Chấn chỉnh vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn

09:12, 23/12/2015

Theo quy định của pháp luật, do hàng đóng gói sẵn (HĐGS) là hàng hóa được nhà sản xuất, đơn vị phân phối định lượng đóng gói mà không có sự chứng kiến của bên mua nên phải tuân thủ quy định như ghi rõ lượng HĐGS theo định lượng trên bao bì; chênh lệch giữa khối lượng hàng hoá thực tế và khối lượng ghi trên bao bì không được vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên thời gian qua trên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các nhóm HĐGS theo định lượng như bánh kẹo, bột canh, gia vị, nước mắm, nước uống đóng chai, nước giải khát, hóa chất tẩy rửa… ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở KH và CN đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đối với HĐGS.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở KH và CN đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, việc sử dụng mã số, mã vạch, sở hữu công nghiệp đối với HĐGS. 16 nhóm hàng hóa trong diện thanh tra gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa; thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; bánh mứt, kẹo, đường, bia rượu, nước giải khát và nước uống; dầu ăn, muối, bột ngọt, bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước xốt; xà phòng và chất tẩy rửa, nông sản và sản phẩm từ nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; dầu nhờn, khí đốt hóa lỏng, sơn; xi măng… Sau gần 3 tháng tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đoàn công tác đã tiến hành thanh tra tại 25 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị sản xuất và 9 đơn vị kinh doanh phân phối hàng hóa. Đây là những đơn vị có quy mô sản xuất lớn, giữ vai trò đầu mối trong việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng HĐGS đều đảm bảo các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, quy định đo lường, định lượng đối với HĐGS. Đặc biệt tỷ lệ các doanh nghiệp đã quan tâm bảo hộ tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một tăng. Tuy nhiên đoàn công tác vẫn phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp, đơn vị phân phối HĐGS như gian lận về khối lượng (cân, đo thiếu); HĐGS được định lượng không phù hợp, vượt quá tỷ lệ cho phép và HĐGS không ghi lượng hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định... Nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao là rượu, bia, nước giải khát, nước uống với tỷ lệ vi phạm tới 25%; tỷ lệ vi phạm của nhóm hàng nông sản cũng chiếm tới 24%; các nhóm khác ở mức khoảng 20%... Cụ thể chỉ có 15/25 đơn vị đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thông qua hình thức đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình. 19/25 đơn vị (10 đơn vị sản xuất, 9 đơn vị kinh doanh) thực hiện ghi nhãn hàng hóa chưa đúng quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. 7/25 đơn vị vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa và 3 lô hàng không đạt yêu cầu về đo lường. Trong đó các mặt hàng: cơm cháy, bánh nhãn, ngô sấy, thạch sữa chua Natty do Cty CP Micom phân phối, Cty TNHH Hồng Huệ (TP Nam Định) cung ứng ghi định lượng không chính xác; các mặt hàng bánh kem xốp Hải Châu, bánh nhãn Phương Oanh không ghi định lượng; sản phẩm nước giải khát RedBull là hàng hóa nhập khẩu nhưng lại thiếu nhãn phụ bằng tiếng Việt khi lưu thông trên thị trường; một số mặt hàng bánh, kẹo, nước mắm, nước giải khát, các sản phẩm từ sữa không ghi số xác nhận công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm hoặc ghi số công bố đã hết hiệu lực trên nhãn hàng hóa… Trước những sai phạm về nhãn hàng hóa, đo lường không ghi định lượng, không đạt yêu cầu về đo lường đối với HĐGS, đoàn công tác đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc khắc phục kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản của pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh của các cơ sở được thanh tra. Trong đó đơn vị phân phối cần liên hệ với đơn vị sản xuất hàng hóa để thực hiện yêu cầu về ghi nhãn chính xác, đầy đủ thông tin, đúng định lượng và đúng vị trí theo quy định trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường… Đồng thời nhắc nhở các cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa và xuất xứ hàng hóa… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành KH và CN trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường đối với HĐGS, thời gian tới Sở KH và CN tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách về đo lường, đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đầu tư phương tiện kỹ thuật đảm bảo việc kiểm tra đo lường đối với HĐGS thuộc danh mục phải quản lý Nhà nước về đo lường. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đo lường trong sản xuất, kinh doanh HĐGS. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo lường, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đo lường đối với HĐGS. Đối với người tiêu dùng cần quan tâm kiểm tra kỹ nhãn mác, định lượng HĐGS khi mua sắm, chủ động tố giác những hành vi gian lận thương mại với nhà quản lý góp phần hạn chế sai phạm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com