Nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường nông thôn

09:12, 01/12/2015
Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ đã đem lại nhiều thay đổi về đời sống cũng như cảnh quan môi trường vùng nông thôn. Tuy nhiên kéo theo đó môi trường nông thôn ngày càng chịu nhiều nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề do sức ép từ đời sống sinh hoạt; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy, hải sản, nông sản thực phẩm, phát triển làng nghề CN-TTCN. Ngoài ra, môi trường nông thôn còn chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thiên tai cực đoan. 
 
Trước thực trạng đó, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) vùng nông thôn theo các quy định của pháp luật. Trong đó đã tích cực huy động, bố trí kinh phí xây dựng, vận hành các hệ thống xử lý rác thải tập trung, thu gom rác thải. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động BVMT, huy động mọi nguồn lực tham gia BVMT; xây dựng nhiều mô hình quần chúng tự quản về BVMT với sự tham gia của đông đảo người dân. Công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh qua việc ưu tiên phát triển những mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GLOBAL GAP. Trong sản xuất CN-TTCN, làng nghề thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm như di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào các khu, CCN; hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ga chứa nước thải, cải tạo nâng chiều cao ống khói giảm thiểu bụi… tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực); xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường)… Tuy nhiên, đến nay môi trường ở nhiều vùng nông thôn vẫn tồn tại một số vấn đề nổi cộm: phát triển sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác BVMT; chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề... Tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn tính chung toàn tỉnh mới đạt 74,1% tổng lượng rác thải phát sinh. Rác thải sau thu gom được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc sử dụng lò đốt, sử dụng máy nghiền rác kết hợp chôn lấp nhưng nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ, chặt chẽ quy trình kỹ thuật trong quá trình xử lý rác thải nên vẫn gây nguy cơ ô nhiễm. Hầu hết thông số các thành phần môi trường vùng nông thôn qua quan trắc vẫn nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép nhưng ô nhiễm cục bộ môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm và đất đã xuất hiện ở một số nơi. Theo Sở TN và MT: Mặc dù BVMT nông thôn là nhiệm vụ cấp thiết nhưng văn bản quy phạm pháp luật về BVMT khu vực nông thôn chưa đầy đủ, thiếu tính khả thi; nhiều chính sách quản lý còn bỏ ngỏ, không phân định rõ trách nhiệm của ngành chức năng và người dân ở một số lĩnh vực BVMT vùng nông thôn. Cụ thể như: chất thải sinh hoạt nông thôn hầu như chưa quy định thuộc bộ, ngành nào quản lý; vì vậy dù đây là lượng rác thải phát sinh lớn nhất ở nông thôn nhưng chưa được quan tâm xử lý đúng mức. Trong công tác quản lý chất thải, thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng, thu gom bao bì, lưu giữ thuộc trách nhiệm của ngành NN và PTNT nhưng việc xử lý, tiêu hủy bao bì, xử lý các kho hóa chất, thực vật tồn lưu lại thuộc trách nhiệm của ngành TN và MT theo quy định về quản lý chất thải nguy hại... Trong một số lĩnh vực, việc phân công trách nhiệm còn chồng chéo, trách nhiệm của đơn vị quản lý và thực thi chưa cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến công tác BVMT vùng nông thôn chưa đạt kết quả cao là do nhận thức, ý thức về BVMT, sự tham gia công tác BVMT của người dân sinh sống ở nông thôn còn nhiều hạn chế. 
Nhân dân xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thu gom rác thải, góp phần BVMT nơi sinh sống.
Nhân dân xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thu gom rác thải, góp phần BVMT nơi sinh sống.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về BVMT; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách pháp luật về BVMT nông thôn, khắc phục sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2014, có hiệu lực từ 1-1-2015. Một trong những điều sửa đổi trong Luật này là phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân. Trong đó, Luật đã quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như gây ô nhiễm phải trả tiền để khắc phục; yêu cầu phân loại rác tại nguồn thải, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác... Sở TN và MT xác định để thực hiện hiệu quả Luật BVMT, trước tiên phải thu hút mọi người dân cùng tham gia BVMT. Từ tháng 4-2015, Sở TN và MT và các huyện, thành phố đã tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật BVMT, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức thiết thực; giúp người nông dân hiểu được vai trò chủ thể trong công tác bảo vệ và phát triển bền vững môi trường nông thôn bởi họ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN; trực tiếp sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tài nguyên đất, nước, trực tiếp phát sinh nguồn chất thải sinh hoạt. Nếu mỗi người dân không tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật chắc chắn sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT nông thôn cho người dân, Sở TN và MT đang phối hợp với các ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội huy động người dân chung sức nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả. Trong đó, Sở TN và MT tập trung phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT” ở các huyện, thành phố để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của toàn dân, nâng cao tính tích cực, chủ động của mỗi người dân trong thực hiện pháp luật về BVMT, cũng như xây dựng các quy chế, quy ước của cộng đồng về BVMT; xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác BVMT và sống thân thiện với môi trường... Nhờ đó, tại một số vùng nông thôn mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT” đã được nhân rộng ra 100% số xã như Thành phố Nam Định, huyện Ý Yên… Với phương châm “sạch từ mỗi gia đình, khu dân cư”, “người dân, tổ dân phố là chủ thể tham gia và hưởng lợi từ BVMT”, các khu dân cư, tổ tự quản vận động người dân thực hiện các quy định BVMT. Theo Sở TN và MT, chính các mô hình huy động toàn dân chung sức BVMT đã giúp người dân ở các thôn, xóm nhận thấy BVMT là trách nhiệm của mỗi công dân. Từ việc thay đổi nhận thức, bước đầu đã có sự chuyển biến trong hành vi BVMT của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các hộ dân có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, trồng và chăm sóc cây xanh, sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước, công trình vệ sinh hợp lý, thu gom và xử lý rác thải, nước thải đúng quy định, đóng góp đầy đủ các loại phí BVMT. Vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, các khu phố, thôn, xóm đều huy động đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, CCB và các hộ dân xuống đường dọn vệ sinh các tuyến đường. Ở nhiều xã, thị trấn nhân dân còn lập ra các tổ tự quản thu gom rác góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp. Hiện tại, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình BVMT vùng nông thôn, như mô hình điểm về thu gom, xử lý rác thải quy mô liên xã (từ 2 đến 3 xã); phấn đấu hết 2015 đạt 100% các xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn đạt 80% trở lên. 
 
Để xử lý rác thải vùng nông thôn một cách triệt để, tỉnh chủ trương khuyến khích các địa phương đầu tư lò đốt. Sở TN và MT hướng dẫn người dân tận dụng và tự xử lý tối đa lượng rác hữu cơ phục vụ phát triển chăn nuôi, cải tạo đất, phát triển sản xuất nông nghiệp; đưa vào tái chế lượng rác thải rắn có thể tái sử dụng. Ngành TN và MT tăng cường phối hợp với ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nông dân sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thu gom, xử lý hợp vệ sinh các bao bì chứa đựng hóa chất sau khi sử dụng. Tích cực hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN nông thôn theo tiêu chí thân thiện môi trường./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com