Cần quản lý thị trường hàng "xách tay"

09:05, 13/05/2016
Trước những scandal về chất lượng sản phẩm nội cũng như tình trạng hàng ngoại bị làm giả ngay trong nước, hàng “xách tay” ngày càng thu hút bộ phận người tiêu dùng có mức thu nhập khá. Với số lượng kiều bào học sinh du học, khách du lịch nước ngoài ngày càng đông nên thị trường nhóm hàng này cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm hơn hẳn của hàng “ngoại” thì trên thực tế những rủi ro, rắc rối đối với người tiêu dùng hàng “xách tay” cũng không hề nhỏ. 
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa sản xuất trong nước tại đại lý sữa trên đường Phù Long (TP Nam Định).
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa sản xuất trong nước tại đại lý sữa trên đường Phù Long (TP Nam Định).
Tại thị trường tỉnh ta, hàng “xách tay” đa dạng từ các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, thuốc chữa bệnh đến hàng điện tử, quần áo, giày dép, túi xách... Hàng hóa được bày bán công khai tại các cửa hàng và rao bán trực tuyến trên mạng internet. Các cửa hàng bán hàng “xách tay” đều kinh doanh tổng hợp các loại hàng hóa của các quốc gia Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Đức mà không phân chia theo nhóm hàng như quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó có một số mặt hàng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… thuộc nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện đòi hỏi người bán hàng phải có chứng chỉ hành nghề và có trình độ chuyên môn bởi liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với hàng hoá yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện lưu trữ, bảo quản, vận chuyển sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng và tem nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt… theo các quy định của Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá. Còn về chất lượng sản phẩm thường do người bán hàng “bảo lãnh” miệng, người tiêu dùng thì mua bán bằng “niềm tin”(!?). Hình thức kinh doanh này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng mà còn khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế không nhỏ. Cũng chính sự mơ hồ về căn cứ quản lý nên đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội trà trộn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo cơ quan chức năng, ngoài 3 điểm bất lợi cho người mua hàng “xách tay” như chất lượng không được kiểm soát, không được đảm bảo nếu gặp rủi ro khi sử dụng và nguồn hàng không ổn định, thì với mỗi nhóm sản phẩm lại còn những bất cập riêng. Đối với dòng sản phẩm sữa, thực phẩm, đồ dùng sơ sinh được sản xuất cho tiêu dùng tại nội địa các nước nên nhà sản xuất tính toán cho phù hợp với điều kiện thể chất, điều kiện tự nhiên, văn hóa tiêu dùng của người dân bản địa chưa chắc đã phù hợp với người Việt Nam. Ngoài ra do tem nhãn sử dụng ngôn ngữ nội địa, không có tem phụ tiếng Việt nên người mua không biết được các cảnh báo của nhà sản xuất để thực hiện, điều này hết sức nguy hiểm vì người sử dụng có thể bị dị ứng, phản ứng phụ… Đối với sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ, lợi dụng tâm lý khách hàng, người bán có thể tạo ra tình trạng khan hàng với lý do chưa xách về kịp để nâng giá… Chưa hết, trong trường hợp phát hiện lỗi, sai sót, nhà sản xuất đề xuất thu hồi sản phẩm thì người tiêu dùng trong nước lại không nắm được thông tin này, vẫn sử dụng. Chị Trần Vũ Thúy Hằng, phường Trường Thi (TP Nam Định) vốn là “tín đồ” của hàng “xách tay” đã tá hỏa khi qua các phương tiện thông tin đại chúng mới biết thông tin sản phẩm tảo biển có xuất xứ từ Úc chị đang dùng được cơ quan chức năng nước sở tại thu hồi do bị lỗi về bao bì khiến sản phẩm bị biến chất hoặc nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Chị vội vàng đến hỏi người bán. Bất ngờ là chủ hàng cho biết không hề biết gì về thông tin này và bao biện hàng sản xuất tại các nước văn minh được kiểm định chất lượng kỹ càng, có lỗi đôi chút cũng hơn hẳn hàng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam (???). Trên kệ hàng lúc này vẫn còn rất nhiều sản phẩm này được bày bán. Đối với dòng sản phẩm đồ điện, điện tử, điện thoại là hàng “xách tay”, người tiêu dùng chịu quá nhiều rủi ro, nhất là các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính… bởi các sản phẩm này đều được sản xuất theo mã của nước sở tại (bản lock), khi chuyển về Việt Nam, buộc người bán hàng phải phá “khoá” mới có thể dùng được và khi đi công tác nước ngoài thì tiếp tục phải thao tác lại. Tuy nhiên việc chuyển đổi mã cũng không thuận lợi vì điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cam kết giữa nhà mạng với đầu mối cung ứng và trình độ am hiểu thiết bị của người bán hoặc nhân viên kỹ thuật. Nhiều chiếc điện thoại di động đời mới với đầy đủ các tính năng nhưng do mã bị lỗi nên không thể nạp tiền qua thẻ một cách đơn thuần mà phải đến tận nhà mạng nạp từ hệ thống hay qua một thiết bị khác, gây phiền toái cho người sử dụng. Bên cạnh đó, khi sử dụng hàng “xách tay”, khách hàng hoàn toàn không được hưởng chế độ khuyến mại, bảo hành sản phẩm khi có sự cố xảy ra. Theo tính toán của những người buôn bán hàng công nghệ “xách tay” lâu năm thì tỷ lệ rủi ro và thuận lợi cho khách hàng là 50-50. 
 
Thị hiếu tiêu dùng hàng “xách tay” ngày càng được người kinh doanh khai thác triệt để, thậm chí tung ra nhiều chiêu để kích cầu gia tăng. Do đó thị trường hàng “xách tay” đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để vừa chống thất thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự lành mạnh của thị trường./.
 
Bài và ảnh:  Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com