Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ xe đạp điện

09:10, 09/10/2015
Vài năm trở lại đây, xe đạp điện đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến, được thanh niên, học sinh, sinh viên và cả người lớn tuổi sử dụng. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý cùng với sự hạn chế về ý thức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người sử dụng xe đạp điện đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn rất dễ xảy ra các tai nạn giao thông.
Nhiều người tham gia giao thông bằng xe đạp điện vẫn không chấp hành quy định về ATGT (Ảnh chụp trên đường Hùng Vương, Thành phố Nam Định).
Nhiều người tham gia giao thông bằng xe đạp điện vẫn không chấp hành quy định về ATGT (Ảnh chụp trên đường Hùng Vương, Thành phố Nam Định).
Xe đạp điện cấu tạo với mô tơ công suất lớn, trọng lượng xe nhẹ, có thể chạy với vận tốc 30-40 km/giờ, người điều khiển xe không cần phải có giấy phép lái xe nên không chỉ thanh niên, học sinh, sinh viên mà nhiều người lớn tuổi cũng lựa chọn làm phương tiện đi lại. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với người tham gia giao thông bằng xe đạp điện nhưng tình trạng không tuân thủ các quy định ATGT vẫn xảy ra. Trên các tuyến phố của Thành phố Nam Định, người dân dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt ẩu... Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trước hết là do chế tài xử lý vi phạm đối với xe đạp điện theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008, Nghị định 171/2013/NĐ-TTg của Chính phủ còn nhẹ, không đủ sức răn đe với người vi phạm. Ví dụ, theo Nghị định 171/2013/NĐ-TTg, người điều khiển xe đạp điện và người ngồi trên xe đạp điện đi trên đường mà không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt mức từ 100-200 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đối với người vi phạm từ 16-18 tuổi phạt không quá 50% của mức phạt đối với người hơn 18 tuổi. Do chế tài xử phạt nhẹ nên nhiều thanh, thiếu niên tái phạm, “nhờn” không chấp hành. Thực tế cho thấy, học sinh điều khiển xe đạp điện không đúng, kỹ năng lái xe không tốt nhưng đi xe tốc độ cao rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Chị Nguyễn Thanh Lương ở đường Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) bức xúc cho biết: “Nhiều học sinh cứ lên xe đạp điện là phóng như bay mà chẳng quan tâm gì đến người đi đường. Cách đây không lâu, tôi chứng kiến trước cửa nhà, 2 học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh xô vào một bác trung tuổi đi xe đạp ngã ra đường. Khi mọi người chạy ra, chúng lên xe phóng đi mất, để bác nằm giữa đường, may mà chỉ ngã xước chân tay”. Tuy nhiên, có không ít tai nạn từ xe đạp điện làm người bị nạn gãy tay, chân, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm từ xe đạp điện. Ngày 31-5-2014, 2 học sinh lớp 11 của Trường THPT Xuân Trường B (Xuân Trường) là N.V.Q và N.T.T ở xã Xuân Tiến sau khi dự sinh nhật đã chở một bạn gái khác ở xã Xuân Trung về nhà bằng xe đạp điện. Sau khi đưa bạn gái về các em vội quay về nhà ở xã Xuân Tiến. Do trời tối, di chuyển bằng xe đạp điện nhanh nên 2 em bị ngã xuống đoạn sông cạnh cầu Đá, xã Xuân Trung và chết đuối. Ngày 14-7-2015, 2 học sinh Trường THPT dân lập Giao Thuỷ (Giao Thuỷ) đi xe đạp và xe đạp điện vừa ra khỏi cổng trường giờ tan học trên địa phận xã Hoành Sơn thì bất ngờ bị chiếc xe tải chạy đến tông thẳng vào làm một em bị tử vong, một em bị thương nặng. Cũng liên quan đến xe đạp điện, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, trên đường đi dự thi môn Vật lý bằng xe đạp điện, em T, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) đã gặp tai nạn nghiêm trọng phải cấp cứu tại bệnh viện… 
 
Để hạn chế thấp nhất những tai nạn xảy ra liên quan đến xe đạp điện, các ngành chức năng, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là học sinh cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định như đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi dàn hàng 3, hàng 4… khi điều khiển xe đạp điện. Các ngành chức năng cần  tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng điều khiển xe đạp điện cho các đối tượng, nhất là học sinh; đặc biệt cần có biện pháp xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông khi điều khiển xe đạp điện. Các nhà trường đầu năm học mới cần phổ biến việc chấp hành các quy định về TTATGT. Tại một số trường trên địa bàn Thành phố Nam Định như THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, các trường THCS: Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh… trong năm học vừa qua đã đưa tiêu chí về ý thức chấp hành của học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện để đánh giá hạnh kiểm đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định về bảo đảm TTATGT của học sinh, được phụ huynh đồng tình, ủng hộ… Qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện./.
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com