Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

08:12, 21/12/2015

Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phát huy lợi thế có nguồn nhân lực chất lượng cao đang làm việc, học tập và nghiên cứu tại hơn 100 cơ sở khám, chữa bệnh, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên ngành y, dược và khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, nam dược… Sở KH và CN đã tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược. Mỗi năm đã có hàng chục đề tài được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao.

Cán bộ Cty Dược phẩm Nam Hà kiểm tra quy trình cải tiến viên hoàn Bảo Kim Đan thành viên nang mềm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng.
Cán bộ Cty Dược phẩm Nam Hà kiểm tra quy trình cải tiến viên hoàn Bảo Kim Đan thành viên nang mềm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng.

Công trình nghiên cứu “Tác động ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng tại làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và các giải pháp can thiệp” của nhóm tác giả Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã đưa ra nhiều giải pháp có tính thiết thực cho người dân làng nghề. Xuất phát từ thực trạng sức khỏe của người dân ở các làng nghề trong tỉnh và khu vực lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do chính hoạt động sản xuất gây ra. Mặc dù đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực như khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến ô nhiễm, hướng dẫn điều trị, cấp phát thuốc định kỳ; cung cấp bảo hộ lao động, hướng dẫn xử lý môi trường… nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng bệnh tật ở người dân và ô nhiễm môi trường. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn và những hệ lụy liên quan đến môi trường sống, sức khỏe người dân. Đồng thời thực hiện khám lâm sàng, điều tra tiền sử bệnh tật định kỳ 3 đến 6 tháng/lần cho 1.567 người là thợ cơ khí, người dân và trẻ nhỏ sống tại làng nghề trong suốt 3 năm. Qua nghiên cứu cho thấy: môi trường đất tại làng nghề có tỷ lệ kẽm và chì vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần; môi trường nước, lượng chì, crôm, ôxy cần thiết để ôxy hóa các chất hữu cơ, chất hóa học đều vượt ngưỡng cho phép; trong khi lượng ôxy hòa tan để duy trì sự sống của vi sinh vật lại thấp hơn tiêu chuẩn rất nhiều. Lượng chất rắn lơ lửng trong nước cao hơn mức cho phép và liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Các chỉ số ô nhiễm trong nước ngầm đều vượt chuẩn an toàn; các chỉ số tiếng ồn, khói bụi đều vượt mức tiêu chuẩn cho phép. Tỷ lệ thuận với tình trạng ô nhiễm môi trường là tình trạng bệnh tật gia tăng theo từng nhóm đối tượng như thợ cơ khí, người dưới 17 tuổi. Nhóm bệnh hay gặp nhất là các bệnh hô hấp, cơ xương khớp, bệnh tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, mắt và da. Tỷ lệ người dân làng Bình Yên mắc bệnh ung thư cao gấp 2,03 lần so với người dân ở các thôn làng khác trong xã. Từ kết quả điều tra cụ thể này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp tổng thể khắc phục ô nhiễm gồm: quy hoạch, cơ chế quản lý, đổi mới công nghệ để sản xuất sạch hơn, cải thiện điều kiện lao động… và lộ trình khắc phục ô nhiễm phù hợp với điều kiện thực tế của chính quyền cơ sở và sự thích nghi của người dân trong làng nghề. Ngay khi triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tuyên truyền giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn hiểu rõ những mối nguy hại phải đối mặt do ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất. Các hộ dân đã thay đổi tư duy nhận thức về sản xuất an toàn, bền vững, từng bước áp dụng các biện pháp cải thiện môi trường làm việc như thiết kế, sắp xếp lại nhà xưởng, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp; đầu tư đổi mới công nghệ; quản lý chất thải công nghiệp theo đúng quy trình; duy trì lịch khám, chữa bệnh định kỳ… Chính quyền cơ sở cũng đã nhận thức rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, khẩn trương bố trí quỹ đất xây dựng CCN tập trung để di chuyển các hộ sản xuất trong làng nghề, đồng thời xây dựng quy trình quản lý môi trường, kêu gọi đầu tư hỗ trợ cải thiện môi trường làng nghề và đổi mới công nghệ. Thành công của đề tài nghiên cứu không chỉ góp phần giúp người dân làng nghề Bình Yên thay đổi nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược phù hợp chăm sóc sức khỏe cộng đồng dân cư trong khu vực. Hiện nay, các giải pháp can thiệp tác động ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng tại làng nghề cơ khí Bình Yên đang được ngành chức năng nhân rộng ra các các làng nghề khác trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng nông thôn. Mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ… cũng được quan tâm thực hiện thông qua các đề tài nghiên cứu như: “Thiết kế xây dựng phòng tiệt trùng trạm y tế xã” của tác giả Phạm Văn Chính, Phòng Y tế huyện Ý Yên; “Phương  pháp làm giảm tỷ lệ ung thư và ô nhiễm môi trường ở nông thôn” của nhóm tác giả Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên); “Ứng dụng bản hướng dẫn thực hành chăm sóc phòng viêm phổi bệnh viện cho người bệnh thở máy”; “Nâng cao kiến thức tự chăm sóc cho người bệnh viêm gan B”; “Một số giải pháp nâng cao kiến thức về bệnh tay - chân - miệng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản)”; “Đánh giá hiệu quả của can thiệp điều dưỡng nâng cao kiến thức, hành vi tự chăm sóc để kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2” do Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thực hiện… Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã đưa ra các luận cứ khoa học giúp các nhà quản lý hoạch định kế hoạch dự phòng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cảnh báo người dân về những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; trang bị kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng, phòng bệnh và biện pháp sơ, cấp cứu, xử lý tình huống ban đầu đối với một số tai nạn thường gặp trong cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa phát triển mạnh do nhiều nguyên nhân. Kinh phí là một trong các nguyên nhân chính, vừa ít lại phức tạp về thủ tục thanh toán ảnh hưởng đến tiến trình nghiên cứu cũng như sự nhiệt tình của người thực hiện. Có trường hợp người nghiên cứu phải ứng tiền cá nhân để chi trả cho một số công đoạn để đảm bảo tính kịp thời. Sự phối hợp và tạo điều kiện để các tác giả thực nghiệm tại cộng đồng của chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn khó khăn do địa phương coi nặng việc chương trình mang lại lợi ích vật chất trước mắt như thế nào mới hỗ trợ hoạt động nghiên cứu mà không tính đến hiệu quả chung của cộng đồng… Để khắc phục những hạn chế này, Sở KH và CN đề nghị các ngành liên quan thành lập Hội đồng khoa học cấp ngành và ở tất cả các đơn vị trực thuộc triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các ngành chức năng phân công cán bộ có trình độ kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực y, dược để hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài nghiên cứu; tiếp nhận và giải quyết những vấn đề cần trao đổi giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị thử nghiệm cũng như ứng dụng, nhân rộng kết quả, sản phẩm của các đề tài vào thực tế. Sở KH và CN tạo mọi điều kiện thuận lợi khi đăng ký và kinh phí thực hiện đề tài để các đơn vị, cá nhân yên tâm nghiên cứu chuyên sâu; quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu. Phát huy vai trò kết nối chặt chẽ hơn giữa các đơn vị nghiên cứu với các đơn vị thực hiện trực tiếp nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng để hỗ trợ và thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y, dược phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com