Để ngành công nghiệp đóng tàu Giao Thủy phát triển bền vững

08:10, 23/10/2015

Là một trong 3 huyện ven biển, Giao Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Trong 2 năm qua, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, ngành công nghiệp đóng tàu của huyện Giao Thủy đã bước đầu khôi phục và phát triển cả đóng mới và sửa chữa tàu thuyền vỏ thép và vỏ gỗ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu đặt ở các thị trấn: Ngô Đồng, Quất Lâm và xã Giao Thịnh.

Đóng tàu được huyện Giao Thủy xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm. Từ nhiều năm trước, huyện đã quy hoạch xây dựng CCN tập trung tại Thị trấn Ngô Đồng với tổng diện tích trên 7ha. Khi ngành công nghiệp tàu thủy rơi vào khó khăn, các doanh nghiệp đóng tàu sản xuất cầm chừng được tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực của đơn vị và nhu cầu của thị trường nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Từ năm 2014 đến nay, nhu cầu về gia công, đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tăng cao cùng với các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh và huyện, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đóng mới tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tạo cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp đóng tàu của huyện phục hồi sản xuất. Theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Giao Thủy có 1 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 là Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ (Thị trấn Ngô Đồng). Cty đã ký được 11 hợp đồng đóng mới các loại tàu pha sông biển có tải trọng từ 800-1.500 tấn, tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng, Cty đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để mua 40 máy hàn xoay chiều, 2 máy hàn chuyên dụng và cải tạo hệ thống triền ngang, cẩu… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cty đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận đủ năng lực đóng mới tàu vỏ thép có trọng tải từ 3.000-5.000 tấn. Những tháng đầu năm 2015, Cty đã hoàn thành và bàn giao được 3 tàu 1.500 tấn, 4 tàu 1.000 tấn và sửa chữa 1 tàu 800 tấn. Tháng 8-2015 vừa qua, Cty đã ký được 6 hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép (có chiều dài 27,5m, chiều cao mạn tàu 3,25m; công suất máy thiết kế 829CV/tàu) theo Nghị định 67. Tổng giá trị đầu tư mỗi con tàu là gần 14,3 tỷ đồng.

Đóng tàu cá vỏ gỗ công suất trên 400CV tại Cty CP Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC, Thị trấn Quất Lâm.
Đóng tàu cá vỏ gỗ công suất trên 400CV tại Cty CP Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC, Thị trấn Quất Lâm.

Không chỉ Cty TNHH Trung Bộ, ở CCN Thị trấn Ngô Đồng còn có Cty TNHH Hồng Hà cũng hoạt động trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền thép. Hiện tại, trên bãi rộng 8.000m2 của Cty đang triển khai thi công 5 tàu, trong đó có 2 tàu tải trọng 1.800 tấn, 1 tàu du lịch 300 khách, 2 tàu tải trọng 1.000 tấn. Ngoài ra, Cty đã tập kết đủ vật tư để chuẩn bị triển khai rải cái, đặt ki đóng 2 tàu cá loại 800 tấn. Cty hiện tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 4,5 triệu đồng người/tháng trở lên. Ngoài 2 doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép, huyện Giao Thủy còn có nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống phát triển mạnh ở Thị trấn Quất Lâm và xã Giao Thịnh… Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, nghề đóng tàu cá vỏ gỗ đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu của ngư dân trong huyện, trong tỉnh vươn khơi bám biển khai thác thủy hải sản. Vừa qua huyện Giao Thủy có 4 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu được UBND tỉnh công nhận (Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 27-8-2015) đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và hoán cải tàu cá vỏ gỗ có công suất máy từ 400CV trở lên, bao gồm Cty CP Đóng tàu và thiết bị tàu thủy HTC, Cty CP Đóng tàu và dịch vụ trang thiết bị Thương mại Thủy sản Trường Giang, Cty TNHH Dịch vụ Hải Tiến và cơ sở lâm sản và đóng mới, sửa chữa tàu biển. Anh Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Cty CP Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC (Thị trấn Quất Lâm) cho biết: Cty được thành lập từ năm 2009, chuyên nhận các hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ gỗ cho ngư dân khai thác hải sản với công suất máy tối đa đến 320CV. Để được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện nâng cấp, hoán cải và đóng mới tàu cá vỏ gỗ có công suất máy từ 400-1.000CV, Cty đã đầu tư trên 1 tỷ đồng trang bị thêm xe cẩu, máy cưa vòng và nhiều thiết bị chuyên dụng để phục vụ sản xuất. Năm 2015, ngoài 15 tàu cá công suất máy từ 400-500CV, hiện tại trên sân bãi (liền kề nhánh sông Sò ra cửa Hà Lạn) của Cty đang triển khai thi công 6 tàu cá công suất từ 400CV trở lên cho các chủ tàu ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng… Các tàu cá vỏ gỗ do Cty thi công rộng 4,5m; dài 16,5m; cao 1,9m có thể chịu được sóng cấp 8; khai thác xa bờ từ 25-30 hải lý. Ngoài 6 tàu đang thi công (dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành và bàn giao), Cty đã ký được 5 hợp đồng đóng mới tàu cá với tổng trị giá hợp đồng trên 6,5 tỷ đồng. Cũng là doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu vỏ gỗ công suất máy trên 400CV, trong năm 2015, Cty TNHH Dịch vụ Hải Tiến, xóm 16, xã Giao Thịnh, đã hoàn thành được 15 tàu có công suất máy từ 180-355CV (mỗi tàu nặng từ 20-30 tấn). Trên sân bãi của Cty hiện đang có 5 tàu được đồng loạt thi công, tạo việc làm cho trên 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày.

Công nghiệp đóng tàu của huyện Giao Thủy đang có bước phát triển mạnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN. 9 tháng năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Giao Thủy (giá so sánh năm 2010) ước đạt 560 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đóng tàu của huyện Giao Thủy đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững là: mặt bằng sản xuất hạn chế, thiếu lao động tay nghề cao và chưa tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi. Cty TNHH Đóng tàu Hồng Hà đang thiếu từ 30-40 lao động, sân bãi chỉ đủ diện tích thi công 5 tàu đồng loạt; các doanh nghiệp đóng tàu vỏ gỗ hầu hết chưa được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi… Để ngành công nghiệp đóng tàu phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ từ các ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Đối với các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển sản xuất và thị trường vững chắc ngoài các chương trình ưu đãi của Nhà nước./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com