Phát triển trang trại chăn nuôi - những vấn đề đặt ra

08:10, 09/10/2015

Trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt số trang trại chăn nuôi sản xuất quy mô lớn ngày càng tăng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc-xin, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi ngày càng được người dân quan tâm ứng dụng. Phát triển trang trại chăn nuôi đã đóng góp tích cực vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều lao động nông thôn và xây dựng NTM. Tuy nhiên để phát triển trang trại chăn nuôi bền vững còn nhiều vấn đề đặt ra.

Để chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã định hướng, khuyến khích phương thức chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư, đối tượng nuôi chủ yếu là lợn thịt, lợn nái sinh sản và gà công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 325 trang trại chăn nuôi cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT và hàng chục trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Trong đó có 61 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, gia trại tập trung ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy; chăn nuôi gia cầm là thế mạnh của các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy… Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản còn tận dụng các khu đất hoang hóa ven sông, các tuyến đê lớn để nuôi trâu, bò. Một số trang trại sản xuất các loại vật nuôi đặc sản như: lợn rừng, gà lai chọi, thỏ, nhím, cá sấu... Về quy mô, trung bình mỗi trang trại nuôi 35-50 lợn nái, 100-500 lợn thịt, 2.000-5.000 con gà. Năm 2014, giá trị sản lượng hàng hóa ước đạt 506,5 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân đạt 266 triệu đồng/trang trại; 1ha đất trang trại chăn nuôi thu lợi nhuận 204 triệu đồng/năm. Tiêu biểu là trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) nuôi 21 nghìn con gà đẻ trứng, doanh thu đạt 10 tỷ đồng/năm, lãi 500-700 triệu đồng/năm. Trang trại của ông Trần Văn Đạt ở xã Tân Khánh (Vụ Bản) nuôi 120 con lợn thịt, 3.000 con gà vịt thịt, kết hợp nuôi cá và trồng lúa chất lượng cao, tổng doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, lãi 300 triệu đồng/năm. Trang trại của anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) nuôi 10 nghìn con gà và 150 con lợn thịt, thu lãi 700-800 triệu đồng/năm… Nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, như công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga và đệm lót sinh học. Cùng với việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, các trang trại đã thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn và quản lý tốt dịch bệnh nên hiệu quả cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Một số trang trại hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn lớn, trình độ công nghệ hiện đại. Có thể nói, các trang trại chăn nuôi của tỉnh đã góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương.

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Đinh Công Uẩn, xã Hải Đông (Hải Hậu).
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Đinh Công Uẩn, xã Hải Đông (Hải Hậu).

Tuy nhiên, phát triển trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Các huyện, thành phố mặc dù đã có quy hoạch vùng kinh tế trang trại tập trung nhưng chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Các trang trại trong khu dân cư chưa được di dời ra vùng quy hoạch. Tính liên kết trong phát triển trang trại chăn nuôi chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ trang trại còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chăn nuôi của nhiều trang trại sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ qua các thương lái nên thường bị ép giá gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Công tác quản lý chất thải trong chăn nuôi ở các trang trại còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt, vệ sinh môi trường và VSATTP chưa bảo đảm đã làm giảm tốc độ phát triển ngành chăn nuôi. Hiện nay các loại dịch nguy hiểm như dịch tai xanh, dịch lở mồm, long móng và dịch cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát khiến người chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư. Công tác quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi chưa được thực hiện; trong số hàng trăm trang trại chăn nuôi toàn tỉnh, mới chỉ có 2 trang trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 2 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, chưa có chính sách đặc thù cho phát triển trang trại. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) cho biết: Đất đai và vốn là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, tuy nhiên đất dành cho chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đất dùng cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2012 theo số liệu thống kê từ quy hoạch NTM của các xã, thị trấn có trên 2.500ha đất quy hoạch dành cho chăn nuôi, nhưng hầu hết các khu vực quy hoạch này chưa được sử dụng. Bên cạnh đó, để đầu tư xây trang trại tối thiểu cần khoảng trên 500 triệu đồng, nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, số hộ được vay không nhiều, thời gian vay ngắn, mỗi hộ thường chỉ vay được từ 30-50 triệu đồng. Do thiếu vốn nên đầu tư ở các trang trại chưa đồng bộ, vì vậy năng suất thấp, giá thành cao, giảm hiệu quả chăn nuôi. Để phát triển trang trại chăn nuôi, các địa phương cần có quy hoạch đất đai, định hướng đất đai vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung. Việc quy hoạch trang trại chăn nuôi cần gắn với đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến. Cần đảm bảo nguồn giống có chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; chuồng trại cần được đầu tư thiết bị tiên tiến. Chú trọng mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ trang trại và đặc biệt cần quan tâm xử lý vệ sinh môi trường.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn song phát triển kinh tế trang trại đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành chăn nuôi tỉnh nhà vì một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường, do vậy rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com