Đến với miền Tây Nam Bộ trong không khí náo nức chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, được gặp gỡ những con người chân chất, chứng kiến những đồng lúa mênh mông, những vườn cây trái xum xuê trĩu quả và dòng Cửu Long huyền thoại đổ ra biển lớn mới thấy thật xúc động, tự hào bởi sự kỳ vĩ của Tổ quốc hình chữ S. Miền Tây - vùng quê lưu giữ bản sắc văn hoá Nam Bộ luôn mang đến những ấn tượng sâu đậm, khó phai cho những ai dù chỉ một lần ghé thăm!
I. Kinh tế - xã hội phát triển
Trong chuyến công tác miền Tây Nam Bộ vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã vinh dự đi dọc mảnh đất này trên tuyến Quốc lộ 1 nối liền từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tận đất mũi Cà Mau. Điều cảm nhận dễ thấy đó là kinh tế - xã hội miền Tây đang đổi thay nhanh chóng nơi mỗi làng quê, dãy phố để hoà nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước trên tiến trình CNH-HĐH. Miền Tây Nam Bộ hay còn gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay bao gồm Thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có tổng diện tích hơn 40.641km2, chiếm khoảng 12,3% diện tích của cả nước, dân số gần 19 triệu người, chiếm hơn 20% dân số của cả nước. Nằm tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Căm-pu-chia, ba mặt Đông, Nam, Tây có biển bao bọc với bờ biển dài trên 700km nối liền hơn 360 nghìn km2 vùng đặc quyền kinh tế nên nơi đây là vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế biển, khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Là vùng kinh tế trọng điểm, miền Tây Nam Bộ đã trở thành vùng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản lớn nhất nước ta, đồng thời cũng luôn dẫn đầu cả nước về nhiều mặt hàng nông sản. Sản lượng lúa hằng năm đạt gần 22 triệu tấn, đóng góp 90% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Toàn vùng có hơn 300 nghìn héc ta cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cây ăn trái của cả nước.
Bến Ninh Kiều, địa danh du lịch sông nước của Thành phố Cần Thơ. |
Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống đường giao thông nói riêng của vùng Tây Nam Bộ luôn có nhiều cải thiện rõ rệt. Nếu như trên cả nước việc vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ chiếm 70% thì ở đồng bằng sông Cửu Long vận tải thuỷ lại chiếm 70% và đường bộ chỉ khoảng 30%. Nhằm tạo điều kiện cho toàn vùng phát huy tiềm năng, thế mạnh, Chính phủ đã đầu tư, nâng cấp 2 tuyến đường thuỷ nội địa phía Nam. Tuyến thứ nhất từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau dài 332km. Tuyến thứ hai từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang dài 230km. Hai tuyến này có chung đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho dài 72km trên kênh Chợ Gạo. Cùng với đường thuỷ, các tuyến đường bộ trong vùng đang phát triển nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của dân sinh và vận chuyển lưu thông hàng hoá. Hiện nay, toàn vùng đã có 10 quốc lộ với tổng chiều dài hơn 2.500km, 70 tuyến tỉnh lộ được nhựa hoá. Nhiều công trình giao thông huyết mạch mới được Nhà nước đầu tư đã phát huy tác dụng cao trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam sông Hậu, mở rộng Quốc lộ 1, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên; các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Năm Căn, Hàm Luông, Mỹ Lợi… Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn vùng đã mở mới trên 9.000km đường, nâng cấp 23 nghìn km đường giao thông nông thôn các loại, xây mới 11.500 cầu giao thông. Cùng với hệ thống đường bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hai sân bay nội địa là Rạch Giá và Cà Mau, hai cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc. Hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng là điều kiện thuận lợi để miền Tây giao lưu hợp tác với các vùng kinh tế trong nước, quốc tế, góp phần mang lại diện mạo mới, tươi đẹp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại miền Tây Nam Bộ luôn có bước phát triển khá. Trong 10 năm gần đây, Chính phủ đã tập trung đầu tư nhiều dự án công nghiệp lớn, đáng kể nhất là Trung tâm Điện lực Ô Môn trên diện tích 190ha tại Thành phố Cần Thơ bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện công suất 2.900MW. Các nhà máy điện: Sông Hậu (Hậu Giang), Long Phú (Sóc Trăng), Duyên Hải (Trà Vinh) cũng đã được xây dựng. Đặc biệt, Nhà máy điện đạm Cà Mau, công trình cuối cùng của Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, công suất 800 nghìn tấn/năm đi vào khai thác đã đáp ứng gần 80% nhu cầu phân bón của cả nước. Với định hướng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2015-2020 vừa được các Đảng bộ tỉnh, thành phố trong khu vực hoạch định hòa nhịp cùng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chắc chắn kinh tế - xã hội miền Tây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, làm nên một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, văn minh trong giai đoạn phát triển, hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.
II. Những địa danh du lịch nổi tiếng
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm bên biểu tượng của Đất mũi Cà Mau. |
Thời gian thâm nhập miền Tây sông nước thật ngắn ngủi, nhưng chúng tôi đã có dịp trải nghiệm, khám phá những miệt vườn của người dân bản xứ, đến với di tích lịch sử văn hoá, các thắng cảnh tự nhiên bằng phương tiện ghe xuồng rất đỗi đặc trưng. Xuôi theo dòng Tiền Giang thơ mộng, chúng tôi đến với 4 cù lao: Long, Lân, Quy, Phụng được mệnh danh là “Tứ Linh” ở đây. Cùng nằm giữa sông Tiền nhưng cồn Long và cồn Lân thuộc Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Với đặc trưng riêng biệt, cồn Long là nơi nuôi trồng thuỷ sản, cồn Lân có nhiều cây trái trĩu quả, cồn Quy nhỏ nhất, còn hoang sơ hầu như chưa được khai thác. Dấu ấn đậm nét là cồn Phụng, nơi chứa đựng những kiến trúc thờ tự độc đáo của đạo Dừa còn lưu lại như sân Rồng, tháp Hoà Bình và khám phá nghề truyền thống làm kẹo dừa, bánh tráng, nét đặc trưng của tỉnh Bến Tre. Đến Thành phố Cần Thơ thăm bến Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng - một trong những chợ nổi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đã phần nào hiểu biết thêm về nét văn hoá mua bán trên sông nước mang tính riêng biệt của người Nam Bộ. Thành kính viếng thăm chùa Phật Bà Nam Hải (Bạc Liêu); chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) ẩn hiện trong những tán cây dầu, thốt nốt mới thấy hết nét tài hoa của người Khmer. Trong kho tàng di sản kiến trúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không những là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hoá lễ hội, thể dục, thể thao trong năm. Ngôi chùa như một biểu hiện văn hoá tinh thần và vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và có nhiều nét riêng biệt, đặc sắc.
Dừng chân trên Đất mũi Cà Mau - nơi cực Nam của đất nước, chợt nhớ đến câu thơ quen thuộc của Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau…”. Đất mũi là nơi duy nhất trên đất liền của Tổ quốc có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ Biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống biển phía Tây vào buổi chiều. Thời gian ở Cà Mau không lâu nên chúng tôi đã tranh thủ đi vòng quanh khu Đất mũi, trò chuyện với người dân địa phương, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc toạ độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) và bên biểu tượng con tàu cắm lá cờ Tổ quốc đang giương buồm chuẩn bị rẽ sóng ra khơi. Khoảnh khắc đứng trên Đất mũi ngắm nhìn ra biển thấy một cảm giác thật khó tả. Con người thật nhỏ bé trước biển cả bao la. Cũng tại nơi đây, ngắm lá cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay trước gió mới thấy ý thức hơn về chủ quyền đất nước, trách nhiệm thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của mỗi người con đất Việt./.
Bài và ảnh: Xuân Thu