Thâm nhập thực tế - Chuyện bây giờ mới kể

10:06, 19/06/2015

Tôi yêu nghề báo khi còn là học sinh cấp 2. Hồi đó, tôi thường cộng tác với Báo Thiếu Niên, Nhi Đồng và cũng đã được đăng một số mẩu chuyện nhỏ về ngôi trường của mình. Người đã truyền ngọn lửa đam mê đó cho tôi chính là cha tôi - một nhà báo đã có bề dầy kinh nghiệm trong nghề. Ông được đi nhiều nơi, hiểu biết rộng và tôi luôn mơ ước một ngày nào đó, mình sẽ trở thành nhà báo để được đi, được khám phá, trải nghiệm cuộc sống và mở rộng tầm mắt.

Tốt nghiệp Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền), tôi được về nhận công tác ở Báo Nam Định. Những ngày đầu về công tác, tôi nghĩ, nghề báo chỉ đơn giản là được đi nhiều rồi viết những gì tai nghe mắt thấy, những gì mình cảm nhận được từ thực tế và áp dụng những kiến thức ở nhà trường vào việc tác nghiệp. Nhưng, sau một thời gian trải nghiệm với nghề, tôi nhận ra rằng, nghề báo không dễ dàng, hào nhoáng như những gì tưởng tượng trước đây. Những kiến thức được học trong trường chỉ để làm hành trang mà thực tế thì khác xa những gì chúng tôi được học. Để có được một tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng thực tế và tạo được dư luận xã hội tốt đến với độc giả đòi hỏi người phóng viên không chỉ năng động, tích cực đi cơ sở mà còn phải quan sát thực tế tốt, có sự tổng hợp vấn đề và quan trọng nhất là phải có “kiến thức nền” về vấn đề mình định viết. Từ đó nghiên cứu, phân tích, chắt lọc để phản ánh đúng cuộc sống. Ngược lại, người làm báo không tự trau dồi kiến thức và có niềm đam mê thực sự thì sẽ không thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nghề nghiệp. Là một phóng viên trẻ, sự lạ lẫm và bỡ ngỡ là những gì tôi gặp phải ngay trong ngày đầu đi thực tế, song nhờ có sự tận tình chỉ bảo của các anh, chị đồng nghiệp đi trước, cộng với niềm đam mê sẵn có đã tiếp cho tôi thêm động lực, sự tự tin để hướng tới thành công. Qua những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật, cùng ăn, cùng ở với những người nông dân “chân lấm tay bùn”, được “va vấp” trong công việc đã trang bị cho tôi những kiến thức mới mẻ trong cuộc sống, giúp tôi dần trưởng thành.

Du khách tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 - Thành phố Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 - Thành phố Điện Biên Phủ.

Hơn 10 năm trong nghề với rất nhiều kỷ niệm song tôi nhớ nhất vào đầu năm 2004, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ viết bài về việc đúc “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2004). Đây có lẽ là lần đầu tiên và chắc có lẽ cũng là lần duy nhất đến nay, tôi phải đổi “danh tính” để tiếp cận với cơ sở. Khi đó, đồng chí Tổng Biên tập đã trực tiếp gọi để giao nhiệm vụ bởi tôi đã có thời gian sinh sống ở Điện Biên. Hơn nữa, tôi có thể tiếp cận thông tin về việc đúc “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ” cũng bởi có mối quan hệ với các đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ. Nhận nhiệm vụ, tôi tìm về xã Yên Tiến (Ý Yên), nơi đơn vị thi công việc đúc Tượng đài. Trước khi dẫn tôi vào Cty, đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Yên Tiến (nay là Bí thư Đảng ủy xã Yên Tiến) nói rằng, rất khó để tiếp cận nơi thi công vì trước đó đã có một số đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Việt Nam, các báo Trung ương về tận nơi nhưng không vào được vì Giám đốc Cty đi vắng. Còn đội ngũ cán bộ quản lý hay công nhân của Cty thì không được phép tiếp khách với yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tôi quả quyết với đồng chí Chủ tịch rằng, anh cứ dẫn em vào, vì mình viết bài ca ngợi về niềm tự hào, vinh dự khi chính những người thợ đúc đồng quê hương Nam Định được lựa chọn đúc Tượng đài nên chắc dễ tiếp cận hơn. Đúng như lời đồng chí Chủ tịch UBND xã, khi đến nơi, chúng tôi vẫn không tiếp cận được vì “giám đốc vẫn đi vắng”. Không tiếp cận được thì không thể có tư liệu viết bài, chụp ảnh, tôi đành ra về tay không. Về cơ quan, tôi cứ suy nghĩ mãi để làm sao tiếp cận được cơ sở hoàn thành được nhiệm vụ Ban Biên tập đã giao. Đêm đó, tôi liên hệ với đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ để nắm bắt thêm thông tin, qua đó được biết Chủ đầu tư dự án là Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lai Châu (nay là Sở VH, TT và DL Điện Biên), biết thêm sơ bộ về khối lượng của Tượng đài là rất lớn (trên 250 tấn đồng nguyên chất), thời gian thi công, phương án vận chuyển… Sáng hôm sau, tôi quyết định quay trở lại cùng với một đồng nghiệp và trực tiếp vào tận nhà đồng chí giám đốc ngay cạnh Quốc lộ 10. Với danh nghĩa là bên A xuống kiểm tra tiến độ thi công việc đúc tượng, tiếp chúng tôi, vợ của giám đốc Cty nói lại là đồng chí giám đốc đi công tác vắng, không có nhà, hẹn tôi dịp khác quay lại. Tôi nói: “Chị xem có thể liên lạc được với anh ấy không, chứ chúng tôi đi tranh thủ, lại lặn lội mấy trăm cây số từ tận Điện Biên về đây. Chẳng nhẽ lại về không, biết báo cáo thế nào với lãnh đạo”. Sau một hồi thuyết phục, vợ đồng chí giám đốc mới vào nhà trong, điện thoại cho chồng. Vài phút sau, chị đon đả mời chúng tôi vào nhà uống nước, chờ một lúc giám đốc sẽ về. Thời gian chờ đợi trôi qua là cả một quãng thời gian dài đằng đẵng. Phần vì lo nếu bị cơ sở phát hiện ra không phải bên A về kiểm tra tiến độ mà là nhà báo thì nguy to. Phần vì lo, không biết mình sẽ xử lý, khai thác tư liệu ra sao cho đúng với danh nghĩa bên A, bởi kinh nghiệm thực tế còn non nớt. Anh bạn đồng nghiệp cũng lo đứng, lo ngồi vì cũng cùng tâm trạng. Khi giám đốc Cty trở về, chúng tôi ngoài mặt vẫn thản nhiên nhưng trong lòng rất lo lắng. Sau một hồi giới thiệu và lấy lý do thời gian gấp gáp nên không mang công văn hay điện thoại báo trước (lúc đó phương tiện liên lạc bằng điện thoại di động là rất xa xỉ, chỉ có điện thoại để bàn nhưng cũng rất khó liên lạc do đường truyền không được thông suốt), mong giám đốc thông cảm, chúng tôi xin phép vào việc ngay. Không nghi ngờ gì, đồng chí giám đốc đơn vị thi công báo cáo tiến độ công việc và hứa sẽ cố gắng đảm bảo chất lượng, thời hạn bàn giao tượng đài. Mặc dù gia chủ đã chuẩn bị sẵn cơm rượu mời khách nhưng chúng tôi cáo lỗi vì chiều lại đi Hà Nội ngay vì có việc gấp hẹn gặp lại vào một dịp khác. Ra về, trong lòng chúng tôi như “cất đi gánh nặng” bởi sự không mảy may nghi ngờ của ông giám đốc.

Trở về, tôi báo cáo lại cuộc làm việc với cơ sở, quá trình khai thác tư liệu với lãnh đạo cơ quan và hoàn thành bài báo theo đúng yêu cầu của Ban Biên tập. Khi “đứa con tinh thần” của mình được đăng trên mặt báo, bao cảm xúc dâng trào nhưng tôi thực sự rất áy náy vì đã phải “nói dối” để hoàn thành công việc. Sau này khi có trải nghiệm thêm trong nghề, được sự động viên của các đồng nghiệp đi trước, tôi mới thấy rằng, việc nhà báo phải dùng “danh tính” khác để điều tra, thâm nhập, tiếp cận cơ sở là điều được phép trong quá trình tác nghiệp.

Càng làm báo, tôi càng thấy đam mê bởi nghề báo không chỉ cho tôi được thỏa sức khám phá, gặp gỡ những nhân vật mới mà còn giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống. Cha tôi vẫn thường dặn: “Làm báo phải có một cái tâm trong sáng trước cuộc sống đầy biến động và cám dỗ. Con phải không ngừng học hỏi, rèn luyện, không ngại khó ngại khổ, tích cực đến những nơi khó khăn để nắm bắt cuộc sống và đặc biệt giữ gìn nhân cách, đạo đức nghề báo là điều quan trọng nhất của một nhà báo”. Tôi luôn ghi nhớ điều cha dặn và sẽ cố gắng nhiều hơn để có thêm hành trang, kinh nghiệm hoàn thành tốt công việc được giao. Tôi yêu nghề báo - đó cũng là niềm tự hào, ước mơ mà tôi đã chọn./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com