Hiệu quả từ dự án trồng rừng ngập mặn ở Giao Xuân

05:09, 19/09/2015
Dự án “Trồng rừng ngập mặn - giảm nhẹ rủi ro thảm họa” được triển khai tại xã Giao Xuân (Giao Thủy) từ năm 1997 do Hội CTĐ Đan Mạch và Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ. Thông qua hàng trăm ha rừng được trồng, người dân tại khu vực triển khai dự án đã được thụ hưởng những lợi ích mà dự án đem lại.
Cán bộ Hội CTĐ xã Giao Xuân tuyên truyền công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất tới từng hộ dân.
Cán bộ Hội CTĐ xã Giao Xuân tuyên truyền công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất tới từng hộ dân.
Để Dự án được triển khai hiệu quả, Hội CTĐ xã Giao Xuân đã tích cực tuyên truyền đến từng người dân về hiệu quả của rừng; công tác bảo vệ tài nguyên rừng; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, ứng phó khẩn cấp tại cộng đồng cho các học viên tại các thôn, xóm nằm trong vùng ven biển; xây dựng các bảng tin truyền thông trên đê để người dân có thể dễ dàng quan sát nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của rừng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Thông qua công tác tuyên truyền, nhân dân trong vùng được triển khai dự án đã thấy được hiệu quả của việc trồng rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, là lá chắn vững chắc bảo vệ bờ biển, phòng chống thiên tai, hạn chế tác hại của gió bão, xói lở đê biển và mở rộng diện tích đất liền, bảo vệ cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. Rừng còn là nơi sinh sản của nhiều loại sinh vật biển, có vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái và xâm nhập mặn. Từ đó các hoạt động của dự án được tích cực triển khai. Ông Đặng Xuân Dương, Chủ tịch Hội CTĐ xã Giao Xuân cho biết: Do điều kiện về thổ nhưỡng, môi trường, đến nay có 96,67ha/256ha được trồng phát triển tốt, nhiều khu vực đã đạt tới hàng nghìn cây/ha. Từ khi triển khai dự án trồng rừng ngập mặn, sinh vật vùng ngập mặn ngày càng phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài, số lượng cá thể, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn góp phần cùng địa phương trong công tác phòng, chống bão lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nhân dân địa phương thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho cộng đồng… từ đó, giúp tăng thu nhập của những người dân trong vùng thụ hưởng dự án. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Phạm Văn Thực, có 15ha diện tích nuôi ngao nằm trong vùng trồng rừng ngập mặn của xóm Xuân Phong. Từ khi rừng được trồng mở rộng, số lượng ngao nuôi trong gia đình anh ít bị bệnh tật và cũng ít bị các rủi ro do thiên tai. Với điều kiện môi trường thuận lợi, anh tập trung đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương trong mỗi vụ thu hoạch, với mức thu nhập đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Nguyễn Văn Cửu, có diện tích 60ha nuôi ngao, tôm, cá và sản xuất con giống. Chia sẻ về lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn đối với nuôi trồng thủy hải sản, ông Cửu cho biết, rừng đã đem lại nhiều lợi ích trong việc khai thác các nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, đặc biệt là các con giống đã dần được hồi phục, là nơi trú ngụ của các loài thủy sản nên tiềm năng về con giống rất cao. Rừng còn là bãi lọc sinh học làm sạch môi trường nước nên từ khi có lá chắn của rừng bảo vệ, các loại hải sản có môi trường nước trong sạch ít gây nguồn bệnh. Hằng năm, gia đình ông được hưởng lợi ích rất lớn từ công tác trồng rừng ngập mặn của địa phương, doanh thu hằng năm của gia đình đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 75 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Thực tế cho thấy, dự án “Trồng rừng ngập mặn - giảm nhẹ rủi ro thảm họa” ở xã Giao Xuân đã góp phần làm thay đổi hành vi nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với thảm họa, tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng, từ đó người dân chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai khi có bão lũ xảy ra. 
 
Để tiếp tục duy trì tính hiệu quả bền vững của dự án, thời gian tới, Hội CTĐ xã Giao Xuân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư vùng dự án thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng rừng ngập mặn, từ đó tích cực tham gia bảo vệ môi trường rừng. Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ động trồng và bảo vệ rừng, đề xuất các phương án khai thác nguồn lợi từ rừng để lấy rừng nuôi rừng, huy động các nguồn lực để trồng rừng ngập mặn ở diện tích đất còn trống./.
 
Bài và ảnh:  Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com