Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện xe cơ giới không phải chịu sức ép từ tình trạng quá tải tại trung tâm đăng kiểm công lập khi đi đăng kiểm, ngành GTVT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đăng kiểm. Tuy nhiên, với mục tiêu lợi nhuận là trên hết, để thu hút chủ phương tiện đến kiểm định, trên toàn quốc đã xuất hiện một số trung tâm cạnh tranh không lành mạnh, không thực hiện đúng, đủ quy trình, nội dung kiểm tra, tự ý hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng kiểm định theo quy định. Sai phạm này tác động tiêu cực đến công tác bảo đảm trật tự ATGT do nguy cơ mất an toàn khi các phương tiện không đạt chuẩn vẫn được đưa vào phục vụ vận tải. Để tình trạng vi phạm trên không xảy ra ở địa phương, Sở GTVT đã chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động đăng kiểm.
Hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định (Sở GTVT). |
Ngay khi triển khai chủ trương xã hội hóa đầu tư trung tâm đăng kiểm, Sở GTVT đã áp dụng mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm mới do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cụ thể, các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, còn cán bộ, đăng kiểm viên thì do Sở đảm nhận bố trí hoặc do Cục Đăng kiểm Việt Nam bố trí trong trường hợp Sở không đảm nhận quản lý thực hiện công tác kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Sở GTVT tích cực tuyên truyền giúp các doanh nghiệp nắm vững mục tiêu của việc đăng kiểm xe cơ giới là phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện tham gia giao thông, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng, không gây nguy cơ mất ATGT, không ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. Đồng thời, yêu cầu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đi vào hoạt động phải đặt mục tiêu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lên trên mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm tính khách quan, chính xác của kết quả kiểm định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã huy động được các nguồn vốn xây dựng các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa từ Cty CP Thành Đạt và Cty CP Phát triển công nghệ Điện thông. Các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp đầu tư khang trang, vị trí thuận lợi; thiết bị kiểm định, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu. Việc đưa vào hoạt động các trung tâm đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm, giải quyết tình trạng quá tải cho trung tâm đăng kiểm công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ xe ở khu vực xa trung tâm Thành phố Nam Định. Việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước thực hiện tổ chức kiểm định xe cơ giới ở các trung tâm xã hội hóa đã giảm hẳn phiền hà, hạn chế được tác động của chủ doanh nghiệp đến công tác kiểm định. Đội ngũ đăng kiểm viên được bổ nhiệm theo quy trình, đúng tiêu chuẩn, có ràng buộc với công tác quản lý, xử lý kỷ luật khi vi phạm. Nhờ đảm bảo được chất lượng hoạt động kiểm định phương tiện nên từ đầu năm đến nay, qua kiểm định, toàn tỉnh đã phát hiện gần 1.500 lượt phương tiện không đạt yêu cầu.
Nhằm nâng cao chất lượng phòng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, Sở GTVT cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại địa phương; tập trung vào các phần việc: quản lý phương tiện, đăng kiểm, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Để nâng cao chất lượng kiểm định, phòng chống tiêu cực, Sở GTVT đã xây dựng Đề án quản lý tập trung các đăng kiểm viên để đảm bảo chất lượng kiểm định kỹ thuật đồng đều, phòng ngừa hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp chất lượng kiểm định giữa các trung tâm đăng kiểm; đồng thời tập trung đào tạo đăng kiểm viên bậc cao phục vụ tại các trung tâm đăng kiểm. Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái bố trí cán bộ trực tiếp nhận và quản lý địa chỉ IP, mật khẩu đăng nhập của các đơn vị đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp để nắm bắt thông tin; phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thanh tra Sở quản lý chặt chẽ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn. Thanh tra Sở căn cứ vào các quy định của pháp luật theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, phát hiện các sai sót, từ đó chấn chỉnh kịp thời; cử các thanh tra viên tham gia các khóa tập huấn liên quan đến công tác đăng kiểm. Yêu cầu các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn phải đề cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy phạm, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong công tác kiểm định của tất cả các kiểm định viên; nghiêm túc thực hiện chế độ cung cấp trao đổi thông tin, số liệu liên quan về hoạt động đăng kiểm để Sở GTVT cùng trực tiếp kiểm soát hoạt động kiểm định thông qua hệ thống ca-mê-ra giám sát lắp đặt tại trung tâm đăng kiểm. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT để chủ xe, lái xe phản ánh đến Sở thông tin về các hành vi tiêu cực, tồn tại, bất cập trong hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm. Để hạn chế những tiêu cực trong việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, thời gian tới Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất các trung tâm đăng kiểm; kiên quyết xử lý nghiêm theo luật định các hành vi sai phạm./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy