Chuyện về những người chuyên phục dựng kiến trúc cổ

08:12, 21/12/2015

Nhiều người biết đến ông Lê Văn Dẩn ở xóm Trại, thôn Đa Mễ, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) bởi ông được “trời phú” cho cái tài xây đắp, phục dựng các công trình kiến trúc cổ đình, đền, chùa… như gốc. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dẩn kể: Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, bởi đam mê nên tôi đã rong ruổi tìm đến hầu hết các công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng để tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc cổ. Quan sát không chưa đủ, ông dành nhiều thời gian sưu tầm sách, tài liệu lịch sử, văn hóa để nghiên cứu, nâng cao hiểu biết và có nhận thức đúng về các chuẩn mực nghệ thuật kiến trúc cổ của cha ông. Mỗi lần đến thăm, tìm hiểu các công trình kiến trúc cổ ở bất kỳ đâu, ông đều ghi chép rất cẩn thận, ký họa tỉ mỉ từng chi tiết hoa văn trang trí đến bố cục khuôn viên tổng thể. Sau đó ông đã hệ thống hóa những đặc trưng kiến trúc của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử đất nước, từng loại công trình… Giới thiệu cho tôi xem những mẫu linh vật hạc, phượng, rồng, hoa, trái, mây, nước được cấu trúc trong các đầu đao, đầu xà, kèo, cửa võng… của đình, đền, chùa, cung điện, ông Dẩn say sưa giải thích về những quan điểm triết lý sâu sắc theo 3 thực thể “Thiên - địa - nhân” ở mỗi đối tượng. Mỗi ngôi đình, đền làng hay nhà thờ tổ đều có mục đích chung là tôn vinh công trạng, sự đức độ của những danh nhân, chí sĩ của làng xã hoặc dòng tộc. Vì thế, theo mục đích, yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng công trình, ông cùng thợ của mình đều cố gắng hoàn thiện công trình theo những chuẩn mực tinh hoa kiến trúc cổ. Ông không còn nhớ rõ mình đã phục dựng được bao nhiêu ngôi chùa, ngôi đình cổ và cả những pho tượng, bộ tứ linh: long, ly, quy, phượng; bộ tứ quý: Tùng, cúc, trúc, mai; những họa tiết hoa, lá trang trí... Công trình mới nhất được hoàn thành do chính tay ông thiết kế, thi công là ngôi chùa ở xã Cộng Hòa (Vụ Bản). Ngôi chùa bề thế uy nghi, được nhân dân địa phương đánh giá cao về cả nghệ thuật kiến trúc lẫn chất lượng công trình.

Ông Lê Văn Dẩn ở xóm Trại, thôn Đa Mễ, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) nghiên cứu tìm hiểu kiến thức từ tài liệu văn hóa và thi công hoa văn cổ, phục vụ xây dựng công trình đình, chùa.
Ông Lê Văn Dẩn ở xóm Trại, thôn Đa Mễ, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) nghiên cứu tìm hiểu kiến thức từ tài liệu văn hóa và thi công hoa văn cổ, phục vụ xây dựng công trình đình, chùa.

Còn anh Nguyễn Thế Cường, ở xã Thành Lợi (Vụ Bản), 40 tuổi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề phục dựng các kiến trúc cổ thì cho biết: để phục dựng các họa tiết, hoa văn trang trí đến kết cấu rường cột, mái ngói, mái đao, đầu hồi, cuốn thư, câu đối… của những công trình kiến trúc cổ người thợ phải có óc tưởng tượng đa dạng, phong phú và làm việc bằng tất cả tâm huyết. Anh Cường cho biết: Chỉ làm bằng tay và thi công bằng phương pháp thủ công mới có thể truyền tải hết vẻ đẹp cổ kính, thâm sâu của những tích cổ như: Thập điện diêm vương, Bát tiên quá hải, Trúc lâm thất hiền, Thất hạc quần tùng, Vinh quy bái tổ, Neo đậu bến quê… Để phục dựng các công trình anh phải thiết kế các khuôn mẫu bằng nhựa composite, sau đó sử dụng hỗn hợp xi-măng, bột giấy và các loại keo tổng hợp để đắp nhằm bảo đảm mỹ thuật và mức độ bền vững của công trình. Tận mắt chứng kiến sự khéo léo tỉ mỉ trong thi công từng chi tiết của những người thợ làm công việc đặc thù này mới cảm nhận hết niềm đam mê và tâm huyết của họ. Nhờ thế mỗi chi tiết, công trình đều có thần thái, cốt cách sống động. Tiếng lành đồn xa, đội thợ trên dưới chục người do anh Cường “đứng cai” làm không hết việc. Anh Cường cho biết thêm: Hiện nay, đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao nên nhu cầu tôn tạo, phục dựng những công trình tín ngưỡng, tôn giáo đình, chùa, miếu, nhà thờ dòng họ để phục vụ các sinh hoạt văn hóa, tâm linh ngày càng nhiều. Vì thế, các anh làm không hết việc. Tùy theo quy mô, kiến trúc mà thời gian thi công, hoàn thiện mỗi công trình cũng từ 1,5 đến 4 tháng. Hiện, tốp thợ của anh Cường luôn có việc làm thường xuyên với ngày công lao động từ 250-350 nghìn đồng/người/ngày.

Những câu chuyện của ông Dẩn, anh Cường quanh các họa tiết, họa văn cổ, hay các giá trị độc đáo của các công trình mà họ từng tham gia phục dựng khiến chúng tôi cảm nhận rõ sự tâm đắc, yêu nghề, yêu những giá trị văn hóa vật thể truyền thống. Suốt mấy mươi năm “sinh nghề” ông Dẩn luôn đau đáu với việc giữ và truyền nghề cho lớp thợ trẻ. Ông tâm sự: Những năm gần đây không còn mấy người trẻ ham nghề đến “quên ăn, quên ngủ” như ông thuở trước. Nhiều thợ trẻ bây giờ quá ẩu, dễ dãi trong thiết kế, thi công làm sai lệch những giá trị kiến trúc văn hóa truyền thống của cha ông.

Trò chuyện với họ tôi thêm hiểu biết cặn kẽ những giá trị văn hóa, những triết lý nhân sinh sâu xa mà ông cha thuở trước gửi gắm trong từng công trình kiến trúc; hiểu được những ý nghĩa giáo dục sâu sắc của công trình, hiện vật đó cũng như tầm quan trọng của việc gìn giữ hay phục dựng nguyên vẹn các công trình kiến trúc cổ đối với thế hệ hôm nay. Và càng thấy trân trọng những nghệ nhân, những người thợ đang góp phần bảo tồn những giá trị ấy làm đẹp cho đời./.

Bài và ảnh: Văn Đại



chuyển nhà trọn gói quận thanh xuân Biệt thư, nội thất Betaviet Group Biệt thự 3 tầng hiện đại Thiết kế noi that go oc cho noithatahome.vnMua đồ Trang trí phòng khách Công DecorNội thất https://www.giuongmanhtung.com TPHCM Bàn trang điểm đẹp Trải nghiệm ngay đệm memory foam êm áiDịch vụ làm sa bàn kiến trúc uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com