Tỉnh ta có đường bờ biển dài 72km cộng với số lượng ao, hồ, sông, ngòi khá dày đặc. Đây là một lợi thế quan trọng để tỉnh thúc đẩy kinh tế - xã hội, giao thông đường thủy phát triển song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nên tình trạng đuối nước ở trẻ em. Mới đây nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 8-5-2016, tại bãi biển Văn Lý thuộc xã Hải Lý (Hải Hậu), một nhóm học sinh lớp 11 của Trường THPT Tô Hiến Thành tổ chức đi chơi và tắm biển. Do thủy triều dâng cộng với sóng to, gió lớn, các em lại bơi quá xa khu vực cảnh báo nên sóng đã đánh chìm và cuốn 3 em mất tích. Danh tính 3 học sinh của Trường THPT Tô Hiến Thành được xác định là: Nguyễn Văn Hướng, xã Hải Hưng; Hoàng Khánh Tùng, xã Hải Nam; Lê Anh Tuấn, xã Hải Trung. Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể các em. Sự ra đi của các em để lại nỗi đau lớn cho gia đình, bạn bè và nhà trường khi mùa hè vừa mới bắt đầu. Hoặc vào tháng 8-2015, 4 em học sinh lớp 7 của Trường THCS Trực Chính (Trực Ninh) sau khi đá bóng xong rủ nhau ra sông Ninh Cơ tắm. Do bơi xa bờ, một em bị đuối nước tử vong. Nạn nhân là em Mai Ngọc Tú, sinh năm 2002 đang học lớp 7 của Trường THCS Trực Chính (Trực Ninh)… Những tai nạn thương tâm trên tiếp tục gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước trẻ em trong dịp hè. Theo ghi nhận của chúng tôi, khi thời tiết nóng bức, đi dọc các con sông, ao, hồ trên địa bàn tỉnh đều có thể dễ dàng bắt gặp nhiều học sinh tập trung thành một nhóm để bơi lội. Khi bơi các em thường không trang bị phao cứu sinh, không có người lớn bơi cùng. Do đó, khi gặp sự cố khó có thể kịp thời phản ứng, gây nên tai nạn thương tâm.
|
Nhiều em nhỏ đi bơi không có phao bơi rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. (Ảnh chụp tại thôn Đông Đò, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng đa phần vẫn là sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh chưa giám sát chặt chẽ con em mình. Vì không có người giám sát, các em có thể tự ý rủ nhau đi chơi khi kết thúc buổi học trên lớp hoặc giờ tự học ở nhà. Khi các em gặp tai nạn, phần vì không được cứu hộ, cấp cứu kịp thời, phần vì do hoảng loạn nên thường dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Để phòng ngừa tình trạng đuối nước ở học sinh, nhất là khi mùa hè đến rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường. Các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh phải quản lý chặt chẽ, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng. Các gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Ngoài ra, nhà trường cũng như các bậc phụ huynh cần có kế hoạch dạy kỹ năng bơi cho trẻ, tìm hiểu những kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước sẽ kịp thời vận dụng. Đối với những trường hợp đi tắm biển, sông, người biết bơi hay không biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ, vì dù biết bơi cũng rất có thể bị sóng cuốn ra xa. Chỉ nên bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đồng thời cần tuân thủ các quy định của các biển cảnh báo nguy hiểm.
Nhu cầu vui chơi giải trí của các em học sinh trong những ngày hè là chính đáng, trong đó có hoạt động bơi lội. Tuy nhiên, cần làm tốt công tác quản lý để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh