Chăm sóc người bệnh tâm thần là một trong những công việc vất vả và thường trực nhiều mối nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng tinh thần và trách nhiệm của người làm nghề, những điều dưỡng viên của Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn tận tình chăm sóc, thiết lập mối quan hệ gần gũi với bệnh nhân, góp phần giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh với quy mô 200 giường bệnh, mỗi năm có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh viện có 130 cán bộ, y, bác sĩ, trong đó có 64 điều dưỡng. Để thấu hiểu những áp lực, vất vả của những điều dưỡng, chúng tôi đã đến các buồng bệnh để tìm hiểu “thế giới” riêng biệt của những bệnh nhân tâm thần. Buổi sáng, người bệnh thường hay đi lang thang trong khu vực cách ly, trò chuyện với nhau, với người thân nhưng cũng có người lặng lẽ ngồi góc cầu thang nói bâng quơ một mình. Khi thấy người lạ đến, nhiều bệnh nhân vội xúm lại cố bắt chuyện về những chủ đề xa rời thực tế. Thỉnh thoảng lại có tiếng la hét xen lẫn những lời chửi bới của người bệnh trong cơn kích động. Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần chúng tôi càng cảm phục sự tận tâm, chu đáo, kiên trì của những người làm công tác điều dưỡng. Khoa Điều trị cấp tính hiện có 14 điều dưỡng chăm sóc 42 bệnh nhân nội trú. Anh Đỗ Quốc Dương, Trưởng điều dưỡng Khoa Cấp tính cho biết: Đa số những gia đình có người mắc bệnh tâm thần hoàn cảnh đều rất khó khăn, khi bệnh chuyển nặng mới được thân nhân đưa đến viện. Ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân theo 3 cấp độ. Cấp 1, chăm sóc toàn diện cho những bệnh nhân mất hoàn toàn nhận thức, dễ bị kích động hưng cảm. Cấp 2, khi bệnh nhân cơ bản giảm các triệu chứng ở cấp 1 sẽ được điều dưỡng hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày. Cấp 3, khi người bệnh bắt đầu nhận thức hành vi, điều dưỡng sẽ là người hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các sinh hoạt. Khoa Điều trị cấp tính gồm những bệnh nhân ở cấp độ 1, họ thường chống đối, phủ định bệnh tật, tuyệt thực nên các điều dưỡng khó thuyết phục người bệnh ăn, uống. Bởi vậy, cán bộ điều dưỡng phải dùng biện pháp cưỡng chế cố định người bệnh vào giường để nuôi qua ống xông... Việc cho bệnh nhân ăn đã khó, chuyện tắm cho bệnh nhân là cả quá trình nan giải; đặc biệt khi tiết trời vào đông các điều dưỡng phải phân công nhau người giữ, người dội nước ấm, người lau trong khi bệnh nhân gào thét, vẫy vùng tìm cách chống trả. Anh Dương cho biết thêm: Gần 20 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần nặng đã hình thành trong anh kinh nghiệm phản xạ nhanh lẹ để kịp thời đối phó các tình huống bất ngờ do người bệnh gây ra. Những câu chuyện như: điều dưỡng vừa mở cửa phòng bệnh, bệnh nhân đã chạy trốn hay điều dưỡng bị bệnh nhân tấn công từ phía sau đã trở thành những bài học nằm lòng để anh nhắc nhở những cán bộ điều dưỡng trẻ… Nguy hiểm là thế, nhưng những hành động này không làm cho cán bộ điều dưỡng ghét bỏ bệnh nhân, trái lại họ cảm thấy cảm thông và thương người bệnh nhiều hơn. Điều dưỡng viên Trần Thị Loan, Khoa Điều trị cấp tính, một trong những cán bộ điều dưỡng trẻ tâm sự: Khi mới vào nghề, lúc đầu tôi cảm thấy sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc. Nhưng sau một thời gian ngắn, khi tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh bệnh nhân, tôi và các điều dưỡng trẻ đã dần đồng cảm cùng những người bệnh, vững tin gắn bó với nghề. Khoa Điều trị nữ có 11 cán bộ điều dưỡng, trong đó có 8 điều dưỡng trực tiếp chăm sóc 53 bệnh nhân (trong đó 43 bệnh nhân nội trú). Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng điều dưỡng Khoa Điều trị nữ, cho biết: Khoa Điều trị nữ chủ yếu tập trung các bệnh nhân nữ thuộc nhóm chăm sóc cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý của bệnh nhân nữ thường khó đoán; mặt khác, liệu trình điều trị của mỗi bệnh nhân ít nhất là một tháng nhưng những bệnh nhân nữ thường biểu hiện kích động đa dạng gây khó khăn trong điều trị. Có bệnh nhân khi uống thuốc thấy thuyên giảm sau lại “trốn” thuốc nên dễ bị tái phát. Đối với các bệnh nhân này, người cán bộ điều dưỡng phải kiểm tra người bệnh uống thuốc trước mặt mình. Ngoài ra, người tâm thần thường phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội nên họ khao khát trò chuyện mỗi khi gặp ai đó, dù quen dù lạ; sự cô lập chỉ khiến họ ngày càng chìm sâu vào thế giới của những cơn điên dại. Vì vậy, những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là một trong những nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị của bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa vừa là cách để họ giúp bệnh nhân hợp tác điều trị và nối dần sợi dây liên kết với xã hội. Ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, các điều dưỡng thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh và hoàn cảnh của họ. Nhờ đó, cán bộ điều dưỡng đã thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh. Cũng bởi vậy, nguy cơ của công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần không chỉ nằm ở những vụ bệnh nhân tấn công điều dưỡng mà trong ngành tâm thần có thuật ngữ “chuyển di”, nghĩa là sự “lây” bệnh tâm thần đến người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân. Với đặc thù công việc, ngoài giờ làm việc bình thường, các điều dưỡng còn phải trực chuyên môn ban đêm, trực ngoài giờ, trực ngày lễ, ngày Tết, ngày chủ nhật, ngày mưa dầm giá rét đến những đêm hè nóng nực họ vẫn phải trực 24/24 giờ đảm bảo cho người bệnh luôn được chăm sóc chu đáo. Đặc biệt, với những bệnh nhân có ý định tự sát, đòi hỏi những cán bộ điều dưỡng được phân công phải theo dõi nhất cử nhất động bệnh nhân cả ngày lẫn đêm để xử lý kịp thời các sự cố. Từ thực tế trên, nghề điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần không chỉ vất vả, mà còn phải chịu áp lực từ người thân và định kiến xã hội. Bản thân các điều dưỡng khi quyết định làm việc tại Bệnh viện Tâm thần thường bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ tâm thần bị ảnh hưởng. Nhưng vượt lên tất cả, đội ngũ cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh nói chung và các điều dưỡng nói riêng luôn hoàn thành tốt chuyên môn. Chị Hạnh chia sẻ thêm: “Để gắn bó với nghề, ngoài tình yêu nghề thì yếu tố gia đình là hậu phương vững chắc cho tất cả những cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh yên tâm công tác. Chính nơi đây đã chắp cánh cho tình yêu của nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa nên duyên vợ chồng. Từ sự đồng cảm trong công việc, họ cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, thêm yêu thương, sẻ chia khi trở về mái ấm gia đình”.
Trong hành trình gian lao tìm lại con người thực của các bệnh nhân tâm thần, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã phải đánh đổi bằng máu, bằng những vết sẹo mà bệnh nhân “kỷ niệm” trong những cơn điên dại. Khó khăn, hiểm nguy là thế nhưng niềm vui vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt của mỗi bác sĩ, điều dưỡng khi chứng kiến từng bệnh nhân sớm khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng./.
Viết Dư