Cảnh báo thực phẩm chức năng giả tràn lan trên thị trường

09:10, 02/10/2015
Hiện nay trên thị trường đang tràn ngập các loại thực phẩm chức năng (TPCN) không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không đảm bảo chất lượng, trong đó có không ít sản phẩm giả gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Thực trạng hàng tấn TPCN giả, TPCN kém chất lượng bị phát hiện và bị các lực lượng chức năng bắt giữ thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực sự của sản phẩm này đối với sức khỏe con người, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, phù hợp nhu cầu để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
 
Tại Trung tâm Da liễu tỉnh, các thầy thuốc cho biết, đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp do sử dụng TPCN làm đẹp da nghi giả dẫn đến dị ứng nổi mẩn đỏ khắp cơ thể. Tại phòng tập aerobic T. trên địa bàn Thành phố Nam Định, các chị rỉ tai nhau về một loại TPCN dạng kem được quảng cáo là hàng xách tay “xịn” bôi làm tan mỡ bụng và phải bôi trước khi tập mới hiệu quả. Chị Ngân, một người tập cho biết, sau khi dùng loại kem này, chị có thấy triệu chứng giảm cân, nhưng tiếp đó là cảm giác mệt mỏi, sức khỏe giảm sút và cân nặng lại tăng như cũ. Sau lần đó, chị Ngân không dám dùng loại TPCN đó nữa và chỉ dám tập thể dục kết hợp ăn uống hợp lý với hy vọng giảm cân mà sức khỏe ổn định. Còn bà Trần Thị Hảo, 68 tuổi ở huyện Nghĩa Hưng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng biến chứng do đái tháo đường nặng, đã được các bác sĩ cấp cứu qua cơn nguy kịch. Trước đó, được người quen mách bảo, bà Hảo đã tự ý ngừng thuốc điều trị đái tháo đường định kỳ, chuyển sang uống TPCN mà nghe quảng cáo thì “sau 2 tháng uống sẽ khỏi bệnh”. Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng bỏ thuốc và uống TPCN, lượng đường trong máu, mỡ máu tăng vọt và bà bị rơi vào tình trạng mất tri giác, người cứ xỉu dần. Sau nửa tháng điều trị tích cực, sức khỏe bà đã dần ổn định.
 
Trước diễn biến phức tạp của thị trường TPCN giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tập trung đấu tranh phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là TPCN, mặt hàng có cung, cầu lớn trên thị trường hiện nay. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất TPCN, 32 đại lý cung cấp TPCN của các Cty kinh doanh dược và 586 quầy thuốc, nhà thuốc. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh các ngành chức năng của Sở Y tế như: Chi cục ATVSTP, Phòng Quản lý Dược và Thanh tra Sở đã phối hợp thực hiện việc kiểm kê các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh TPCN; tổ chức tập huấn cho các chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược và TPCN, người tham gia sản xuất TPCN, về các nội dung cơ bản của Luật ATTP, các Nghị định số 39, 91 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và các Thông tư số 15, 16, 19, 26 (năm 2012), Thông tư số 08 (năm 2013) và Thông tư số 43 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở triển khai các quy định của Nhà nước trong vấn đề đảm bảo các điều kiện trong sản xuất và kinh doanh TPCN. Ngoài ra, Chi cục ATVSTP tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đại lý, các quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 24 lượt cơ sở sản xuất TPCN, xử phạt các cơ sở vi phạm với số tiền trên 6 triệu đồng. Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đưa ra các khuyến cáo đối với các nhà thuốc và người tiêu dùng. Đối với các nhà thuốc, cần cảnh báo thuốc giả, TPCN không rõ nguồn gốc tới người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, nên lựa chọn những Cty có thương hiệu đã có sản phẩm tốt được người tiêu dùng đánh giá cao, hoặc tra cứu mã số, mã vạch trên internet… Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể cảm nhận cảm quan về sản phẩm bằng cách xem thiết kế mẫu sản phẩm có chuyên nghiệp không. Trên địa bàn tỉnh, đã có một số nhà thuốc bước đầu cảnh báo thuốc giả, TPCN không rõ nguồn gốc tới người tiêu dùng. Dược sĩ Bùi Mỹ Nhung, người điều hành 2 Nhà thuốc Mỹ Nhung trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: Tại hệ thống Nhà thuốc Mỹ Nhung, TPCN chiếm khoảng 20% số lượng sản phẩm có trong quầy. Các sản phẩm bày bán đều được thẩm định trên giấy tờ và xem trực tiếp sản phẩm, so sánh thông tin công bố trên sản phẩm và thông tin công bố trên hồ sơ. Đặc biệt đối với sản phẩm nhập khẩu, nhà thuốc sẽ tìm kiếm thông tin về sự tồn tại của đơn vị sản xuất và sự đánh giá của người tiêu dùng nước ngoài về sản phẩm… 
 
Không phải ai cũng có đủ khả năng, kinh nghiệm, sự hiểu biết để đánh giá, thẩm định sản phẩm và tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm như những người có chuyên môn. Việc “làm thay” người tiêu dùng khâu thẩm định, đánh giá chất lượng TPCN và trao đổi thông tin hai chiều giữa khách hàng và người bán hàng tại các nhà thuốc là công việc cần được các nhà thuốc nghiên cứu xem xét để thực hiện. Điều này không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp mà còn giúp tăng độ tin tưởng của người dân đối với nhà thuốc. Còn đối với mặt hàng “xách tay”, người tiêu dùng có thể cài phần mềm đọc mã vạch (Barcode Scaner) trên điện thoại để sử dụng giúp hỗ trợ kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm, để có thể mua được sản phẩm TPCN tốt, hàng thật, giá đúng./.
 
Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com