Khó khăn của phóng viên trẻ khi tác nghiệp

10:06, 19/06/2015

Từ xưa đến nay, nghề báo vốn được coi là một nghề vất vả, áp lực cao đòi hỏi mỗi phóng viên phải có tư tưởng chính trị vững vàng; kiến thức chuyên môn chắc chắn và phải luôn luôn tự bổ sung kiến thức, cập nhật mọi thông tin thời cuộc.

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp.

Để có thể tham gia tác nghiệp, phóng viên trẻ hiện nay đều được trang bị cơ bản đầy đủ như từ kiến thức chuyên môn đến phương tiện tác nghiệp xe máy, điện thoại, máy ảnh, máy tính xách tay và đặc biệt có sự hỗ trợ của CNTT nên có điều kiện di chuyển, tiếp cận thông tin và phản hồi thông tin về toà soạn một cách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, do mới vào nghề nên hầu hết các phóng viên trẻ đều năng động, nhiệt tình, hăng hái đi tác nghiệp tại các cơ sở. Tuy nhiên không phải chuyến tác nghiệp nào phóng viên trẻ cũng thu được kết quả như mong muốn bởi nhiều lý do khách quan như: phóng viên trẻ chưa tạo dựng được mối quan hệ với lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị, địa phương nên khi liên hệ với cơ sở sẽ không gây được sự chú ý cũng như không tạo được ấn tượng ban đầu cho các đơn vị, vì thế mà sẽ khó lên được lịch hẹn làm việc. Cách đặt vấn đề chốt lịch làm việc với cơ sở chưa được rõ ràng, mạch lạc khiến cơ sở dễ dàng từ chối. Bên cạnh đó, khi gặp được người có thẩm quyền cung cấp thông tin, nhiều phóng viên trẻ chưa có kinh nghiệm khai thác thông tin nên không “lái” đối tác cung cấp thông tin theo chủ đề chính dẫn đến cuộc trao đổi không thu thập được lượng thông tin như mong muốn… Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác như việc phóng viên trẻ chưa thuộc địa bàn, thiếu tự tin trong giao tiếp từ đó gây mất lòng tin của cơ sở cho những lần hẹn sau. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng tồn tại không ít nguyên nhân chủ quan do chính những phóng viên trẻ mang lại như: kiến thức chuyên môn yếu; cung cách tác nghiệp “hời hợt”; thiếu hiểu biết trong giao tiếp, trong văn hoá ứng xử; thậm chí còn có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Thực tế nhiều phóng viên trẻ tham dự hội nghị chỉ tròng trọc lấy tài liệu, viết mươi dòng tin theo “fom” đã định sẵn và đã coi là xong việc mà không dành thời gian tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị để làm tư liệu cho bài viết sâu về vấn đề đó cũng như nhận diện những đơn vị làm tốt, hoặc chưa tốt để xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Đồng thời tranh thủ thời gian tại hội nghị để trò chuyện, giới thiệu bản thân, đặt mối quan hệ cho những lần làm việc sau. Theo kinh nghiệm của những nhà báo lão thành thì việc đặt mối quan hệ tại các hội nghị do ngành chức năng tổ chức là hiệu quả nhất, bởi tại đây nhà báo là đại diện cho cơ quan báo chí có quyền nhận định, có quyền phát ngôn và được phép hoạt động nghiệp vụ chính thống nhất. Bên cạnh đó, cũng do cẩu thả mà nhiều phóng viên trẻ đi cơ sở như đi “quán bar” trang điểm loè loẹt, trang phục không phù hợp, không sổ sách, máy ảnh, máy ghi âm… Với cung cách làm việc này, cơ sở dễ dàng đánh giá đến tư cách đạo đức, trình độ chuyên môn và kiến thức xã hội của phóng viên trẻ và quyết định có hợp tác, tạo điều kiện làm việc hay không. Ngoài ra, một số phóng viên trẻ còn thụ động, ngại đi xa, ngại tìm tòi và quá thực dụng trong quá trình tác nghiệp mặc dù có nhiều điều kiện học hỏi, đi thực tế tại cơ sở. Và điều quan trọng nữa khiến cho quá trình tiếp cận cơ sở trở nên khó khăn là do phóng viên quá rụt rè, không có chính kiến và hoàn toàn thiếu kỹ năng dân vận trong việc thuyết phục cơ sở cùng hợp tác giải quyết công việc.

Trước những khó khăn khi tiếp cận cơ sở của phóng viên trẻ, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn và Hội Nhà báo tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các phóng viên trẻ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; kịp thời định hướng quan điểm, tư tưởng chính trị cho các phóng viên trẻ khi tác nghiệp; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để phóng viên trẻ nhanh chóng bước qua giai đoạn quá độ, tìm tòi đúc rút kinh nghiệm tiếp cận cơ sở cho riêng mình. Bên cạnh đó, bản thân các phóng viên trẻ cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức về pháp luật, nhất là luật báo chí để có thể tự bảo vệ được mình trong quá trình tác nghiệp độc lập. Luôn lắng nghe từ đồng nghiệp, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ phóng viên đi trước; rèn giũa bản thân, không ngừng tìm tòi, khám phá để bổ sung kiến thức, nâng cao nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức của người làm báo, không vấp ngã trước những cám dỗ của cuộc sống. Đây là những điều kiện cần và đủ để trở thành một người phóng viên tốt. Chủ động kế hoạch học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng tác nghiệp làm hành trang cho công việc mình đã lựa chọn. Đối với từng công việc cụ thể, trước khi bắt đầu cần chuẩn bị kỹ càng mọi điều kiện cần thiết như: tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đề tài của chuyến đi; xây dựng đề cương chi tiết những vấn đề cần khai thác; tìm hiểu thật kỹ đối tác sắp làm việc; điều kiện tự nhiên, phong tục tập quá, cách xưng hô nơi mình sắp đến. Đồng thời gây dựng mối quan hệ có được ngay sau lần hẹn đó để nhân rộng mối quan hệ với cơ sở. Điều này sẽ tạo cho phóng viên rất nhiều thuận lợi khi đi tác nghiệp ở cơ sở.

Tiếp cận cơ sở là bước đầu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm báo chí, mỗi phóng viên trẻ cần chủ động kế hoạch học tập, tích luỹ kiến thức xã hội, rèn bản lĩnh, tác phong nghề nghiệp để ngày càng tự tin và có những bước tiến vững chắc trên con đường đầy gian nan nhưng rất vẻ vang của nghề làm báo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com