Ngành chăn nuôi tỉnh trước những thách thức của TPP

09:12, 11/12/2015

Ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt hơn của hàng ngoại khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi tất yếu mà tỉnh ta phải thực hiện thành công để giảm chí phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi vượt qua những thách thức của TPP.

Với trên 750 nghìn con lợn, 43 nghìn con trâu, bò và hơn 7,5 triệu con gia cầm, tỉnh ta là một trong những tỉnh có sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm cao của cả nước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, tồn tại như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sự gắn kết giữa nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và khâu tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Hiện chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ đang chiếm tới 70%, gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường và VSATTP; đây là cản trở không nhỏ để phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát khiến cho người chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư; công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ chưa thực hiện được nhiều, chưa xử lý tận gốc. Đất đai là điều kiện không thể thiếu để phát triển sản xuất, tuy nhiên đất dành cho sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đất dùng cho sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu thống kê từ quy hoạch nông thôn mới của các xã, thị trấn có trên 2.500ha đất quy hoạch dành cho chăn nuôi, tuy nhiên hầu hết các khu quy hoạch này chưa được sử dụng, đất đang dùng cho sản xuất chăn nuôi hiện nay phần lớn là đất thổ cư. Đầu tư cho phát triển chăn nuôi còn hết sức khiêm tốn, hằng năm, tỉnh đầu tư cho công tác giữ giống gốc khoảng 800 triệu đồng, hỗ trợ công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường chăn nuôi chưa tương xứng so với các ngành hàng nông sản khác… Nếu không khắc phục những tồn tại, hạn chế này, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi thực thi TPP, trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) cho biết: Thách thức lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung là đang phụ thuộc khá nhiều về “đầu vào” như con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở sản xuất giống gia cầm là Cty Gà giống Châu Thành nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của tỉnh, do vậy người chăn nuôi phải chịu thêm phần kinh phí vận chuyển, hơn nữa việc quản lý chất lượng và dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Trang trại gà đẻ trứng của một hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).
Trang trại gà đẻ trứng của một hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65%  giá thành sản phẩm. Với số đầu gia súc, gia cầm như hiện nay, tỉnh cần một lượng thức ăn công nghiệp khá lớn (khoảng 15-20 nghìn tấn/tháng), mà trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng năng lực sản xuất yếu, không đáp ứng được nhu cầu, chủ yếu nhập từ các tỉnh ngoài. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay có gần 90% phải nhập khẩu. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi ở trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10-15%, đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi cao hơn các nước khác. Bên cạnh đó, trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật chăn nuôi của các chủ trang trại ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý kinh tế nên việc điều hành sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Mặt khác, do thiếu vốn nên đầu tư công nghệ ở các trang trại chưa đồng bộ, vì vậy năng suất thấp, giá thành cao, giảm hiệu quả chăn nuôi. Điều này tạo nên nghịch lý dù đang chịu mức thuế nhập khẩu từ 5-7%, nhưng giá thịt ngoại trên thị trường vẫn không cao hơn thịt nội là mấy, trong khi chất lượng lại tốt hơn dẫn đến thịt ngoại được người tiêu dùng lựa chọn thay cho thịt nội.

Nhằm giải quyết những thách thức trên, tỉnh đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư sản xuất theo hướng trang trại, gia trại hiện đại, quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng và hạ giá thành chăn nuôi. Tỉnh quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ ra các huyện, thành phố để chủ động đáp ứng nhu cầu con giống tốt, tại chỗ cho người chăn nuôi; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cải tạo đàn nái nền và đàn gia cầm giống, cung cấp giống chăn nuôi chất lượng cao cho người nuôi trên địa bàn. Lập quy hoạch phát triển các sản phẩm: thịt lợn mảnh, lợn sữa, thịt và trứng gia cầm gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hình thành 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, CLB chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong đó tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từ chuồng nuôi (các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi) đến bàn ăn. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Liên kết với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh… thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch. Chỉ đạo đưa các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất: gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa; vịt siêu trứng, vịt Super M, ngan Pháp; giống lợn ngoại, lợn lai; bò lai Sind… Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn qua chế biến, phối trộn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước mắt trong điều kiện thức ăn công nghiệp giá còn cao, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng một số nguyên liệu của địa phương: ngô, lạc, đậu tương, cám gạo… tự sản xuất thức ăn nhằm giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi; bố trí cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích thâm canh ngô, đậu tương cung cấp nguồn thức ăn tinh, đạm thực vật cho gia súc, gia cầm. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác khuyến nông chăn nuôi; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng công nghệ đệm lót chuồng sinh thái; chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể bi-ô-ga.  Tăng cường cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, giá cả các sản phẩm và vật tư chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết chủ động trong sản xuất.

Để ngành chăn nuôi tỉnh chủ động hội nhập cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị; quản lý tốt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi; chủ động khống chế dịch bệnh nguy hiểm. Ngành chăn nuôi cũng cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, có chương trình xúc tiến thương mại và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com