Tỉnh ta vừa xây dựng một bến xe khách theo hướng xã hội hóa tại xã Nghĩa An (Nam Trực) và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 25-7-2015. Bến xe khách phía Nam này được khởi công xây dựng từ tháng 9-2014, với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng tại địa điểm gần vị trí giao nhau của tuyến tỉnh lộ 490C (trục lưu thông chính của các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng) và đường Lê Đức Thọ (một trong những trục lưu thông chính của Thành phố Nam Định và huyện Nam Trực). Với tổng diện tích hơn 10 nghìn m2, bến xe khách phía Nam chỉ đạt quy mô bến loại III nhưng trên thực tế hạ tầng cơ sở của bến được đầu tư cơ bản đạt chuẩn quy mô bến loại I. Trong đó, bến được bố trí gần 2.000m2 diện tích hành lang đường bộ; gần 8.000m2 dành để xây dựng khuôn viên bến xe với đầy đủ các hạng mục công trình: khu vực đón trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh. Cảm nhận đầu tiên khi đến với bến xe khách phía Nam mới là việc chủ đầu tư đặc biệt chú trọng bảo đảm tối đa các tiện ích dành cho hành khách và tiện ích dành cho các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ vận tải trong bến. Các khu vực xe đón khách, khu vực phòng chờ và khu vực bán vé được bố trí liền kề nhau, bảo đảm thuận tiện cho hành khách đi xe. Trong đó, phòng chờ cho hành khách có ghế ngồi; có lối đi liên thông với khu vực bán vé và khu vực xe đón, trả khách; có hệ thống đèn chiếu sáng và biển chỉ dẫn cho hành khách ra khu vực xe đón khách. Khu vực bán vé được bố trí ở vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho hành khách đến mua vé và ra vị trí xe đón khách. Tại khu vực phòng chờ và khu vực bán vé còn có hệ thống cung cấp thông tin giúp hành khách nắm bắt thông tin của từng tuyến gồm: biển kiểm soát vé, đơn vị vận tải, hành trình, biểu đồ chạy xe, giá vé, chất lượng dịch vụ vận tải, thông tin về hành lý thất lạc… Khu vực xe đón khách có lắp đặt biển hiệu chỉ dẫn giúp hành khách đi xe dễ dàng nhận biết đúng vị trí xe chờ đón khách. Khu vực trả khách được bố trí riêng biệt với khu vực đón khách, thuận tiện cho hành khách đến phòng chờ hoặc đi ra khỏi khu vực bến xe khách. Thiết kế hướng đỗ xe của bến hợp lý, phù hợp với quy mô diện tích và không gian, bảo đảm diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách là 40m2, có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe theo quy chuẩn Bộ Xây dựng quy định. Để đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ tiện ích của hành khách và nhà xe, bến xe còn có khu vực dịch vụ thương mại; phòng y tế, phòng nghỉ cho lái xe, văn phòng dành cho các đơn vị vận tải, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; trạm cấp nhiên liệu liền kề. Riêng khu vệ sinh được bố trí ở vị trí hợp lý, không ảnh hưởng đến môi trường của các khu vực khác trong bến, đồng thời còn bố trí tiện ích cho người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng. Sử dụng dịch vụ tại bến, nhà xe và hành khách còn được cung cấp miễn phí dịch vụ rửa xe và nước uống tinh khiết.
Bến xe khách phía Nam được đầu tư theo hướng xã hội hóa, với tổng vốn 25 tỷ đồng tại xã Nghĩa An (Nam Trực). |
Theo chị Đinh Thị Hường, Giám đốc Cty CP Trường Duy, chủ đầu tư bến xe cho biết: với mục tiêu lấy hành khách làm trung tâm nên song song với việc khai trương bến, Cty đã đưa vào hơn 70 xe khách giường nằm chất lượng cao chạy trên 36 tuyến cố định trong và ngoài tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Cty còn đầu tư đưa thương hiệu “Taxi vàng” với 31 đầu xe vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương cũng như nhu cầu của hành khách khi đến và rời khỏi bến. Các phương tiện của thương hiệu “Taxi vàng” thuộc dòng xe hơi mới, nhập khẩu; trang thiết bị trên xe cũng được đầu tư đồng bộ, hệ thống đồng hồ tính cước chính xác, niêm yết công khai giá… Cty chú trọng đào tạo đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, phục vụ khách hành chu đáo, lịch sự, nhanh chóng và an toàn. Bên cạnh đó, ngay khi đang đầu tư xây dựng hạ tầng, Cty đã chủ động tuyển và sắp xếp để đội ngũ nhân viên phục vụ trong bến đáp ứng các yêu cầu, trình độ, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất. Để tạo ra thế mạnh phục vụ bằng chất lượng dịch vụ, Cty sẽ thu hút các nhà xe vào sử dụng dịch vụ của bến bằng các biện pháp: nghiêm túc tổ chức các dịch vụ phục vụ phương tiện, hành khách ra, vào bến thuận tiện, an toàn; đảm bảo trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong bến xe; thu giá dịch vụ phục vụ xe ra, vào bến theo đúng quy định. Nhằm không ngừng nâng cao dịch vụ, đưa bến xe hoạt động tốt theo hướng đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu hành khách, sau khi bến xe đi vào hoạt động, Cty tiếp tục huy động, bố trí nguồn vốn để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và áp dụng kỹ thuật công nghệ để vận hành hoạt động bến, giúp hành khách được phục vụ thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự.
Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT: Việc đầu tư và đưa vào hoạt động bến xe khách mới theo hướng xã hội hóa tiếp tục tạo tín hiệu vui trong lộ trình thực hiện xã hội hóa và chuyển đổi mô hình quản lý bến xe trên địa bàn tỉnh. Ở thời điểm hiện tại, bến xe khách phía Nam là bến xe khách xã hội hóa được đánh giá là hiện đại bậc nhất so với các tỉnh lân cận. Bến được xây dựng theo định hướng quy hoạch của tỉnh, nhằm giải quyết vấn đề cấp bách đã tồn tại của bến xe phía Nam cũ đã bị ngừng hoạt động do quy mô nhỏ, nằm sát khu dân cư gây ách tắc, không đảm bảo toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị; đồng thời khắc phục tình trạng trong nhiều năm huyện Nam Trực chưa có bến xe. Bến xe khách phía Nam mới đi vào hoạt động sẽ góp phần siết chặt hơn công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ vận tải, bảo đảm ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, đưa hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh vào nền nếp. Do đầu tư theo mô hình xã hội hóa, nên bến xe khách phía Nam đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mọi mặt theo quy định của pháp luật nhằm tạo thị trường dịch vụ vận tải cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, được miễn thuế đất trong vòng 15 năm trên phần diện tích của các hạng mục bắt buộc xây dựng bến. Về luồng tuyến, bến xe khách phía Nam sẽ đón 2 luồng khách, 1 luồng khách bổ sung từ bến xe phía Nam cũ và 1 luồng khách từ địa phận huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng. Để tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tích cực đầu tư bến xe theo mô hình xã hội hóa, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách trên toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân và các doanh nghiệp vận tải nghiêm túc chấp hành các quy định về luồng tuyến vận tải, bảo đảm trật tự ATGT, sử dụng dịch vụ theo hướng văn minh lịch sự, góp phần xóa bỏ hoàn toàn nạn xe khách vòng vèo, đón trả khách không đúng địa điểm quy định./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý