Nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc dựng rạp cưới dưới lòng đường

09:11, 27/11/2015
Cũng như mọi năm, thời điểm cuối năm là dịp được nhiều bạn trẻ chọn để tổ chức đám cưới. Việc dựng rạp tổ chức cưới đối với những gia đình ở nông thôn rất đơn giản do nhà cửa, đất đai rộng rãi. Tuy nhiên, đối với các gia đình ở thành phố, đặc biệt các hộ gia đình bám mặt đường, để tổ chức một đám cưới tại nhà lại không hề đơn giản. Vì vậy, tình trạng dựng rạp cưới chiếm đến gần nửa lòng lề đường không phải hiếm. Từ đó, gây nên những câu chuyện “bi hài” đi đường vòng tránh đám cưới, ngồi ăn cưới mà lo nơm nớp bị xe tông, xe quệt.
 
Nơm nớp… “ăn cưới quốc lộ”
 
Nằm trên Quốc lộ 21, khúc cua đoạn giao địa phận xã Tân Thịnh và Nam Hồng (Nam Trực), cách đây mấy ngày người tham gia giao thông từ xa đã thấy “chình ình” 1 rạp đám cưới to đùng, nhạc mở ầm ĩ. Vì rạp cưới dựng ở địa thế “khá hiểm” giữa khúc cua, chiếm hết vỉa hè, tràn xuống lòng đường nên ngoài việc hạn chế tầm nhìn của người đi đường còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông lẫn người ăn cưới. Ngồi ăn cỗ nhưng thỉnh thoảng có người mắt vẫn dáo dác nhìn ra ngoài đường hoặc giật mình “thon thót” khi nghe thấy tiếng xe, tiếng còi… ngay cạnh lưng. Cũng chỉ bởi, gia chủ đã dựng rạp, sắp đặt cỗ, không ngồi giữa đường thì biết ngồi vào đâu. Tùy vào quy mô tổ chức của mỗi gia đình nhưng hầu hết mỗi rạp cưới đều phải dựng với chiều rộng khoảng 10m, chiều dài 12m. Như vậy, các rạp cưới dựng cạnh quốc lộ sẽ “bao trọn” khu vực vỉa hè, lấn xuống lòng đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Lấy lý do nhà có chuyện vui, nhiều đám cưới ở ven quốc lộ ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè và mặc định đó là điều tất yếu mà không hề để ý đến an toàn của mình và người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Hữu Nam, xã Nam Hồng (Nam Trực) chia sẻ: “Không phải ai cũng có tiền để tổ chức tiệc cưới trong các khách sạn, nhà hàng, nhất là đối với dân các vùng quê như chúng tôi. Do đó, nhiều khi cũng phải thông cảm vì nhà chủ hẹp, không có chỗ dựng rạp. Nhưng đúng là việc dựng rạp giữa đường khiến việc đi lại khó khăn hơn. Có nhà lấn đến gần nửa lòng đường, các phương tiện lưu thông trên đường đều phải “né” rạp, dồn hết về phía đường còn lại để đi. Xe máy, các loại xe ô tô cỡ nhỏ còn dễ lách chứ gặp phải ô tô khách, xe tải cỡ lớn mới thấy hết sự nguy hiểm khi phải vòng tránh rạp đám cưới. Lúc đó, là chuyện vui mà chỉ mong đám cưới nhanh hết cho nhà nhà, người người yên tâm”. Người tham gia giao thông đã khổ vì bị rạp cưới cản trở, nhưng người đang dự tiệc cũng chẳng thoải mái gì hơn. Bác Minh ở Thành phố Nam Định mới về Trực Ninh ăn cưới cháu họ cho biết: “Nhà cháu tôi ở Thị trấn Cổ Lễ. Tổ chức tại nhà nên từ chiều hôm trước gia đình đã phải thuê người dựng rạp. Đất chật, rạp cưới phải dựng xuống lòng đường. Ngồi trong rạp ăn cưới, không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng lo lắng. Thỉnh thoảng, tôi vừa ăn vừa phải nhìn ra đường. Nhỡ đâu có anh tài xế nào “lạc” tay lái thì không biết mình có còn cơ hội được gặp lại con cháu nữa hay không? Nhẹ nhàng nhất thì cũng bị va quệt gây đổ bàn xô ghế, đổ thức ăn. Do đó, cứ nghe thấy tiếng xe là tôi thấy sợ. Thôi thì, ăn nhanh nhanh chóng chóng để vào nhà uống nước cho an toàn, chứ ngồi ăn trong tình trạng vậy cũng chả thấy ngon, vui gì nữa”.
Rạp đám cưới trên địa bàn phường Hạ Long (TP Nam Định) lấn chiếm 2/3 lòng đường, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.
Rạp đám cưới trên địa bàn phường Hạ Long (TP Nam Định) lấn chiếm 2/3 lòng đường, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.
Bi hài chuyện ăn cưới trong phố
 
Nếu chuyện dựng rạp cưới ở quốc lộ tiềm ẩn những nguy cơ mất ATGT, tai nạn cao thì ở trong phố cũng có những câu chuyện rất bi hài. Vào mùa cưới cao điểm, có ngày, đi từ đầu phố đến cuối phố cũng dễ dàng bắt gặp 1, 2 rạp cưới được dựng hiên ngang giữa đường. Nhà mặt phố thì chiếm dụng hết vỉa hè rồi lấn đến non nửa con đường. Nhà trong ngõ thì rạp cưới “nuốt gọn” khoảng 2/3 hoặc cả lòng đường. Vậy là để lưu thông, đôi khi các phương tiện phải… chui qua cả rạp mà đi. Tuy nhiên, đến ngày cưới chính, khi nhà chủ đã bày bàn ghế vào rạp thì con đường rất có thể bị chặn. Vì vậy, để tránh rạp cưới, nhiều người phải đi vòng vèo qua nhiều ngõ ngách dẫn đến bị lạc đường. Đã có người vì tránh đám cưới mà phải mất vài chục phút mới tìm được đường ra. Lý giải cho việc lấy lòng đường làm không gian tổ chức tiệc cưới, một phụ huynh từng tổ chức tiệc cưới như vậy thanh minh: Ở nông thôn mọi người có sân vườn rộng để tổ chức tiệc cưới. Ở thành phố, những gia đình có điều kiện thì tổ chức ở nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi không có cả 2 thứ ấy nên đành “mượn” lòng đường. Vẫn biết làm vậy gây bất tiện cho người đi đường nhưng đó là ngày vui của gia đình chúng tôi nên mong mọi người thông cảm cho qua. Lý lẽ này được đa số các gia chủ “viện dẫn” cho ngày vui của gia đình họ, bỏ mặc những nguy cơ va quệt giao thông, ách tắc giao thông, tai nạn giao thông... Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp nào bị tử vong do phải vòng tránh đám cưới nhưng những tai nạn nạn nhỏ như va chạm giao thông thì không phải không có. Và mới đây, khi báo chí cả nước liên tục đưa tin vụ tai nạn thương tâm làm chết người ở Thành phố Hồ Chí Minh do lái xe vòng tránh rạp cưới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo những nguy hiểm thực sự của việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để dựng rạp cưới. 
 
Việc dựng rạp đám cưới lấn chiếm vỉa hè lòng đường vừa che khuất tầm nhìn, vừa cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện khi tham gia giao thông, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Nếu đã vi phạm thì việc yêu cầu xử phạt cần phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử phạt những vi phạm trên của lực lượng chức năng hiện nay gần như còn buông lỏng. Nhiều lắm chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, chứ chưa thấy tình trạng xử phạt hành chính hoặc bắt dỡ rạp. “Vì đó là “việc trăm năm” của gia đình họ, rồi dỡ đi thì biết tổ chức ở đâu vì người ta đã lên kế hoạch trước hết rồi”. Một thành viên của lực lượng dân phòng giấu tên cho biết. Chính vì những sự “khó” như vậy nên việc dựng rạp cưới xin cứ dựng, còn việc gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thì vẫn là phải “tính sau”.
 
Để hạn chế, chấn chỉnh tình trạng mất ATGT do dựng rạp cưới, tổ chức các hoạt động như ma chay, liên hoan… thiết nghĩ ngoài việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho nhân dân nói chung; nghiêm túc thực hiện việc xử phạt đối với các trường hợp cố tình lấn chiếm nói riêng… còn cần những giải pháp đồng bộ hơn như: xây dựng những khu sinh hoạt chung cho cộng đồng dân cư để họ có thể “mượn” những sân khấu này tổ chức các hoạt động hiếu, hỉ. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng lấn đường gây mất mỹ quan đô thị và mất trật tự ATGT; từ đó phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra./. 
 
Bài và ảnh: Hoa Quyên


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com