Trong nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên tình trạng yếu kém về năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm hàng hóa của tỉnh ta vẫn đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp do năng suất lao động thấp, hao tổn nhiều nguyên liệu, năng lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định… Hiện chỉ có hơn 450 doanh nghiệp áp dụng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trên tổng số 2.738 doanh nghiệp toàn tỉnh có sản xuất sản phẩm, chiếm 16,4%. Trong 731 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh là dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, da giày mới có: 60 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (chiếm 8,2%); 10 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng (chiếm 1,3%); 3 loại sản phẩm hàng hóa được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn quốc gia. Các doanh nghiệp còn lại hiện đang sản xuất sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn cơ sở tự xây dựng và thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của các cơ quan quản lý. Trước thực trạng này, tỉnh đã tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2012-2015” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực công nghiệp chủ lực áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Sản xuất chi tiết máy tại Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định). |
Thực hiện đề án, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) đã nghiên cứu thực tế sản xuất và đề xuất nhóm giải pháp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các nội dung về đo lường, kiểm toán năng lượng và ứng dụng các giải pháp công nghệ về tiết kiệm năng lượng đánh giá hiện trạng, quản lý chất lượng hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tăng năng suất lao động như sử dụng các hệ thống phương pháp quản lý tiên tiến: ISO 9000, HACCP/ISO22000, TQM, TPM; KAIZEN, 5S, QCC; IS0 14000, OHSAS 18001, SA8800, áp dụng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho từng sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia để khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường. Qua 3 năm triển khai, đến nay đã có 91 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được các chuyên gia của Chi cục hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến, bước đầu đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo yêu cầu của đối tác xuất khẩu, nâng cao vị thế trên thị trường. Thành lập năm 1992, Cty TNHH Thắng Lợi đầu tư sản xuất các chi tiết, phụ tùng thay thế cho ngành công nghiệp cơ khí với hàng loạt loạt sản phẩm từ thép, gang hợp kim đúc như: bi nghiền, tấm lót, thanh ghi, búa nghiền, ống lồng, ghi lạnh, răng gầu, hàm nghiền… phục vụ cho các ngành công nghiệp xi măng, khai thác mỏ, nhiệt điện, sản xuất phân bón, mía đường, giấy; các sản phẩm phi tiêu chuẩn, nắp cống, phụ tùng xe công trường, phụ tùng tàu thủy, máy bơm hút chịu mài mòn... và các ngành công nghiệp khác. Năm 2012, Cty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 và triển khai áp dụng phương pháp quản lý 5S để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Với sự hướng dẫn của các chuyên gia năng suất lao động chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 5S vào sản xuất đã giúp Cty ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, cải thiện tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, giảm tiêu hao thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ cũng như tránh sự nhầm lẫn, các thiết bị sản xuất hoạt động trong môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Bên cạnh đó, được làm việc trong môi trường ngăn nắp, sạch sẽ, người lao động cảm thấy thoải mái, làm việc có năng suất cao. Nhờ áp dụng phương pháp quản lý 5S, năng suất lao động của Cty đã được nâng lên từ 1,5-2 lần, tương đương mức tăng sản phẩm từ 1.200 tấn/năm lên 2.500 tấn/năm; tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm từ 5% xuống còn 1,5%. Doanh thu của Cty tăng bình quân 20-30%, năm 2015 ước đạt trên 200 tỷ đồng. Tại Cty TNHH Nam Dược, khi áp dụng công cụ 5S tại phân xưởng bao gói sản phẩm, các chuyên gia đã tư vấn cho Cty sắp xếp dây chuyền làm việc theo dòng chảy; lập công việc cho từng vị trí làm việc trong chuyền. Ngay khi áp dụng nghiêm túc từng công đoạn thao tác làm việc, Cty đã loại bỏ được 2 bàn thao tác và 8 dụng cụ đựng nguyên liệu, thành phẩm; giảm 2/3 diện tích mặt bằng, không gian sử dụng cho công việc và tăng 20% năng suất lao động của công nhân trong khu vực làm việc. Đề án tăng năng suất lao động, giảm thiểu những lãng phí trong đầu tư công cụ sản xuất, nguyên liệu đầu vào còn mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp khác như: Cty CP May Nam Hà, Cty Cửa nhựa lõi thép (TP Nam Định), Cty TNHH May Vĩnh Tiến, Yên Trị (Ý Yên); Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường)… Kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2012-2015” đã tạo bước tiến quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn gặp những hạn chế nhất định nên chưa đạt kết quả như mong muốn. Mặc dù cơ quan quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng số lượng doanh nghiệp chủ động tham gia chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất nên sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi phương thức quản lý tiên tiến nhưng vẫn đang sử dụng các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu cũng cản trở lớn đến hiệu quả chương trình năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở KH và CN sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình trong Chiến lược phát triển KH và CN, Đề án tái cơ cấu ngành KH và CN đến năm 2020. Tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ về quản lý và kỹ thuật cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; thực hiện một số giải pháp như: tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp quản lý; tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm; ưu tiên bố trí kinh phí; thực hiện phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động năng suất và chất lượng. Trong đó, phấn đấu có ít nhất 80% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực áp dụng các hệ thống quản lý; công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến; 90% sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương