Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

08:07, 07/07/2015

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông sản hàng hóa, các địa phương đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trình diễn máy cấy tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường).
Trình diễn máy cấy tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

Huyện Xuân Trường là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, xã Xuân Kiên là xã đi đầu trong việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp đường giao thông nội đồng, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn liền bờ, liền thửa, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Đồng chí Đinh Văn Tâm, Chủ nhiệm HTXDVNN Xuân Kiên cho biết: trong thời gian qua, xã tập trung chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm mức độ nặng nhọc cho người dân ở cả 3 khâu: làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của xã đạt 100% diện tích. Phương thức gieo sạ với ưu thế giảm công lao động, lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, năng suất tăng 10-15%... so với phương thức cấy truyền thống đã được các hộ nông dân mở rộng trên 90% diện tích. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, dưới sự điều hành của HTX ở mỗi vụ thu hoạch, các máy gặt đập liên hợp trên địa bàn xã được phân diện tích theo từng xóm, tổ chức gặt đồng loạt nên tỷ lệ diện tích gặt máy của xã đã đạt trên 95%. Trong vụ xuân 2014, xã đã triển khai mô hình máy trình diễn cấy với quy mô 3ha lúa để đánh giá trên điều kiện đồng ruộng địa phương. Ngoài Xuân Trường, thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng các thiết bị cơ giới vào sản xuất. Thông qua Chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển một số ngành nghề nông thôn của UBND tỉnh, nhiều hộ nông dân đã đầu tư mua máy làm đất; đặc biệt việc đầu tư mua máy gặt đập liên hợp nâng cao năng lực khâu thu hoạch cho thấy hiệu quả rõ rệt như: giảm tổn thất khâu thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch; giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công… Trên thực tế, nếu như trước đây, để thu hoạch 1 sào lúa phải mất một buổi sáng với 3-4 người gặt; còn khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, thu hoạch diện tích lúa này chỉ mất khoảng 10-15 phút nên chi phí giảm đi rất nhiều. Việc gặt tay và đưa lúa về tuốt mất khoảng 300-400 nghìn đồng/sào, nay sử dụng máy chỉ tốn 120-150 nghìn đồng/sào nên hiệu quả sản xuất tăng cao hơn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung dồn điền, đổi thửa; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng… để đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Theo thống kê của ngành NN và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có gần 7.000 máy làm đất, trên 4.200 máy tuốt lúa, đảm bảo cơ giới hóa khâu làm đất và tuốt lúa đạt 100%; khâu gieo sạ đạt tỷ lệ 26%; trên 400 máy gặt đảm bảo cơ giới hóa khâu thu hoạch cho khoảng 20 nghìn ha lúa. Từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã có máy hỗ trợ con người, công việc lao động thủ công nặng nhọc bằng tay chân nay được thay thế bằng sức làm của máy móc đã góp phần nâng cao năng suất, nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động và hiệu quả công việc. Trong khâu phơi sấy, sơ chế, bảo quản, các địa phương đã quy hoạch, xây dựng và hiện đại hóa hệ thống các nhà máy sấy lúa, xay xát, chế biến lúa gạo và đến nay trên địa bàn tỉnh có 3.692 chiếc cỡ vừa và nhỏ; có gần 100 lò, máy sấy tập trung ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Đối với các loại thiết bị, máy móc sơ chế nông sản chủ yếu áp dụng tại các cơ sở thu gom cà chua và dưa chuột bao tử ở vùng nguyên liệu trong tỉnh đã góp phần giảm tổn thất rất lớn, nhất là các loại rau, củ, quả tươi. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.

Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng các điều kiện cần thiết cho phát triển cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất; các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành; nông dân thiếu vốn, tính hợp tác chưa cao. Bên cạnh đó, máy móc nhập từ nước ngoài thường đắt tiền, chưa phù hợp với quy mô sản xuất manh mún và khả năng tài chính của nông dân. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp cũng là một trong những trở ngại khi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp… Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền đào tạo huấn luyện, tổ chức cho bà con nông dân tham quan học tập mô hình cơ giới hóa tiêu biểu. Tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, hoàn thành các vùng sản xuất trồng lúa chuyên canh tập trung. Củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các HTXDVNN là nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com