Em yêu trường em

03:07, 03/07/2015

Giữa mênh mông đồng ruộng, nằm khuất nẻo, cách biệt khá xa với làng xóm, lớp học nhỏ của 11 học sinh khiếm thị thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề (Hội Người mù tỉnh) luôn rộn rã tiếng cười nói, giọng đánh vần ê a. Đến đây, người ta có thể cảm thấy một thứ ánh sáng rất lạ, mạnh mẽ không kém ánh sáng mặt trời là tình yêu ấm áp, những khát vọng hồn nhiên của ấu thơ trong trẻo…

Em có một ước mơ

Được tài trợ bởi Hội Vì tâm và một ánh nhìn khác của Cộng hòa Pháp, Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề đã mở lớp học văn hóa cho các em học sinh nằm ở các độ tuổi từ 9-15 tuổi đến từ nhiều huyện, thành phố trong tỉnh. Đa số các em thuộc những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thậm chí phải gánh chịu sự bất hạnh của số phận nghiệt ngã, trong đó có trường hợp 2 chị em ruột đều bị mù như Nguyễn Thị Mai, 11 tuổi, Nguyễn Thị Duyên, 13 tuổi, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Nhớ lại những ngày đầu nhận lớp, cô giáo Trần Thị Thanh Vân kể: “Giống như những tâm hồn bị tổn thương, các em hầu hết đều vô cùng nhút nhát, run sợ khi có người đến hỏi thăm. Thậm chí, có những em cả tuần không dám ra khỏi giường. Cách để các em giao tiếp với thế giới bên ngoài là khóc hoặc co rúm người lại. Nhìn thấy những đứa trẻ như vậy, từ trong thẳm sâu tâm hồn người đã làm cha làm mẹ, làm thầy làm cô như chúng tôi thương cảm vô cùng”. Nhưng đó là câu chuyện của một vài năm trước. Lớp học nhỏ giờ đây đã khác rất nhiều. Khi có người lạ đến, một vài học sinh vẫn còn chút sợ hãi, lo lắng nhưng được động viên, em Trung có thể phát biểu rành rọt những suy nghĩ, cảm nhận của mình về thời gian được học cùng lớp với nhau, về những cô giáo mà các em yêu quý. Và những Mai, Lệ đã mạnh dạn hát, đọc 1 bài thơ nho nhỏ tặng mọi người. Bàn tay còn run run nhưng các học sinh bé bỏng đã dám chia sẻ về những ước mơ, khát vọng cho tương lai của mình. Nguyễn Mạnh Quyết, 12 tuổi được cô giáo và bạn bè trong lớp “miêu tả”… như 1 thần đồng. Bởi Quyết có thể đọc nhoay nhoáy nội dung trong những quyển sách truyện, nhớ như in các triều đại lịch sử, tính nhẩm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia một cách thần tốc… Lực học của Quyết, theo các cô giáo có thể tương đương 1 học sinh lớp 5 bình thường, đặc biệt khả năng tính nhẩm của Quyết tốt hơn nhiều so với các học sinh cùng độ tuổi. Sinh ra, Quyết bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng không hiểu sao càng lớn lên, thị lực của em càng giảm. Đến nay, Quyết đã mổ mắt 7, 8 lần nhưng may mắn không mỉm cười với Quyết và gia đình, mắt Quyết càng ngày càng mờ đi. Quyết ngập ngừng: em có một ước mơ được học lên nữa, được học, sử dụng thông thạo một loại nhạc cụ nào đó để trở thành… nghệ sĩ đường phố. Em muốn biểu diễn, muốn kiếm được tiền để nuôi sống gia đình… Em muốn được đàn, được hát để “nói hộ” những điều trong lòng mình đang nghĩ. Khác với ước mơ của Quyết, nhiều học sinh thơ dại khác thì mong muốn được học vi tính, được học tẩm quất, được học nghề mộc… miễn là có thể làm ra các sản phẩm, nuôi sống bản thân và thậm chí để “lo” cho gia đình riêng sau này. Cô Vân “nói nhỏ” với chúng tôi, đã có nhiều “học sinh thành đôi” từ nơi đây. Tình yêu của các em không khác gì người bình thường. Và mong ước được xây dựng tổ ấm của các em cũng mãnh liệt như những người khác. Bắt đầu từ việc học nghề ổn định tương lai.

Có thời gian 4 năm gắn bó với các học sinh trong lớp học văn hóa, cô giáo Mai Thị Lan, Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề (Hội Người mù tỉnh) luôn tận tình với công tác giảng dạy.
Có thời gian 4 năm gắn bó với các học sinh trong lớp học văn hóa, cô giáo Mai Thị Lan, Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề (Hội Người mù tỉnh) luôn tận tình với công tác giảng dạy.

Cô giáo mù và lớp học không dùng bảng

Chịu trách nhiệm giảng dạy chính của lớp học văn hóa tại Trung tâm là cô Mai Thị Lan, 57 tuổi. Cô Lan nguyên là cán bộ Hội Người mù tỉnh. Cô Lan nguyên quán ở Trực Chính, Trực Ninh. Hoàn cảnh gia đình cô giáo Lan cũng khá đặc biệt, cô có 1 người anh trai cũng bị mù, hiện cô sống một mình. Bẩm sinh, cô vẫn nhìn thấy ánh sáng. Cô Lan kể về khoảng thời gian tuyệt vời trước đó: “tôi nhìn được mọi vật xung quanh, mặt trời màu đỏ ấm áp, rừng cây màu xanh, biển cũng màu xanh, đất thì màu nâu. Hồi đó, tôi còn là 1 giáo viên mầm non, công việc là dạy và dỗ trẻ em. Thế giới khi đó rất vui nhộn. Thế giới dần biến đổi sắc màu theo thị lực của tôi. Rồi tôi không nhìn được nữa”... Không nhìn được không có nghĩa là thế giới kết thúc. 4 năm trước, cô nhận lời làm giáo viên cho Trung tâm, kèm cặp những học sinh có cùng cảnh ngộ như mình. Giờ giảng, cô Lan không cần dùng bảng, chủ yếu dạy qua truyền khẩu. Cô và trò cùng nắm tay nhau đọc sách, nhận biết các con số, cùng nhau di chuyển trong lớp học... Lúc căng thẳng, cô bắt nhịp cho trò hát những bài hát quen thuộc, yêu thích. “Vì chúng tôi có cùng hoàn cảnh như nhau nên việc “tiếp cận” với nhau rất dễ. Tôi đặt mình vào vị trí của các cháu để hiểu, thông cảm những khó khăn mà học sinh của mình gặp phải. Từ đó, tìm ra các cách giảng dạy, tâm tình, chia sẻ phù hợp. Quan trọng hơn, chúng tôi dựa vào nhau để khích lệ, tìm thấy tình yêu thương thật lòng. Đối với tôi, cuộc đời của các em còn lâu dài, còn nhiều ước mơ phải thực hiện. Cho đến ngày đó, tôi sẽ cố gắng đồng hành cùng những học sinh thương yêu, hướng dẫn các em”, cô Lan chia sẻ về công việc trên lớp. Nhưng có nhiều khi cô cũng nản. Đó là những lúc giảng bài cho Lệ, cho Mai đang theo học chương trình lớp 3 mà nhận thức như của học sinh… mẫu giáo. Đó là khi học sinh đang học bỗng phải nghỉ cả tuần đến nửa tháng để đi khám, chữa bệnh. Đó còn là khi lớp học của cô chỉ được học, gặp nhau trong 8 tháng/năm vì thiếu kinh phí duy trì.

Gắn bó cùng lớp học của cô Lan còn có cô Vân, giáo viên do Sở GD và ĐT cử xuống hỗ trợ dạy thêm kiến thức cho các em học sinh. Tính ra, cô Vân có thời gian gắn bó với lớp học văn hóa của Trung tâm lâu hơn cô Lan những 10 năm. Tận tụy hằng ngày, vất vả với những học sinh đặc biệt song các cô chỉ được nhận phụ cấp 1,1 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này giữa thời buổi “thóc cao gạo kém” chẳng đáng là bao. “Duy trì hoạt động của lớp đối với chúng tôi hiện nay rất khó khăn. Vì nguồn tài trợ hạn chế nên lớp học chỉ học được 8 tháng. Thời gian còn lại chúng tôi phải cho các em… nghỉ hè lâu hơn các trường khác. “Cân đong đo đếm” nguồn tài trợ sao cho đủ để có thể vừa lo học vừa lo ăn cho các em đã là quá khó, việc quan tâm đến đời sống của các thầy, cô giáo càng khó khăn hơn nữa. Giải quyết tình thế này nằm ngoài khả năng của chúng tôi”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

“… Nghe tiếng chim ca trên cành cây cao, kìa lá cờ sao trong nắng thu vàng, yêu sao yêu thế, trường của chúng em”… lớp học nhỏ kết thúc buổi học khi nắng chiều vừa tắt. Các em rủ nhau xuống sân trường đi đá bóng, chơi trò chơi. Là trẻ thơ ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy, vẫn vui với những trò chơi con trẻ sôi nổi, hấp dẫn. Vượt qua những bất hạnh của số phận, 11 học sinh nhỏ hằng ngày vẫn miệt mài đến trường, dù có thể vài em mất khoảng 2, 3 năm mới hoàn thành xong chương trình học của 1 năm học. Và, trong những khoảng thời gian dài dặc đó, may mắn thay vẫn có những thầy, cô giáo, có ngôi nhà chung cho các em được học hành, vui chơi, tìm thấy tình yêu thương ngoài gia đình, bố mẹ. Cuộc đời, do đó cũng nhân văn và mở rộng hơn, đền bù lại thứ ánh sáng các em không bao giờ thấy được./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com