Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ với CCB Nguyễn Xuân Bê ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), nguyên Trưởng Ban tác chiến Bộ CHQS tỉnh Nam Hà và được nghe ông kể về những kỷ niệm trong trận đế quốc Mỹ ném bom xuống phố Hàng Thao (TP Nam Định) ngày 14-4-1966.
Khu di tích phố Hàng Thao (TP Nam Định) - nơi tưởng niệm những nạn nhân bị máy bay Mỹ ném bom ngày 14-4-1966. |
Ông Nguyễn Xuân Bê tham gia quân ngũ năm 1953, khi vào bộ đội ông được điều đi học tại Trường Quân sự Bộ Tổng tham mưu. Đến năm 1954, ông được điều về nhận công tác ở đại đội 40 của huyện Nam Trực, giữ chức vụ trung đội trưởng. Đến năm 1956, ông về Huyện đội Hải Hậu, năm 1961 về Ban tác chiến của Tỉnh đội Nam Định, năm 1966 làm Trưởng ban tác chiến của Tỉnh đội Nam Hà phụ trách Sở Chỉ huy phòng không nhân dân tỉnh Nam Hà cho đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc năm 1972. Trong quá trình làm Trưởng ban tác chiến của Tỉnh đội Nam Hà phụ trách Sở Chỉ huy phòng không nhân dân tỉnh Nam Hà, ông có nhiệm vụ tổ chức, quan sát máy bay, thông báo báo động cho Thành phố Nam Định, chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình chiến tranh phá hoại. Nhớ về những ký ức Thành phố Nam Định bị đế quốc Mỹ ném bom xuống khu vực Hàng Thao, ông Bê bồi hồi: Phố Hàng Thao là một trong những khu phố cổ của Thành Nam xưa có nghề làm nón quai thao tinh xảo nổi tiếng nhiều thập kỷ. Từ khi hòa bình lập lại (7-1954), phố Hàng Thao là một trong những phố tập trung đông dân cư với nhiều cửa hàng, nhà chung cư như cửa hàng ăn uống số 3, nhà trẻ Hoa Xuân… Năm 1965, đế quốc Mỹ đã nhiều lần dùng máy bay oanh tạc, bắn phá Thành phố Nam Định, sang năm 1966, sau hơn 3 tháng ngừng oanh tạc, bất ngờ, hồi 6 giờ 30 phút sáng ngày 14-4-1966, 2 máy bay của Mỹ có biệt danh “Kẻ đột nhập” đậu ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ đã lợi dụng sương mù dày đặc bay rất thấp theo hướng cửa sông Đáy đột nhập phía tây nam thành phố thả nhiều trái bom dọc phố Hàng Thao. Đây là trận ném bom đầu tiên của máy bay Mỹ trong năm Bính Ngọ khi chúng trở lại đánh phá Thành phố Nam Định. Trong trận này, Sở Chỉ huy phòng không nhân dân tỉnh và các trận địa phòng không bảo vệ thành phố bị bất ngờ không kịp báo động và đánh trả địch. Bom nổ trong lúc chưa một ai kịp xuống hầm trú ẩn. Do sức công phá của những trái bom cùng với sự sụp đổ nhiều nhà cửa đã làm 77 người chết, 135 người bị thương, 240 nhà sập đổ và hư hại. Đây là tội ác đẫm máu nhất trong chiến tranh phá hoại mà đế quốc Mỹ đã gây ra đối với nhân dân tỉnh ta, trận đánh này của đế quốc Mỹ được ví như trận “Khâm Thiên” của Thành phố Nam Định. Trong suốt 50 năm qua, “vết thương” phố Hàng Thao là một dấu mốc lịch sử còn hằn sâu trong ký ức của mỗi người dân Thành Nam qua nhiều thế hệ… “Khi đơn vị của tôi đang họp giao ban tại Sở chỉ huy, không thấy báo tín hiệu có máy bay của địch xuất hiện mà nghe thấy tiếng máy bay rất gần, tiếp đó là một loạt tiếng nổ. Khi đài quan sát ở nóc nhà ngân hàng đoạn gần phố Hàng Thao báo về Sở chỉ huy quân sự là máy bay Mỹ ném bom khu vực Hàng Thao tôi đã lập tức lao ra. Khi ra tới đầu phố thấy nhà cửa đổ sập, mọi thứ ngổn ngang, người dân thì hỗn loạn, tôi đã điều động xung kích đến khắc phục hậu quả vụ ném bom, giúp các gia đình tìm người thân của họ bị mất trong đống đổ nát…” ông Bê chia sẻ. CCB Nguyễn Xuân Bê vẫn còn nhớ như in những hình ảnh tan hoang sau khi Mỹ ném bom xuống khu vực
Hàng Thao.
50 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến khiến ông không khỏi ngậm ngùi, thương cảm những đồng bào đã ngã xuống trong trận ném bom của đế quốc Mỹ xuống phố Hàng Thao. Ngay trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nhà nước đã quyết định lưu lại nơi đây một khu di tích ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ với đồng bào và nhân dân phố Hàng Thao. Hiện nay, “chứng tích” lịch sử tại phố Hàng Thao là một mảng tường đứng của ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập, đây được coi như một tấm bia chung của những người đã bị bom Mỹ sát hại sáng ngày 14-4-1966, nhắc nhở mọi thế hệ hôm nay và mai sau “khắc cốt, ghi tâm” tội ác của kẻ thù xâm lược, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền tự do, độc lập của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh