Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2015. Qua 10 tháng triển khai thực hiện, Luật BHYT sửa đổi đã khẳng định chính sách ưu việt khi hướng tới quyền lợi thiết thực cho người dân; góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội, phát triển tỷ lệ người tham gia BHYT.
Anh Trần Xuân Khoa (SN 1966) ở xóm 2, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) mắc bệnh suy thận mãn tính đã hơn 6 năm nay. Để chữa trị căn bệnh suy thận, mỗi năm gia đình anh phải vay mượn hàng chục triệu đồng trang trải viện phí, thuốc men. Từ lao động chính trong gia đình, anh Khoa mất khả năng lao động, mọi chi phí trong gia đình từ nuôi con ăn học đến tiền chữa bệnh cho anh đều trông chờ vào tiền lương gần 3 triệu đồng/tháng của vợ anh đang làm việc tại một Cty may.
Hiện nay, cứ 3 lần/tuần anh phải vào chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh Khoa cho biết, những năm trước, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở y tế chạy thận, anh phải điều trị dài ngày trên Hà Nội trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình lại khó khăn, tiền viện phí, tiền chữa bệnh, chạy thận hằng tuần cho anh đều phải vay mượn người thân. Trước năm 2014, gia đình anh chưa thuộc diện hộ nghèo, chỉ mua thẻ BHYT tự nguyện, mỗi tháng anh phải chi phí tiền chạy thận, tiền thuốc gần 5 triệu đồng. Đến năm 2014, gia đình anh được đưa vào diện hộ nghèo, nhưng vẫn phải chi trả 5% tiền chạy thận, thuốc men. Tuy nhiên, từ tháng 1-2015 đến nay, khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, anh được Quỹ BHYT chi trả 100% kinh phí chữa bệnh. Một tháng, anh chạy thận 12 lần, mỗi lần chạy thận hết 640 nghìn đồng, như vậy anh được BHYT chi trả hơn 7 triệu đồng/tháng và thuốc chữa bệnh. Cũng mắc căn bệnh suy thận mãn tính, bà Nguyễn Thị Hòa, 59 tuổi, ở xóm Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), thuộc diện cận nghèo. Trước năm 2014, mỗi tháng chạy thận, bà phải chi trả thêm 20% tiền viện phí, điều trị bệnh. Theo Luật BHYT sửa đổi, đối tượng có BHYT thuộc diện cận nghèo như trường hợp bà Hòa được Quỹ BHYT hỗ trợ 95% (trước đây là 80%). Bác sĩ Phạm Thị Hoa, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện tại, phòng chạy thận của bệnh viện có 10 máy, phục vụ gần 100 bệnh nhân, chạy 3 ca liên tục trong ngày, 100% bệnh nhân có BHYT. Trung bình mỗi năm, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo chi phí từ 100 triệu đến 120 triệu đồng; với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nếu không có BHYT chắc chắn họ sẽ không thể duy trì việc điều trị. Không chỉ các bệnh nội khoa phải điều trị dài ngày, những người bệnh phải “sống chung” với bệnh tật mà những người mắc các bệnh về ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật chi phí cũng vô cùng tốn kém. Thậm chí, những ca mổ phức tạp đòi hỏi can thiệp nhiều phương tiện máy móc, vật tư, dụng cụ, thuốc hỗ trợ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo Luật BHYT sửa đổi áp dụng từ ngày 1-1-2015, bệnh nhân, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, BHYT giúp gia đình họ giảm thiểu chi phí, mang nhiều lợi ích thiết thực, an tâm chữa bệnh. Anh Phạm Văn Thực, 48 tuổi, ở xã Nam Thanh (Nam Trực) làm nghề thợ xây, gia đình thuộc hộ nghèo, bị tai nạn, phẫu thuật nẹp gẫy cột sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng kinh phí ca phẫu thuật gần 30 triệu đồng. Là đối tượng tham gia BHYT diện hộ nghèo, anh Phạm Văn Thực được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí ca phẫu thuật nẹp gãy cột sống.
Anh Trần Xuân Khoa, xóm 2, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) thuộc diện hộ nghèo được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. |
Điều ghi nhận qua 10 tháng triển khai Luật BHYT sửa đổi ở tỉnh ta là đã tăng quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT, nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội. Cụ thể, Luật BHYT sửa đổi quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT như: bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo. Luật BHYT sửa đổi cũng quy định: Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh. Đây là quy định mới để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính. Điểm mới nữa trong Luật BHYT sửa đổi là khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình để tăng mức độ bao phủ BHYT, trong đó, người dân được hưởng BHYT với những lợi ích rất rõ ràng. Cụ thể, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi. Người thứ 2, 3 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất, đảm bảo sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
Để đạt được kết quả trên, ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật BHYT sửa đổi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHYT theo quy định mới, trong đó chú trọng tuyên truyền cho các nhóm đối tượng tại cơ sở. Đến ngày 31-10-2015, BHXH tỉnh đã tổ chức 32 hội nghị đối thoại chính sách BHXH-BHYT cho các nhóm đối tượng tại 102/229 xã, phường, thị trấn, cung cấp hàng nghìn tờ rơi BHYT hộ gia đình, tài liệu về Luật BHYT sửa đổi tới nhân dân trên địa bàn tỉnh. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi; thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH-BHYT trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn trong tỉnh. BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai và thực hiện việc ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2015, thanh lý hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2014 với 33 cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi. Phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB và XH thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo; phối hợp với Sở GD và ĐT trong công tác thu BHYT HSSV… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Đến nay, đối tượng thuộc diện tham gia BHYT theo hộ gia đình của toàn tỉnh mới đạt 17%; một số địa phương có tỷ lệ tham gia thấp như: Nghĩa Hưng (12,2%), Ý Yên (12,5%), Xuân Trường (12,5%); Trực Ninh (14,1%); Nam Trực (12%), huyện Hải Hậu đạt chuẩn huyện NTM giảm từ 35,14% xuống còn 15,8%. Nguyên nhân dẫn tới việc triển khai chính sách BHYT còn gặp vướng mắc là công tác chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh ở các cơ sở y tế còn nhiều bất cập; người có thẻ khi khám, chữa bệnh không được thuận lợi, chất lượng điều trị không đáp ứng được yêu cầu, thủ tục thanh toán chưa nhanh chóng. Mức giá mua BHYT chưa phù hợp với đa số người dân ở khu vực nông thôn, nhất là trong điều kiện đời sống của người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, do đó chỉ có những người có bệnh mới nghĩ đến việc tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2015 là 70% dân số thì toàn tỉnh phải tăng thêm khoảng 152.819 người dân có thẻ BHYT.
Để thực hiện có hiệu quả Luật BHYT sửa đổi, đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 70%, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Đề án BHYT toàn dân trên địa bàn; rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án BHYT toàn dân của địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT./.
Bài và ảnh: Việt Thắng