Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng trong tâm trí của CCB Đặng Duy Điệp, sinh năm 1952 ở xã Trực Chính (Trực Ninh), ký ức về những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ nhưng cũng đầy vẻ vang, tự hào vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Với ông, người trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế, ký ức về ngày giải phóng thống nhất đất nước không bao giờ nhạt phai trong tâm trí.
Vào quân ngũ tháng 8-1970 ở đơn vị E19 Tỉnh Đội Nam Hà, tháng 12-1970, ông được phân vào chiến trường miền Nam và tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào thuộc đơn vị Tiểu đoàn 18 thông tin của Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên tham gia chiến đấu ở Trị Thiên. Tháng 10-1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương Đảng phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực. Tháng 5-1974, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Quân đoàn 2 và Sư đoàn 324 trở thành thành viên của Quân đoàn 2, lúc đó ông Điệp là trung sĩ, trưởng đài 15W có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc chỉ huy thông suốt cho các đơn vị từ sư đoàn đến trung đoàn. Trên mặt trận Trị Thiên, từ ngày 5 đến 26-3-1975, Quân đoàn 2 cùng với quân và dân Quân khu Trị Thiên đã đẩy mạnh tiến công địch trên khắp mặt trận, lần lượt giải phóng Quảng Trị ngày 19-3 và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày 26-3-1975. Thắng lợi giải phóng hoàn toàn Trị Thiên Huế đã làm sụp đổ một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở phía Bắc đèo Hải Vân, mở toang cánh cửa án ngữ phía Bắc Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta tiến về phía Nam, giải phóng Đà Nẵng và các thành phố khác.
CCB Đặng Duy Điệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) đang ôn lại truyền thống lịch sử cho các cháu học sinh. |
Giải phóng Thành phố Đà Nẵng, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra làm cho Mỹ - ngụy kinh hoàng, hoảng loạn, thấy được sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang, sự phát triển của chiến tranh nhân dân, là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định quyết tâm chỉ đạo đòn chiến lược tiến công giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trong ký ức của ông Điệp vẫn còn nhớ như in hình ảnh sư đoàn của ông bắt đầu chiến dịch giải phóng sân bay Phú Bài của tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho các đơn vị từ sư đoàn đến trung đoàn. Trong quá trình hành quân, quân địch vẫn phục kích đánh lẻ tẻ, chứng kiến những đồng chí hi sinh trên đường hành quân mà ông không thể cầm được nước mắt. Hay hình ảnh về những đợt hỏa lực của ta bắn cấp tập vào những mục tiêu trọng yếu của địch, tuy gây cho ta những tổn thất nặng nề nhưng cuối cùng, với tinh thần anh dũng bất khuất của quân và dân ta, chúng ta đã giải phóng được các tỉnh lân cận mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến tranh đã lùi xa trên 40 năm nhưng trong tâm trí của CCB Đặng Duy Điệp, ký ức về những ngày giải phóng vẫn còn in đậm. Sau năm 1975, ông được cử đi học sĩ quan ở Trường Sĩ quan thông tin Hà Bắc, năm 1976 do sức khỏe yếu ông được về địa phương nghỉ dưỡng. Năm 1978, ông lại tái ngũ rồi tham gia công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh cho đến khi về hưu. Hiện ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB xã Trực Chính (Trực Ninh). 64 năm tuổi đời, 41 năm tuổi Đảng, người lính Cụ Hồ ấy vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho sự đổi mới đi lên của quê hương. Ở bất kỳ công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Điệp chia sẻ: “Dù là thời chiến hay thời bình, tôi vẫn nguyện sống sao cho đúng với phẩm chất và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, còn sức khỏe là tôi còn cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc”. Với những đóng góp và cống hiến của ông và tiểu đoàn trong chiến đấu, Tiểu đoàn 18 của ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1978, bản thân ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chia tay ông Điệp, câu chuyện về cuộc đời chiến đấu anh dũng của ông và đồng đội càng làm cho chúng tôi hiểu được thế nào là giá trị của hòa bình và hạnh phúc của những người lính. Từ đó nguyện học tập, lao động, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh