KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có quy mô giai đoạn I gần 600ha đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước tại Văn bản số 2343 ngày 24-11-2014. UBND tỉnh đã có Quyết định số 2188 giao cho Cty CP Đầu tư Vinatex làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi đầu tư với định hướng xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông thành khu liên hợp dệt may công nghệ cao khép kín từ khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm.
Tiến độ xây dựng dự án
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, nhà đầu tư Vinatex đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương triển khai các bước trong quy trình pháp lý, đồng thời khảo sát, thiết kế trên thực địa nhằm sớm bắt tay vào xây dựng hạ tầng KCN. Về quy hoạch, ngày 26-6-2015 UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông đến năm 2035; đơn vị tư vấn đã hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cho từng nhóm doanh nghiệp. Về mặt bằng, đến nay Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện xong công tác kiểm đếm tài sản của 342 hộ dân tại khu vực Đông Nam Điền, công khai phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để nhân dân tham gia, thống nhất trước khi tổ chức thực hiện. Bắt đầu từ ngày 29-9-2015, huyện Nghĩa Hưng tiến hành kiểm đếm tài sản, đất đai của các Cty: Đại Việt, Tất Thắng, Trung tâm công nghệ vật liệu môi trường và phát triển cộng đồng để báo cáo tỉnh giải quyết theo quy định. Chủ đầu tư đã lựa chọn xong các nhà thầu tư vấn xin cấp phép khai thác nước mặt công suất dưới 50 nghìn m3/ngày đêm phục vụ giai đoạn đầu triển khai xây dựng dự án; tư vấn, khảo sát lập dự án hệ thống tiêu thoát nước KCN; tư vấn xin cấp phép xả thải trình Bộ TN và MT; lập dự án đầu tư xây dựng công trình trạm bơm cấp I phục vụ KCN và Nhà máy nước sạch phục vụ dân cư khu vực có đường ống đi qua. Về cung ứng điện, nhà đầu tư đã xây dựng phương án sử dụng điện phân kỳ để Cty Điện lực Nam Định đáp ứng kịp thời theo từng giai đoạn; trong đó thời gian đầu xây dựng, nguồn điện dự kiến lấy từ đường dây 22kV lộ 471 trạm biến áp 110/35/22kV Nghĩa Lạc với công suất tiêu thụ đạt khoảng 5.000kVA. Ước tính sơ bộ, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng ở KCN khoảng hơn 100 triệu USD bao gồm các phần việc chính như bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp, xây dựng tường rào, nhà máy cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, làm đường giao thông, điện chiếu sáng, và một số hạng mục công trình tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện với thiên nhiên.
Mô hình quy hoạch chi tiết KCN Dệt may Rạng Đông. |
Đồng chí Trần Minh Hoan, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Đây là một trong những dự án trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể, quyết liệt đôn đốc các ngành, các cấp hữu quan cùng nỗ lực cao nhất thực hiện các bước công việc liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, với sự nhiệt tình giúp đỡ của Hiệp hội Dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chủ đầu tư đã tiếp cận được với các nhà đầu tư thứ cấp là những thương hiệu thời trang và là nhà phân phối hàng đầu thế giới như: Gap, Uniqlo, Itochu… để xúc tiến kêu gọi đầu tư. Qua tìm hiểu bước đầu, các nhà đầu tư tiềm năng này đều ủng hộ việc hoàn thành xây dựng KCN này càng sớm càng tốt, trước tiên là nhanh chóng lấp đầy 300ha. Theo kế hoạch tiến độ, khoảng tháng 11-2015, KCN Dệt may Rạng Đông sẽ được khởi công xây dựng; từ năm 2016 chủ đầu tư tiến hành thi công hạ tầng kết hợp với kêu gọi đầu tư; từ năm 2017 các nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từng bước tạo nên một trung tâm công nghiệp dệt may sôi động ở vùng ven biển của tỉnh.
Vấn đề xử lý môi trường
Đồng chí Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Vinatex khẳng định: Rạng Đông là KCN Dệt may khép kín kiểu mẫu sẽ tồn tại từ 50-100 năm nên suốt quá trình xây dựng, vận hành, nhà đầu tư luôn phải chấp hành tốt khung pháp lý của các Luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Bảo vệ môi trường cũng như các quy định của địa phương. Đối tác xây dựng nhà máy và thị trường tiêu thụ sản phẩm của KCN Dệt may Rạng Đông chủ yếu là ở các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Đài Loan, Hồng Kông… nên yêu cầu về bảo vệ môi trường luôn đòi hỏi rất cao, phù hợp với quy định quốc tế và ở mức tiên tiến nhất hiện nay. Mới đây UBND huyện Nghĩa Hưng và Sở NN và PTNT đã nhất trí tạo điều kiện để Cty CP Đầu tư Vinatex lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Bộ NN và PTNT cho phép cắt đê biển để xây dựng cống thoát nước thải, nước mặt KCN bảo đảm tuân thủ nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và khu vực nuôi trồng thuỷ sản Cồn Xanh. Đối với vấn đề nước thải, KCN Dệt may Rạng Đông áp dụng mô hình xử lý tập trung, có nghĩa là các nhà máy sẽ xử lý nước thải của đơn vị sơ bộ bằng hệ thống của mình, sau đó đổ vào hệ thống xử lý của nhà máy xử lý nước thải lớn, công suất 110 nghìn m3/ngày đêm của KCN. Hệ thống ống dẫn từ các nhà máy đến khu vực xử lý tập trung được làm bằng ống gang đúc đặt nổi trên mặt đất chứ không đặt ngầm, bảo đảm minh bạch và kịp thời phát hiện các vị trí thẩm lậu, rò rỉ ra môi trường. Áp dụng giải pháp xử lý môi trường thành công từ KCN Bảo Minh (Vụ Bản) nên các tiêu chuẩn xả thải sẽ đáp ứng yêu cầu của Bộ TN và MT cũng như tiệm cận với thông lệ ở các nước Nhật Bản, Xinh-ga-po, bảo đảm nguồn nước xả thải ra môi trường luôn đạt ở mức A. Về xử lý chất thải rắn, nguồn rác thải của KCN bao gồm chủ yếu là vải vụn, thùng cát tông, vật phẩm sản xuất sợi đều có thể tái chế được. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác công suất từ 20 đến 30 tấn/ngày đêm, xử lý triệt để nguồn rác thải công nghiệp và rác sinh hoạt tại đây.
KCN Dệt may Rạng Đông đang dần hình thành theo thời gian. Không chỉ dừng lại là một KCN thuần túy hoạt động sản xuất, Rạng Đông còn được thiết kế bao gồm cả khu đô thị dịch vụ với nhà ở cho công nhân, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Sau khi đi vào hoạt động, KCN này sẽ sản xuất ra 1 tỷ mét vải/năm cùng 150 triệu sản phẩm may mặc, đạt giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm từ 1,5 đến 2 tỷ USD. Sau khoảng 8 năm, KCN rộng 600ha sẽ được lấp đầy với 500 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 nghìn công nhân. Hiện nay khi nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được đàm phán thành công, cuối năm 2015 Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì việc xây dựng thành công KCN Dệt may Rạng Đông là bước đi đúng, mang tính đột phá đón đầu các cơ hội giao thương quốc tế, mở ra hướng phát triển mới của tỉnh trong tương lai./.
Bài và ảnh: Xuân Thu - Thành Trung