Chuẩn hóa nhân lực công nghệ thông tin

08:11, 23/11/2015
Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử, nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) được xem là một trong những điều kiện cốt lõi. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực CNTT trên toàn tỉnh giống như ở nhiều địa phương khác trong cả nước được đánh giá còn yếu và thiếu. Do vậy việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT đang là yêu cầu cấp bách.
 
Tại huyện Trực Ninh, hiện nay 95% cán bộ công chức cấp huyện, 55% cán bộ, công chức cấp xã đã sử dụng được máy vi tính, tuy nhiên việc khai thác ứng dụng các phần mềm còn nhiều hạn chế. Tại huyện Xuân Trường, không quá 70% số cán bộ công chức có đủ trình độ thực hiện các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn. Tại Mỹ Lộc, hạ tầng và nhân lực CNTT cấp xã rất yếu. Cán bộ, công chức nhiều xã chưa có năng lực ứng dụng CNTT tương xứng với vị trí công tác; thậm chí có người không biết ứng dụng CNTT. Tại Thành phố Nam Định, tỷ lệ cán bộ công chức đã tham gia ứng dụng CNTT trong công việc cao hơn các địa phương khác trên toàn tỉnh nhưng phần lớn năng lực ứng dụng CNTT chưa thành thạo dẫn đến dễ sai, hỏng, thậm chí mất dữ liệu khi ứng dụng các phần mềm công việc... Nhóm công chức mới tuyển dụng trong những năm gần đây cũng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về CNTT ở mức sơ đẳng là biết soạn thảo văn bản và một số kiến thức tin học văn phòng, số công chức có khả năng ứng dụng CNTT chuyên sâu theo lĩnh vực công việc không nhiều. Đặc biệt, nhóm cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển CNTT của tỉnh. Toàn tỉnh mới chỉ có một số đơn vị có cán bộ chuyên trách về CNTT như các sở: TT và TT, KH và CN, TN và MT, còn lại hầu hết cán bộ làm công tác về CNTT đều là kiêm nhiệm; trình độ chuyên môn của số cán bộ này phần lớn là cao đẳng về CNTT, điện tử viễn thông. Nhóm doanh nghiệp tài chính ngân hàng cần sử dụng nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao song nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển được người theo yêu cầu do nguồn để tuyển có trình độ về CNTT nhưng đều thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, thiếu kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ kém… Nguyên nhân là do các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chưa tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nên thờ ơ với việc tuyển dụng, đào tạo, nâng cao trình độ CNTT cho các cán bộ, công chức. Công tác đào tạo lực lượng này từ nhiều năm nay không có chuẩn đầu ra chung, mỗi cơ sở đào tạo theo giáo trình khác nhau; đào tạo chưa theo sát nhu cầu thực tế, giáo trình chưa cập nhật kịp thời với sự thay đổi và phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới; đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành chưa đáp ứng nhu cầu làm việc ngay tại các đơn vị tuyển dụng gây khó khăn cho người sử dụng lao động (thường phải kiểm tra, đào tạo lại…).
 
Đến thời điểm hiện nay, để có thể tham gia phát triển chính quyền điện tử theo mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố đều xác định nhiệm vụ cấp bách bắt buộc phải đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT của tỉnh, nếu không sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu, chậm tiến, không theo kịp tốc độ ứng dụng CNTT của toàn quốc. Vì vậy, song song với đầu tư hạ tầng CNTT, các cấp, ngành, các địa phương đều đặt ra nhiệm vụ trọng tâm phải nâng cao trình độ, bảo đảm nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ, công chức tối thiểu phải có trình độ sử dụng thuần thục hộp thư điện tử (email), các phần mềm điều hành công việc. Vì vậy các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng dụng, phát triển CNTT. Khẩn trương tiến hành khảo sát hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp Nhà nước cấp huyện. Từ đó, nắm rõ hiện trạng ứng dụng các phần mềm CNTT, đặc biệt là trình độ CNTT của cán bộ, công chức ở từng cơ quan, đơn vị; phân tích và đưa ra các dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh. Tập trung xác định và xây dựng khung tiêu chuẩn bắt buộc về ứng dụng CNTT đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức nói chung khi tuyển dụng, điều động và đề bạt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Từ đó, có thể phân nhóm theo năng lực hoặc mức độ năng lực CNTT cần đạt chuẩn để bố trí, sắp xếp, bảo đảm 100% cán bộ, công chức phải được tập huấn ứng dụng CNTT, chú trọng hướng dẫn ứng dụng các phần mềm điều hành công việc. Chủ động tổ chức hội thảo đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, hội thảo việc làm và cơ hội nghề nghiệp giữa các cơ sở đào tạo và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần cung cấp các thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực lĩnh vực CNTT và phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo mới hoặc đào tạo lại. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức CNTT có thể tạo ra những thay đổi đột phá cho chính mình.
 
Các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng cần tập trung thực hiện các khung chương trình đào tạo chuẩn theo nhu cầu thị trường để tránh tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo chuẩn ra nhiều nhưng không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Trong đó, chú trọng bảo đảm các quy định Chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT chuyên nghiệp của Bộ TT và TT ban hành kèm theo Thông tư 11/2015/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 22-6-2015. Chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT bao gồm hệ thống các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng CNTT mà người làm việc trong lĩnh vực CNTT cần đạt để có thể thực hiện một hoặc một nhóm công việc cụ thể. Trong đó, yêu cầu nhân lực CNTT phải đạt: Chuẩn kỹ năng cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch tổng thể, xác định yêu cầu, phân tích, thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu. Chuẩn kỹ năng hệ thống mạng để xác định yêu cầu, thiết kế, xây dựng, thử nghiệm, vận hành, bảo trì, quản lý và tư vấn phát triển hệ thống mạng máy tính. Chuẩn kỹ năng quản lý hệ thống CNTT để lập kế hoạch, quản lý vận hành, quản lý nhân lực, quản lý người sử dụng, quản lý tài nguyên, quản lý lỗi và sự cố, quản lý an toàn thông tin, quản lý hiệu năng, bảo trì, đánh giá hoạt động của hệ thống và hỗ trợ người sử dụng. Chuẩn kỹ năng an toàn thông tin để xây dựng chính sách an toàn thông tin của tổ chức, áp dụng tiêu chuẩn về an toàn thông tin; thiết kế hệ thống, cài đặt, thử nghiệm, quản lý việc vận hành hệ thống an toàn thông tin; phân tích, xem xét chính sách an toàn thông tin. Chuẩn kỹ năng thiết kế và phát triển phần mềm để xác định, phân tích yêu cầu người sử dụng, xác định yêu cầu hệ thống hóa, chuẩn bị phát triển hệ thống, thiết kế tổng thể, thiết kế thành phần, thiết kế chi tiết, lập trình, hỗ trợ cài đặt phần mềm và kiểm thử phần mềm. Các cơ sở đào tạo phải tăng cường gắn kết với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, sớm nắm bắt thông tin về nhu cầu sử dụng (ngắn hạn, dài hạn) nhân lực CNTT theo từng lĩnh vực, ngành nghề và theo tỷ lệ trình độ nhân lực (chuyên gia, chuyên viên, người dùng) để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp./.
 
Thanh Thúy


tong kho sim dep gia re tai khosim.com iphone 16 128Gb cập nhật đăng ký 4g vina theo tháng mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com