6 tháng đầu năm, các vụ việc vi phạm gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm... với mức độ vi phạm liên tục bị phát hiện, phanh phui khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng, bất an. Từ việc bơm nước vào bò, lợn trước khi giết mổ để tăng trọng lượng; làm giả thịt bò từ thịt trâu nhập khẩu, rồi hàng tấn thực phẩm chức năng giả, các loại mỹ phẩm giả bị phát giác... Mới đây nhất, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản khẩn gửi các sở y tế thông báo về thời hạn được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam của các loại mỹ phẩm có chứa năm loại paraben (được sử dụng làm chất bảo quản, chất nhũ hóa...) bao gồm isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben đến ngày 30-7-2015, do đây là nhóm chất có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng với các tác hại chính là nguy cơ gây ung thư (vì đã được tìm thấy trong mô ung thư) và có tác dụng giống nội tiết tố nữ, ảnh hưởng lên nội tiết của các bé trai và gây vô sinh nam.
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Paraben là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả thuốc, mỹ phẩm. Methylisothiazolinone là chất tạo bọt. Hai chất này được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm… Liên quan đến vấn đề này, điều tra của các phóng viên cho thấy paraben nguy hiểm như vậy nhưng không bị cấm ngay do theo Hội đồng khoa học châu Âu, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm đó không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép. Thế nhưng một bất cập là Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa chỉ quy định ghi tên thành phần chứ không bắt buộc ghi tỷ lệ các chất trong sản phẩm nên các nhà sản xuất với lý do giữ bí mật công nghệ đã không ghi rõ tỷ lệ các chất trên nhãn sản phẩm. Người tiêu dùng do vậy không biết dựa vào đâu để biết sản phẩm đó có thực sự an toàn hay không. Đối với sản phẩm nhập khẩu nhiều nhà nhập khẩu, phân phối khi dán nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng không in đầy đủ nội dung thành phần sản phẩm hoặc nhãn phụ dán che hết phần nhãn chính khiến người mua cũng không thể đọc được đầy đủ thông tin. Chưa kể nhiều sản phẩm do đóng gói bao bì nhỏ nên thông tin in trên bao bì với cỡ chữ “siêu nhỏ” chỉ có thể đọc được bằng “kính lúp”(?!) Đáng quan tâm hơn nữa là các loại hóa mỹ phẩm “xách tay” tràn lan trên thị trường hiện nay, không có nhãn phụ thì việc kiểm tra thành phần của sản phẩm càng tù mù với người tiêu dùng.
Thị trường hóa mỹ phẩm hợp pháp hiện nay đã vô cùng phong phú với hàng nghìn loại sản phẩm, chưa kể có không ít hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lọt qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trà trộn. Thời hạn chót được lưu hành các mỹ phẩm có chứa 5 loại paraben không còn nhiều, trong khi đó số lượng mỹ phẩm trên thị trường có chứa các chất này hiện vô cùng phổ biến. Để bảo vệ người tiêu dùng các cơ quan chức năng cần khẩn trương tổng kiểm tra và công khai các loại mỹ phẩm được phép lưu hành trên thị trường, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn các sản phẩm bị cấm lưu thông trên thị trường từ thời điểm quy định, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Bổ sung các quy định về ghi nhãn hàng hóa để nhà sản xuất không thể “lách” khi công bố các thành phần có nguy cơ cao với sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng trước mắt cần đặc biệt lưu ý khi đi mua các loại mỹ phẩm cần thận trọng và nói “không” với các hóa mỹ phẩm có chứa paraben, chọn mua các loại mỹ phẩm có thành phần tự nhiên, xây dựng thói quen “tiêu dùng xanh”, thân thiện với môi trường; không mua sản phẩm theo niềm tin vào người bán hàng hay các lời giới thiệu truyền miệng của người quen./.
Vân Anh