàn xã. Để có 1 chương trình thời sự phát sóng hằng tuần, anh Biển cẩn thận tổng hợp, biên tập, viết lại bản tin nhiều lần để có sản phẩm báo chí tốt nhất. “Tôi không trực tiếp viết các bản tin mà do các ngành, đoàn thể gửi lên. Tuy nhiên, khi tổng hợp hoặc phát tin tức, tôi phải là người biên tập lại các tin, bài. Nhiều khi công biên tập còn lâu hơn cả công viết. Cũng như nhiều người “làm báo”, tôi cũng thường xuyên thức đêm để biên tập, tổng hợp tin tức” - anh Biển chia sẻ. Tâm huyết, hiểu rõ vai trò quan trọng của đài truyền thanh cơ sở đối với công tác tuyên truyền văn bản của địa phương, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh Biển cho rằng: “Phát thanh cơ sở không khác gì sợi dây kết nối giữa chính quyền với nhân dân. Từ hệ thống loa truyền thanh được phát hằng ngày, người dân nông thôn có dịp được tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật, từ đó chấp hành tốt hơn. Quan trọng hơn, bà con nông dân nghe đài, nghe thông báo để kịp thời điều tiết sản xuất, mùa màng cho phù hợp”.
Anh Vũ Văn Biển, Trưởng Đài phát thanh xã Liêm Hải (Trực Ninh) trong một buổi phát thanh.
Anh Vũ Văn Biển, Trưởng Đài phát thanh xã Liêm Hải (Trực Ninh) trong một buổi phát thanh.
Gắn bó với công tác phát thanh cơ sở tính đến nay cũng đã ngót 17 năm, anh Biển luôn tâm huyết, chịu khó học hỏi để “rèn nghề”. Chia sẻ thêm với chúng tôi về kinh nghiệm trong công tác phát thanh, anh Biển khiêm tốn nói: “Có người nghĩ công việc phát thanh là buồn tẻ nhưng tôi lại cảm thấy rất vui vì đã gắn bó suốt 17 năm. Trong công việc, ngoài nắm vững nghiệp vụ, người làm công tác phát thanh cần phải có sự say mê và yêu nghề. Trước mỗi giờ phát thanh, tôi chuẩn bị kỹ càng về nội dung, giữ giọng thật ấm để đọc cho bà con nghe. Qua mỗi bản tin, Đài truyền thanh xã đã truyền đạt được nội dung thiết yếu đến với người dân. Từ việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong dân về đề án xây dựng NTM, đề án phát triển sản xuất, đến việc cổ vũ, động viên và biểu dương các nhân tố điển hình, từ đó tạo ra hiệu ứng rõ rệt”... Trong suốt thời gian gắn bó với công việc phát thanh cơ sở, anh Biển có khá nhiều kỷ niệm về nghề. Điều anh Biển tự hào nhất là, nếu một ngày vì lý do bất khả kháng nào đó, anh chưa kịp mở đài sẽ có người thấy “nhớ” để hỏi anh, sao chưa mở đài. Và, bất cứ ai đến xã hỏi thăm nhà Biển phát thanh, bà con làng trên xóm dưới đều chỉ được ngay. Đây là những tình cảm mà không phải ai cũng có được khi làm nghề.
 
Hiện nay, tại 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có hệ thống đài phát thanh cơ sở. Đội ngũ những người làm truyền thanh cơ sở vì thế cũng tương đối đông đảo với khoảng trên 300 người. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở hầu hết các Đài xã còn gặp rất nhiều khó khăn, phòng làm việc xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, nhiều nơi lạc hậu. Đặc biệt, mức phụ cấp cho những người làm công tác phát thanh cơ sở so với mặt bằng chung thấp. Anh Biển hiện nhận mức trợ cấp 920 nghìn đồng/tháng. Số tiền này chả “thấm” là bao so với nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Thậm chí tiền xăng xe một ngày 3 buổi đi mở đài cũng đã chiếm khoảng 1/3 mức trợ cấp của anh. “Điều chúng tôi mong muốn nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở từng bước được cải thiện, chất lượng tin, bài ngày càng được nâng cao hơn. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có chính sách quan tâm hơn nữa đến chế độ phụ cấp, BHYT cho đội ngũ những người làm phát thanh cơ sở. Bởi hiện nay với mức phụ cấp quá thấp, nhiều người trong chúng tôi khó đảm bảo cuộc sống”, anh Biển nói.
 
Tiễn chúng tôi, anh Biển vội vã, “đến giờ mở đài rồi, tôi phải đi làm việc thôi. Đến giờ, bà con chưa thấy đài nói, lại trông ngóng”. Và, chưa ra đến cổng chúng tôi lại đã nghe tiếng anh Biển đọc thông báo lịch thu hoạch lúa mùa vang vang khắp làng trên, xóm dưới./. 
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân
 


Máy bộ đàm Khám phá script trong công việcTìm hiểu cv là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com