Năm 2015, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh ta đã phát triển mạnh cả về “lượng” và “chất”. Toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất thuốc và hóa dược… Dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã vươn lên khẳng định vị thế hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế như các Cty: CP May Sông Hồng, CP Dệt may Sơn Nam, CP May Nam Hà, CP Chế biến Lâm sản, CP Dược phẩm Nam Hà… 9 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt xấp xỉ 33 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2014; đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu “về đích” vượt mục tiêu kế hoạch cả năm trước 3 tháng, đạt 716,6 triệu USD, tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước… Hiện nay, khi nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước; Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được đàm phán thành công, cuối năm 2015 Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là những tiền đề, cơ hội lớn để đội ngũ doanh nhân Nam Định phát triển và thành công.
Sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu ở Cty CP Lâm sản Nam Định. |
Lợi thế lớn nhất của TPP và các FTA, AEC là từ 90-100% các loại thuế xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên sẽ được cắt giảm bằng 0% theo lộ trình (bao gồm cả các sản phẩm dệt may). Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức không nhỏ. Doanh nghiệp vừa phải cạnh tranh trong nước, vừa phải lo cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, thương hiệu, uy tín và ưu thế về dịch vụ trong khu vực. Phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh ta đều có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong các ngành có giá trị gia tăng thấp; trình độ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Do đó, nhiều doanh nghiệp của tỉnh ta sẽ rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, việc sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ… cũng là một trở ngại khiến cho các doanh nghiệp của tỉnh không được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài. Vậy đội ngũ doanh nhân Nam Định đã, đang và sẽ chuẩn bị như thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để biến thách thức thành cơ hội, hướng tới thành công? Cùng với nỗ lực của tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, nhiều doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cũng đang chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng mỗi đơn vị phải tự rà soát, tính toán, tìm điểm mạnh và yếu để khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới. Để duy trì sản xuất và đạt mức tăng trưởng khả quan, tư duy, triết lý kinh doanh của nhiều doanh nhân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điều dễ nhận thấy nhất là các doanh nhân không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các phương pháp cốt yếu như cải thiện máy móc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà hầu hết các doanh nghiệp có tiềm lực và vị thế trên thị trường đã chủ động áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như: hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000:2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống phân tích các nguy cơ và kiểm soát các điểm trọng yếu trong lĩnh vực nông sản HACCP, quy chế hoàn thành sản xuất tốt trong lĩnh vực dược và thực phẩm GMP... Để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 22,8%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đã đề ra là 19,5%/năm, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp “đầu tư để cạnh tranh”, chú trọng áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến được quốc tế thừa nhận và quan tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu biểu như doanh nhân Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) đã táo bạo, mạnh dạn huy động nguồn lực để áp dụng chiến lược “đầu tư để cạnh tranh” với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy kéo sợi OE công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hòa Xá. Bên cạnh đó, Cty đã chuyển từ phương thức làm hợp đồng gia công sang xuất khẩu trực tiếp, lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển. Năm 2011, nhà máy sợi thứ 3 của Cty đi vào hoạt động với các thiết bị của I-ta-li-a, Đức (thiết bị máy sợi con dài 1.008 cọc có đổ sợi tự động) đã góp phần nâng năng lực sản xuất của Cty lên gần 10 tấn sợi, trên 3.000 tấn khăn các loại mỗi năm… Cùng với đó, Cty cũng chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các phương thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn. Trong đó, 70% khối lượng sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc… Đến nay tổng giá trị tài sản của Cty là 500 tỷ đồng, gấp 100 lần, tổng doanh thu (năm 2014) đạt 675 tỷ đồng, tăng 15 lần… so với thời điểm cổ phần hóa năm 2005, nộp ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc đầu tư xây mới nhà máy tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng để thu hút lao động trẻ, có tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất, toàn bộ các nhà máy của Cty CP May Sông Hồng được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, bộ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA-8000 và WRAP, hệ thống an ninh nhà máy theo tiêu chuẩn của C-TPAT (Mỹ). Cty liên tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống bằng cách thay đổi chất liệu, công nghệ ép bông… tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với xu thế tiêu dùng của khách hàng quốc tế. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng lên 145 triệu USD, trong đó hàng xuất khẩu trực tiếp đạt gần 60%. Sau năm 2015, quy mô nhân lực của Cty sẽ tăng lên hơn 10 nghìn người, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, tổng doanh thu đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng... Nỗ lực không ngừng của các doanh nhân ngành dệt may đã góp phần quan trọng nâng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may của tỉnh đạt gần 500 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 83% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 60 nghìn lao động. Không chỉ các doanh nhân khối ngành dệt may, trước sức ép hội nhập kinh tế toàn diện, để vượt qua thách thức, nhiều doanh nhân thuộc các ngành nghề khác như: cơ khí, sản xuất thuốc và hóa dược… cũng đã chủ động chuẩn bị hành trang để đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp hệ thống sản xuất, kinh doanh đạt các chuẩn GMP-GLP-GSP WHO của Tổ chức Y tế Thế giới và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Nhờ đó trên 200 sản phẩm thuốc tân dược và thuốc đông dược của Cty đều đạt chất lượng cao, không chỉ được phép lưu hành trên toàn quốc mà còn xuất khẩu sang một số nước như Pháp, Mi-an-ma, Nga... Sản phẩm của Cty nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, đoạt Cúp Vàng thương hiệu mạnh… Hiện Cty được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ sản xuất nhiều loại thuốc cho các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: thuốc chống lao, thuốc sốt rét... Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định) với phương châm “coi năng suất, chất lượng sản phẩm là chìa khoá vạn năng để mở cửa thị trường”, đã quan tâm đầu tư các hệ thống thiết bị sản xuất hiện đại theo công nghệ châu Âu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Ngoài ra, Cty còn chủ động đầu tư một trung tâm kiểm định kim loại mang tầm khu vực có nhiều thiết bị hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn ISO 17025 để có thể kiểm tra, bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm thép chịu nhiệt, thép hợp kim, thép chế tạo... của Cty luôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của mọi đối tác. Bình quân mỗi năm Cty sản xuất trên 5.000 tấn sản phẩm, không đủ đáp ứng nhu cầu của các đối tác trong nước và ở các thị trường Mỹ, Tây Âu... Trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được giải thưởng danh giá, khẳng định thương hiệu và vị thế trên thị trường như: “Giải thưởng chất lượng quốc gia” cho 3 Cty: TNHH Nam Dược, CP May Nam Hà, TNHH Cơ khí Đình Mộc; giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung. Ngoài ra còn rất nhiều giải thưởng giá trị khác thuộc hệ thống giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Thành công này khẳng định những nỗ lực và sự tự tin của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đạt các quy chuẩn quốc tế khắt khe đã giúp các doanh nhân Nam Định không ngừng mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài, tạo lập được uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Nam Định đang nỗ lực không ngừng phấn đấu với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của tỉnh ta chạm mốc 1 tỷ USD. Lượng hàng xuất khẩu đạt mức giá trị này đã minh chứng cho sự thành công của các doanh nhân vì sản phẩm của họ đã vượt qua được các rào cản kỹ thuật chặt chẽ, đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Với hành trang là nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng học hỏi, tìm hiểu để nâng cao năng lực toàn diện; quyết đoán, tự tin, mạnh dạn đảm đương với thách thức để nỗ lực vượt lên cộng với những tiềm năng, lợi thế từ cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành… đội ngũ doanh nhân Nam Định đang sẵn sàng đón chào vận hội mới./.
Bài và ảnh: Thành Trung