Bảo tàng Đồng quê - Điểm thu hút khách du lịch

09:12, 25/12/2015
Được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 12-2012, mỗi tháng Bảo tàng Đồng quê ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) tiếp đón 1.000-2.000 khách tham quan trong và ngoài nước. Bà Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê cho biết: Để xây dựng bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thì ngoài trưng bày các hạng mục công trình, hiện vật nông ngư cụ, đồ sinh hoạt phong phú, độc đáo, bảo tàng còn triển khai nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch.
 
Năm 2013, Bảo tàng Đồng quê được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận là bảo tàng đầu tiên trong nước đã xác lập kỷ lục lưu giữ những nét đặc sắc nhất vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Trên khuôn viên rộng 6.000m 2, Bảo tàng trưng bày 5 loại nhà tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ từ thời phong kiến đến nay gồm: Nhà mái rạ tường đất của tầng lớp bần cố nông, Nhà lợp bổi của tầng lớp trung nông, Nhà xây lợp ngói nam của tầng lớp địa chủ, Nhà gác tường lợp ngói tây của người dân vùng nông thôn Bắc Bộ giữa thế kỷ 20: Đây đều là những nhà cũ nguyên bản có tuổi đời hàng chục năm. Nhà trung tâm của bảo tàng được xây 4 tầng là nơi trưng bày phong phú các hiện vật, đồ vật. Trong đó, tầng một trưng bày mảng truyền thống của QĐND Việt Nam; những hình ảnh, hiện vật về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, truyền thống bộ đội hải quân, bộ đội công binh mở đường, đào hầm, xây đảo, làm nhà dàn ĐK trên quần đảo Trường Sa, thềm lục địa Việt Nam; về các loại vũ khí, tư trang, vật dụng người lính thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ… Nội dung trưng bày ở tầng 2 có chủ đề “Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ” tái hiện cuộc sống của người nông dân, diêm dân, ngư dân với các loại công cụ lao động trong nông nghiệp, các công cụ nghề biển, nghề muối… Tầng ba trưng bày dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ, trong đó bộ sưu tập khoảng 200 chiếc nồi đồng, 200 chiếc mâm đồng, 50 chậu đồng, hơn 100 chiếc đèn cổ, bộ sưu tập tiền xu các loại, tiền giấy Đông Dương, các đồ gốm, đồ sành, đồ sứ, chum choé đựng nước... Tầng bốn là thư viện với hàng nghìn đầu sách phong phú, đa dạng phù hợp các lứa tuổi. Sau toà nhà trung tâm là hệ thống hầm hào tái hiện một số hình ảnh về cuộc sống người dân khi tránh mưa bom, bão đạn thời kỳ chống Mỹ… Ngoài 5 kiểu nhà tiêu biểu, Bảo tàng Đồng quê còn trồng, bảo tồn những cây đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ bây giờ người dân ít trồng như: cậy, chay, sắn thuyền… và một số cây ở quần đảo Trường Sa, cây từ các nước bạn, cây gỗ đặc trưng rừng nhiệt đới Việt Nam... Khu trưng bày các nghề truyền thống ở Bảo tàng có mô phỏng các mô hình người dệt chiếu, trồng cói, cày, cấy… tái hiện đời sống lao động của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ qua các thời kỳ.  
Du khách tham quan Bảo tàng Đồng quê, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ).
Du khách tham quan Bảo tàng Đồng quê, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ).
Cùng với sự phong phú về hiện vật, Bảo tàng Đồng quê còn triển khai nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch. Trang web của Bảo tàng cập nhật liên tục tình hình hoạt động để cung cấp cho du khách những thông tin cần thiết. Trong tổ chức hoạt động, Bảo tàng không thu vé khách tham quan mà chỉ thu tiền dọn vệ sinh với đoàn đông nhất không quá 200 nghìn đồng. Các đoàn có yêu cầu thuyết minh sẽ được đích thân Giám đốc Ngô Thị Khiếu hoặc chị Trần Thị Huê, nhân viên đã tốt nghiệp Đại học Văn hiến Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận. Hiện tại, Bảo tàng đã phối hợp với một số đơn vị trong tỉnh như: Khách sạn Minh Hạnh 3, Khách sạn Biển Đông ở Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ) đưa khách đến tham quan; phối hợp Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH, TT và DL) khảo sát xây dựng các tuyến, điểm du lịch. Đến nay Bảo tàng Đồng quê đã được một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ngoài tỉnh chọn làm điểm đến trên hành trình đưa khách đến tham quan Khu du lịch biển Quất Lâm - Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ). Chị Trần Thị Hoa, Giám đốc Cty Du lịch Ánh Sao có trụ sở tại Hà Nội cho biết: “Ngoài các đoàn khách trong nước, Cty thường xuyên đưa các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, thưởng thức thức ăn ở Bảo tàng Đồng quê và được du khách đánh giá cao. Trong chiến lược phát triển của Cty, chúng tôi coi Bảo tàng Đồng quê là điểm đến thường xuyên để du khách nước ngoài hiểu hơn về quê hương Việt Nam”. Điểm “nhấn” đối với du khách khi đến tham quan nơi đây là còn được phục vụ những thức ăn dân dã nếu như có nhu cầu. Ông Phạm Văn Nam, người xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết: “Bảo tàng Đồng quê hấp dẫn tôi bởi được phục vụ bằng các món cơm dân dã ngon, bảo đảm vệ sinh”. Tuỳ theo nhu cầu của khách, Bảo tàng sẽ chế biến các món ăn được làm từ nguyên liệu tại chỗ.
 
Với hiện vật phong phú, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, Bảo tàng Đồng quê đã thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các trường THCS, THPT trong và ngoài tỉnh... vào các ngày nghỉ, lễ. Em Trần Thu Lan, học sinh Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu) có chuyến tham quan Bảo tàng ngày 18-10-2015 cho biết: “Chuyến tham quan Bảo tàng Đồng quê rất bổ ích với chúng em vì qua đây hiểu thêm về cuộc sống, lao động của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ từ xưa đến nay, là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống của quê hương, đất nước”. Đây là động lực để Bảo tàng Đồng quê hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thu hút khách du lịch nhiều hơn, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần đưa du lịch tỉnh ngày càng phát triển./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com