Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm vẫn còn bỏ ngỏ

09:07, 31/07/2015

Khoảng vào đầu tuần trước, chị Hoa ở khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) có mua giò lụa ở chợ về ăn thì thấy miếng giò giòn, dai nhưng có vị đăng đắng. Chị nghi ngờ trong giò có hàn the và một loại phụ gia nào đó. Mới đây chị Thùy ở đường Đặng Việt Châu (TP Nam Định) có mua bánh phở, canh măng chế biến sẵn ở một nhà hàng quen biết. Sau khi ăn xong khoảng vài tiếng, đứa con 8 tuổi của chị có biểu hiện mệt mỏi, sốt, tiêu chảy. Chị cho rằng, bánh phở ở cửa hàng chị mua không đảm bảo hoặc quá trình chế biến canh măng chưa đảm bảo ATTP.  

Dạo quanh các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Nam Định, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá đa dạng, từ rau, củ, quả, thịt, đồ khô, hải sản tươi sống… đã chế biến và chưa được chế biến đều được đóng gói sẵn rất tiện dụng. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm là việc quản lý ATTP tại các chợ gần như bị “bỏ ngỏ”. Do vậy nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, quả nhiễm hóa chất vẫn, đầy rẫy ở các chợ, lẫn với thực phẩm sạch. Đó là thực phẩm chứa chất độc hại hoặc sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe như nước mắm có u rê, hải sản tươi được ướp u rê, trứng gà và sữa có chứa melamin, da lợn được tẩy trắng bằng thuốc tẩy, trái cây khô từ Trung Quốc bị nhiễm độc chì, rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Sự bất cập trong công tác quản lý khiến thực phẩm bẩn “rộng đường” có mặt tại mâm cơm của nhiều hộ gia đình… Hiện tại, tình trạng mất ATTP ở các cơ sở sản xuất và việc sử dụng hóa chất, kể cả hóa chất cấm sử dụng mà liều lượng sử dụng vượt quá liều lượng cho phép vẫn đang khá phổ biến. Đơn cử, năm 2014, qua giám sát đã phát hiện bánh phở nhiễm foocmol tại Thành phố Nam Định, đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm, hoàn thiện hồ sơ xử lý cơ sở; hoặc sự cố ATTP do rượu dừa nhãn hiệu Trường Thọ sản xuất tại tỉnh Vĩnh Phúc nhiễm Methanol cao tại huyện Ý Yên; sự cố ATTP tại Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc), 685 cháu uống sữa cô gái Hà Lan, 61 cháu mắc, 23 cháu đi viện; sự cố ATTP đối với sản phẩm ô mai (cơ sở sản xuất tại Hà Nội), được bán tại chợ Văn Miếu nhiễm Cyclamats với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần; nước uống đóng bình nhiễm trực khuẩn mủ xanh; hạt hướng dương Trung Quốc nhiễm bột nhôm; măng khô hàm lượng sulfua dioxide không đạt... Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, trong tổng số 3.465 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, có 17% số cơ sở vi phạm, trong đó tỷ lệ vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chiếm 0,4%. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2015, trong tổng số 3.505 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, có 962 cơ sở vi phạm, chiếm 27,4% so với cơ sở được thanh tra, kiểm tra, chủ yếu là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, vi phạm do sử dụng hàn the, sản phẩm hết hạn, phụ gia không rõ nguồn gốc…

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các sản phẩm rượu tại một nhà hàng ở huyện Hải Hậu.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các sản phẩm rượu tại một nhà hàng ở huyện Hải Hậu.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm đảm bảo ATTP cho người dân. Công tác tập huấn, truyền thông về ATTP luôn được đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên trên cả 3 cấp tỉnh, huyện (thành phố), xã (phường, thị trấn) nhất là trong các đợt cao điểm đã xử lý nhiều vụ về ATTP. Đặc biệt, mới đây Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương ra đời đã hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATTP. Theo đó, ngành Y tế quản lý các sản phẩm, nhóm sản phẩm như: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, các vi chất bổ sung vào thực phẩm và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm) và các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của ngành Công thương và ngành NN và PTNT. Ngành NN và PTNT quản lý các sản phẩm, nhóm sản phẩm như ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gien, muối, gia vị, đường, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều và các nông sản thực phẩm khác. Ngành Công thương quản lý các sản phẩm, nhóm sản phẩm như bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo. Việc phân công quản lý Nhà nước về ATTP giữa ngành Y tế, ngành NN và PTNT, ngành Công thương cũng như vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đã và đang được giải quyết, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP do từng ngành quản lý, giúp các cơ quan chức năng chủ động hơn trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc quản lý vẫn đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như một số lĩnh vực cơ quan quản lý vẫn bỏ ngỏ hoặc chưa “với tay” tới, như các cửa hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè, hàng rong, các cơ sở cung ứng thức ăn sẵn… Việc quy hoạch các vùng trồng trọt, các trang trại chăn nuôi tập trung, khu giết mổ an toàn, chợ an toàn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được; một số vùng nuôi trồng thủy sản đã thực hiện được việc sản xuất thực phẩm sạch nhưng chủ yếu để phục vụ xuất khẩu, còn phần lớn mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh là mô hình sản xuất quy mô nhỏ, “mạnh ai nấy làm” nên rất khó để tập hợp, thực hành quy định về quản lý chất lượng, từ đó không có khả năng cung ứng ổn định một số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và ATTP. Bên cạnh đó, việc đầu tư các mô hình sản xuất sạch làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế, mặt bằng, chi phí và thu nhập của người dân, mà phần lớn người dân kinh tế còn nhiều khó khăn. Người sản xuất thì đang dần từ bỏ các mô hình sản xuất sạch vì họ phải đầu tư nhiều nhưng lợi ích kinh tế lại không đáng bao nhiêu so với lượng vốn mà họ đầu tư. Xuất phát từ đó, sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp lỏng lẻo, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa được chặt chẽ. Đối với hàng hóa vi phạm liên quan đến chất lượng phải yêu cầu giám định mẫu lại gặp nhiều khó khăn do cơ sở phục vụ việc xét nghiệm mẫu ở tỉnh còn hạn chế; việc gửi mẫu đi Trung ương thời gian kéo dài ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt vi phạm.

Để giải quyết những tồn tại trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương để tăng cường quản lý kiểm soát; tăng cường truyền thông để người sản xuất, chế biến, kinh doanh có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng và người tiêu dùng có ý thức chọn lựa, sử dụng thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com