Gặp những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa

09:05, 02/05/2016

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Quảng Trị là địa bàn khốc liệt nhất, đây cũng là nơi địch phô trương kỹ, chiến thuật và phương tiện chiến tranh nhằm thể hiện sức mạnh quân sự. Do nằm ở vị trí vừa là bàn đạp để tấn công miền Bắc khi có điều kiện, vừa là lá chắn ngăn chặn sự tiếp viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, nơi đây, địch dựng lên tuyến phòng thủ mạnh nhất từ biển Cửa Việt kéo lên phía tây giáp biên giới Việt - Lào với hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra cộng với hệ thống hoả lực dày đặc của pháo binh, không quân, hải quân Mỹ. Trong những ngày tháng 4 lịch sử hào hùng, nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 44 năm giải phóng Quảng Trị, chúng tôi có may mắn được gặp những cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Qua từng trang ký ức, những chiến tích xưa dần hiển hiện nhắc nhở chúng tôi về một thời hào hùng của dân tộc.

Ký ức một thời hào hùng

Bác Nguyễn Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tỉnh kiêm Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị huyện Vụ Bản bồi hồi nhớ lại những tháng năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Cũng như bao thanh niên nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2-1971 Nguyễn Trung Sơn hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện khoảng 3 tháng, ông được điều động vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, thuộc  Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo (Tiểu đoàn 66) của Tỉnh đội Nam Hà, được phân công làm Tiểu đội trưởng 1, Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320. Đến cuối năm 1972, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 trực tiếp chiến đấu tại Gio Linh, Hải Lăng và Thị xã Quảng Trị. Mùa xuân năm 1972, ta mở chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị nhằm tạo thế chuyển biến chiến lược về quân sự và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán Pa-ri. Chỉ trong thời gian ngắn, quân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, áp sát tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước thất bại đau đớn và có nguy cơ cả Thành phố Huế sẽ bị quân ta giải phóng, Mỹ - ngụy cấp tốc tổ chức cuộc hành quân “Lam Sơn 72” nhằm tái chiếm Quảng Trị, đẩy quân ta ra bờ bắc sông Bến Hải. Địch đã huy động 2 sư đoàn dự bị chiến lược là Sư đoàn dù và Sư đoàn thuỷ quân lục chiến hùng mạnh nhất, 4 trung đoàn xe tăng thiết giáp và nhiều đơn vị phối thuộc khác. Mỗi ngày địch huy động 150-200 lần máy bay ném bom phản lực, 70-90 lần máy bay B52 ném bom rải thảm, 16-18 lần tàu khu trục của Hạm đội 7 ngoài biển bắn pháo, tên lửa vào. Nắm được mưu đồ chiến lược của địch, quân ta được lệnh lập tuyến phòng thủ kéo dài từ bắc cảng Cửa Việt qua Thành cổ Thị xã Quảng Trị lên phía tây giáp biên giới Việt - Lào với quyết tâm giữ vững vùng giải phóng gồm phần lớn tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị với chu vi 2.160m nằm trong Thị xã Quảng Trị, có dòng sông Thạch Hãn án ngữ phía bắc. Địch tập trung tối đa sức mạnh hòng chiếm Thành cổ, Thị xã Quảng Trị nhằm khuếch trương chiến thắng, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán và lấy lại tinh thần cho quân nguỵ. Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động tối đa không lực gồm: máy bay ném bom, máy bay B52, pháo hạm của hải quân, pháo mặt đất tầm xa để yểm trợ cho quân nguỵ. Mùa hè năm 1972, cả Quảng Trị như một chảo lửa, suốt ngày đêm rền vang tiếng bom đạn, khói lửa mịt mù, ban đêm địch thả pháo sáng rực cả bầu trời. Riêng Sở Chỉ huy Trung đoàn 27 ở cách Thị xã Quảng Trị 1km về phía đông đã 28 lần bị B52 rải thảm vào đội hình, còn máy bay ném bom, pháo mặt đất, pháo biển của địch hầu như ngày nào cũng bắn vào. Nhiều anh em trong cùng tiểu đội chưa kịp biết mặt, nhớ tên nhau thì đã hy sinh hoặc bị thương chuyển ra tuyến sau. Người trước ngã xuống, người sau xông lên, quyết giữ vững trận địa. Với sức tàn phá của bom đạn, cả Thành cổ, Thị xã Quảng Trị bị san phẳng. Không còn một ngôi nhà, một lùm cây nào còn nguyên vẹn. Đây thực sự là cuộc đọ sức khốc liệt của sức mạnh bom đạn Mỹ và ý chí kiên cường bất khuất của con người Việt Nam. Cuối cùng sau 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, chúng ta đã giành chiến thắng, giữ vững Thành cổ và vùng giải phóng Quảng Trị cho đến ngày Mỹ - nguỵ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Pa-ri.

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị huyện Vụ Bản ôn lại kỷ niệm chiến đấu.
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị huyện Vụ Bản ôn lại kỷ niệm chiến đấu.

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Trong cuộc chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn người con quê hương Nam Định đã tham gia chiến đấu thuộc 6 sư đoàn chủ lực, 6 trung đoàn độc lập và nhiều tiểu đoàn thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, góp phần vào chiến công chung. Hàng trăm người con quê hương Nam Định đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch này và hàng nghìn chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa đã may mắn trở về quê nhà. Tất cả đều đã và đang giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “thép” của chiến sĩ Thành Cổ, nhiều người đã vươn lên, vượt qua khó khăn về bệnh tật, suy giảm sức khoẻ do di chứng chiến tranh, xây dựng cuộc sống ổn định. Với tình cảm của những người đồng đội đã từng cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, chia lửa trong những ngày chiến đấu khốc liệt tại Quảng Trị năm 1972, các CCB, chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị của huyện, của tỉnh đã tập hợp nhau, thành lập các ban liên lạc để động viên giúp đỡ trong cuộc sống, thực hiện các hoạt động tình nghĩa với đồng chí, đồng đội và thân nhân những người bạn chiến đấu đã hy sinh, tham gia tìm kiếm, quy tập liệt sĩ. Hiện, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị huyện Vụ Bản có 157 thành viên. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị huyện Vụ Bản nay đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn tham gia công tác ở địa phương, luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo như các ông Nguyễn Thiện Tân, Phạm Văn Huyên… Còn với ông Sơn, sau khi tham gia ở chiến trường Quảng Trị, đơn vị của ông còn tiến sâu vào giải phóng  Sài Gòn và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Năm 1975, ông bị thương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và đến năm 1977 được về an dưỡng ở Đoàn 586 thuộc Tỉnh đội Nam Hà, rồi về Trại an dưỡng 2 ở xã Liêm Cần, tỉnh Hà Nam. Năm 1980, ông về quê và làm xã viên HTX vận tải Liên Thanh, Thị trấn Gôi (Vụ Bản). Từ năm 1993 đến năm 2010 làm Phó chủ nhiệm HTX và từ năm 2010 đến nay làm Chủ nhiệm HTX vận tải Liên Thanh. Hiện, HTX có 50  xe khách, chủ yếu là xe 16 chỗ, chuyên chạy hợp đồng và phục vụ du lịch. Ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải, HTX còn có 3 xưởng cơ khí sửa chữa ô tô, cơ khí dân dụng; tổ chức sản xuất gạch không nung, kinh doanh vật liệu xây dựng; 1 đội xe lu thi công các công trình giao thông; xã viên chính thức có 30 người, với mức lương bình quân từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Khí phách hào hùng của những năm tháng chiến tranh vẫn sáng mãi trong lòng những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, trong đó có những đóng góp của những người con quê hương Nam Định. Họ luôn là “những pho lịch sử sống” để các thế hệ con cháu noi theo./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com