Khi nước ta gia nhập WTO, tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (TPP) được coi là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp “vươn ra biển lớn” nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức sống còn. Các doanh nghiệp phải tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị thì mới bảo đảm tồn tại và phát triển. Trong đó, với trình độ, năng lực mọi mặt của ngành công nghiệp tỉnh ta, một hướng đi cần đặc biệt quan tâm và có cơ hội phát triển là ngành công nghiệp hỗ trợ...
Bỏ ngỏ tiềm năng
Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cả giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, lại có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất cơ khí chi tiết, công nghiệp nhẹ sớm phát triển… tỉnh ta có nhiều cơ hội phát triển sản xuất sản phẩm phụ trợ, cung ứng cho các trung tâm công nghiệp trong cả nước, nhất là tam giác phát triển trọng điểm miền Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nhiều năm liên tục định hướng phát triển công nghiệp được tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện, đầu tư hạ tầng đồng bộ với 3 KCN, 20 CCN và 124 làng nghề, làng nghề truyền thống; xác định rõ các ngành và sản phẩm công nghiệp chủ lực để ưu tiên đầu tư như: dệt may, cơ khí, dược phẩm, chế biến gỗ… UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về mặt bằng, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đào tạo lao động miễn phí… Qua hoạt động thực tiễn trên thương trường nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dệt may, cơ khí, sản xuất thuốc và hóa dược… đã quan tâm đầu tư sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, số lượng các doanh nghiệp của tỉnh tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vừa “yếu” vừa “thiếu”, phát triển ở dạng tự phát, manh mún. Đơn cử như ở lĩnh vực dệt may là ngành công nghiệp chủ yếu, có bề dày truyền thống, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với trên 226 doanh nghiệp, gần 6.000 cơ sở sản xuất, hằng năm sản xuất trung bình 54,8 nghìn tấn sợi, 73 triệu mét vải, quần áo các loại 147,9 triệu chiếc, 18,2 nghìn tấn khăn các loại… Song phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cũng chỉ tham gia ở khâu ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị là gia công. Một số ít doanh nghiệp ngành dệt may có tham gia sản xuất nguyên liệu nhưng mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu tới 70% (thậm chí có tới 90% nguyên liệu nhập khẩu từ một thị trường duy nhất). Ngoài ngành dệt may, nhiều ngành công nghiệp chủ yếu khác của tỉnh ta như cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc… tuy không phải nhập nhiều nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài nhưng có nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất không tự chủ được do thiếu hụt các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh ta có nhiều làng nghề cơ khí nổi tiếng như Tống Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực) sản xuất được nhiều sản phẩm chi tiết máy, phụ tùng… nhưng cũng chưa định hướng tham gia vào chuỗi sản xuất của các ngành công nghiệp ô tô, tàu thủy…
Sản xuất trục chà lúa, săm, lốp máy nông nghiệp tại Cty TNHH Nam Anh, CCN An Xá (TP Nam Định). |
“Đường lớn đã mở”
Ngày 3-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) quy định một số cơ chế, chính sách và danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Theo đó, về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ gồm: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định); thuế giá trị gia tăng…; được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… Nghị định cũng quy định rõ danh mục 60 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc 6 nhóm ngành công nghiệp. Tỉnh ta có 2 ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển là ngành dệt may, cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô như: linh kiện nhựa, cao su, ghế, dây dẫn… Các loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển của ngành dệt may gồm 7 chủng loại là: xơ thiên nhiên (sản xuất từ bông, đay, gai, tơ tằm); xơ tổng hợp (PE, Viscose); sợi (dệt kim, dệt thoi, sợi polyester, sợi spandex và nilon); vải (vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi); chỉ may; hóa chất và thuốc nhuộm (phục vụ tẩy, nhuộm ở khâu hoàn tất vải, sợi) và phụ liệu ngành may (cúc, mếch, khóa…). Trong đó, các sản phẩm sợi, vải, chỉ và một phần xơ thiên nhiên (tơ tằm) đã có một số doanh nghiệp của tỉnh ta đầu tư dây chuyền, thiết bị, sản xuất thành công. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định tự chủ được nhiều khâu trong chuỗi giá trị như đã sản xuất được các loại sợi 100% cô-tông, 100% PE, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R có chi số từ Ne 7 đến Ne 60; các loại vải: co giãn, ka-ki, 100% cô-tông, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R Filament… tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa, ca-rô…; các loại khăn ăn, khăn bông dệt từ sợi se, sợi đơn; trang phục các loại. Cty CP Dệt lụa Nam Định ngoài sản phẩm truyền thống là lụa tơ tằm thiên nhiên với sản lượng 300 nghìn mét/năm, còn sản xuất các sản phẩm phụ trợ khác là: sợi Pe/Co và Cotton các loại chi số trung bình là Ne32, sản lượng 1.000 tấn/năm; vải tuytsi len, PE/CO, cotton và petex với tổng sản lượng gần 4 triệu mét/năm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới đã đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành dệt may tại các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung và CCN An Xá như: Cty CP Dệt may Sơn Nam đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi; Cty CP Thủy Bình đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi len từ nguyên liệu xơ; Cty CP Thúy Đạt đầu tư nhà máy kéo sợi có công suất 3.600 tấn sợi các loại/năm; dệt khăn công suất tối đa gần 1.000 tấn khăn các loại/năm… Nhóm ngành cơ khí chế tạo của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Có 8 chủng loại sản phẩm trong danh mục được ưu tiên là: khuôn mẫu, đồ gá (khuôn dập, khuôn đúc, đồ gá gia công và kiểm tra); dụng cụ - dao cắt (dao tiện, dao phay, mũi khoan); linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị (để gia công cơ khí, chế biến nông - lâm - thủy sản, đóng tàu…); dụng cụ đo lường, kiểm tra trong công nghiệp cơ khí; chi tiết máy (bu-lông và ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi-lanh thủy lực) và thép nguyên liệu. Phần lớn các sản phẩm trong danh mục nêu trên đã được sản xuất thành công ở các làng nghề sản xuất cơ khí truyền thống. Thành phố Nam Định có thế mạnh về các sản phẩm cơ khí gia công từ kim loại (dây lưới thép, thiết bị phục vụ các ngành: điện, GTVT, xây dựng và sản phẩm cơ khí dân sinh). Huyện Vụ Bản có thế mạnh rèn các loại nông cụ và sản phẩm phục vụ ngành lâm nghiệp. Chi tiết máy, phụ tùng xe đạp, xe máy, luyện cán thép, sản xuất đồ dùng sinh hoạt… là đặc trưng của các sản phẩm cơ khí huyện Nam Trực. Huyện Xuân Trường phát triển mạnh cơ khí chế tạo máy. Động cơ điện; đúc và gia công kim loại màu là nghề truyền thống ở huyện Ý Yên; nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy phát triển ở nhiều địa phương như: Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng…
Đây là cơ hội để tỉnh ta tranh thủ khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vừa đảm bảo việc làm cho các làng nghề truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc phát triển CN-TTCN của tỉnh. Vì thế, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành Công thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển: hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; định hướng cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào một số ngành kinh tế mũi nhọn; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng… Ưu tiên khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất chi tiết, linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu ngành may…
Bài và ảnh: Thành Trung