Tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

09:06, 29/06/2015

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tháng 12-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP “về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Quyết định này đã mở ra cơ chế, chính sách ưu đãi cho các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, hộ kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, nhiều HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Toàn tỉnh hiện có 482 HTX, Quỹ TDND cơ sở hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; vận tải, thương mại và dịch vụ… Qua đánh giá cho thấy, hoạt động của các HTX và tổ hợp tác đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đóng góp không nhỏ vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các HTX cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, thiếu vốn để ổn định, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh được xem là khó khăn lớn nhất. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, chuyển tải các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể; là cầu nối quan trọng cung cấp các thông tin về thị trường, cơ chế hỗ trợ của các cấp, các ngành đối với HTX; tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ HTX trên mọi mặt; tổ chức các lớp dạy nghề cho xã viên và người lao động; tăng cường công tác đối ngoại nhằm thu hút các dự án hỗ trợ cho HTX; đặc biệt, luôn tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều HTX cũng đã năng động tìm kiếm các nguồn vốn như HTXDVNN Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); Giao Thịnh, Giao Hà (Giao Thủy); Xuân Tiến (Xuân Trường)… Các HTX đã mạnh dạn vay các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hoặc thực hiện dịch vụ tín dụng nội bộ… để đầu tư, duy trì và phát triển các dịch vụ thiết yếu, nhằm thực hiện tốt chức năng hỗ trợ thành viên. Ngoài ra, 11 HTX được Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 120 với tổng số vốn trên 2 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn này cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi số HTX cần vốn thì rất nhiều, mà nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì các HTX lại chưa tiếp cận được. Theo đồng chí Trịnh Văn Thặng, Chủ nhiệm HTXDVNN Đại Hải, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), là một trong 4 HTX nông nghiệp hoạt động trên địa bàn xã với diện tích được giao quản lý trên 150ha đất nông nghiệp. Hiện HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguyên nhân là do HTX không có tài sản thế chấp, vì vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX cũng chỉ xoay quanh một số dịch vụ thiết yếu như: làm đất, cải tạo kênh mương nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, thủy lợi nội đồng và dịch vụ khuyến nông. Còn ở HTXDVNN xã Nghĩa Thắng, là một trong những HTX mạnh của tỉnh với tổng nguồn vốn hoạt động đạt 2-3 tỷ đồng/năm. Thế nhưng nguồn vốn hoạt động của HTX chủ yếu là vốn của các cổ đông đóng góp. Trong khi đó, các thành viên trong HTX chủ yếu là nông dân, thiếu điều kiện đảm bảo để được vay vốn ngân hàng.

Nông dân xã Giao Phong (Giao Thuỷ) chăm sóc khoai tây.
Nông dân xã Giao Phong (Giao Thuỷ) chăm sóc khoai tây.

Sản xuất nông nghiệp nói chung thường hay gặp rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh nên các tổ chức tín dụng rất “cân nhắc” khi cho vay. Hơn nữa, cho dù chính sách Nhà nước đưa ra là “cho nông dân vay không thế chấp” nhưng nông dân vẫn phải có “sổ đỏ” mới được vay vốn. Các tổ chức tín dụng thì càng không muốn đổ vốn vào khu vực nông nghiệp vì lãi ít, rủi ro cao. Đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, HTX muốn phát triển thì phải có nguồn vốn để tổ chức các hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải năng động, xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh có tính lâu dài, ổn định. Từ đó, HTX đứng ra liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, xây dựng và phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng vì quy mô sản xuất tập trung sẽ giảm được chi phí so với sản xuất nhỏ lẻ. Trên cơ sở tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết 4 nhà như chọn những sản phẩm chủ lực, có thị trường và phát triển theo chuỗi giá trị kinh tế để phía ngân hàng bám vào đó cho vay sản xuất thì mới hiệu quả. Bên cạnh đó, về lâu dài, ngoài chính sách chung phải có những chương trình tín dụng riêng, phù hợp với đặc thù sản xuất của địa phương. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với 7 lĩnh vực cho vay rất cụ thể.  Cũng theo Nghị định thì cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức: Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại mức 3); tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với HTX hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại mức 3); tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp; tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp... Hy vọng đây sẽ là “luồng gió” mới hơn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế tập thể, nhất là kinh tế HTX phát triển.

Có thể nói, việc tạo vốn cho các HTX hoạt động một cách hiệu quả là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là những nguồn vốn ưu đãi và những nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại sẽ có tác động rất lớn để các HTX mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ mới trong sản xuất, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com