Độc lập tác nghiệp trong các sự kiện lớn, dài ngày

08:06, 20/06/2015

Trong thời gian vừa qua, tôi đã được Ban Biên tập tin tưởng giao thêm nhiệm vụ theo dõi, phản ánh các sự kiện lớn, diễn ra trong thời gian dài. Tiêu biểu là hai sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 (từ ngày 6 đến 16-12-2014) và chuyến công tác Trường Sa dài 14 ngày (từ ngày 21-4 đến 4-5-2015). Qua đó, tôi đã hiểu thêm về những kỹ năng nghề nghiệp (đưa tin, chụp ảnh, khai thác tư liệu…) và đặc biệt là tính độc lập của nhà báo khi nhận nhiệm vụ tác nghiệp trong các sự kiện quan trọng, dài ngày.

Với “sở trường” là phóng viên thuộc Phòng Kinh tế, chuyên theo dõi các vấn đề về sản xuất CN-TTCN, lần đầu tiên tôi được nhận nhiệm vụ phản ánh thông tin trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ - thể thao. Tại sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014, tôi được phân công phản ánh thông tin 2 môn thể thao
dưới nước là Bơi, Lặn và Lễ Khai mạc tại Sân vận động Thiên Trường. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, mặc dù đã được đích thân đồng chí Tổng Biên tập quán triệt, giao nhiệm vụ nhưng tôi vẫn còn nhiều lo lắng. Thứ nhất là lần đầu tiên được tiếp xúc với một lĩnh vực thông tin hoàn toàn mới, yêu cầu khi đưa tin phải tuyệt đối chính xác về thành tích thi đấu (đến từng phần trăm giây) của các VĐV. Thứ hai là vấn đề ảnh, ống kính máy ảnh của tôi là loại phổ thông, chỉ có cự ly (zoom) tối đa 5m, rất khó chụp được những bức ảnh cận cảnh khoảnh khắc thi đấu quyết liệt của các VĐV, đặc biệt là trong điều kiện đặc thù thi đấu dưới nước. Khó hơn nữa là vấn đề chụp ảnh các hoạt động trong Lễ Khai mạc bởi vì không gian rộng, ánh sáng không ổn định và thời tiết không thuận lợi. Khắc phục khó khăn về máy móc, trong Lễ Khai mạc, tổ phóng viên chúng tôi đã phân công nhau mỗi người một vị trí, chịu trách nhiệm ghi lại những hình ảnh ở khu vực của mình. Ngay sau Lễ Khai mạc, tôi bắt đầu dồn sức theo dõi các môn mình được phân công. Thay vì đợi kết quả cuối cùng, tôi chủ động liên hệ với Ban Tổ chức nắm trước nội dung thi đấu, tên tuổi các VĐV. Ngay sau khi kết thúc nội dung thi đấu, tôi ghi ngay thành tích của 3 VĐV đứng đầu vào danh sách và nhanh chóng hoàn thành thông tin ngay sau khi kết thúc từng nội dung thi đấu. Do nhiều yếu tố, toàn bộ ảnh môn Lặn mặc dù vẫn đạt yêu cầu nhưng chủ yếu là ảnh “tĩnh”, đơn điệu vì chỉ chụp được hình ảnh các VĐV trên bục nhận huy chương. Đến môn Bơi, sau khi tham khảo các đồng nghiệp chuyên theo dõi thể thao của các báo bạn, tôi đã điều chỉnh chế độ chụp thể thao, bấm liên tục để chọn chụp cận cảnh khoảnh khắc các VĐV xuất phát, nước rút về đích. Nhờ đó, trong môn Bơi tôi đã chụp được một số bức ảnh “động” tương đối đẹp, đa dạng hơn môn Lặn. Trong 10 ngày theo dõi, tác nghiệp hai môn Bơi, Lặn của Đại hội TDTT lần thứ VII, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phóng viên Báo Nam Định và các đồng nghiệp trong chuyến công tác tại đảo Trường Sa, tháng 4-2015.
Phóng viên Báo Nam Định và các đồng nghiệp trong chuyến công tác tại đảo Trường Sa, tháng 4-2015.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp trong Đại hội TDTT toàn quốc, tôi lại vinh dự được Ban Biên tập cử đi theo đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Chuyến đi diễn ra trong 14 ngày, di chuyển qua nhiều địa phương bằng nhiều phương tiện (máy bay, tàu biển). Khác với việc tác nghiệp trong sự kiện Đại hội TDTT trước đó, chuyến công tác dài ngày ở quần đảo Trường Sa là thử thách lớn nhất, toàn diện nhất trong 11 năm làm nghề của tôi. Không chỉ thử thách kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khai thác, sử dụng tư liệu mà còn thử thách lớn về sức khỏe. Bởi vì trong chuyến công tác Trường Sa, tôi hoàn toàn độc lập tác nghiệp một mình, trong 10 ngày lênh đênh trên biển, có đến hơn nửa thời gian không có sóng điện thoại nên không thể liên lạc để xin chỉ thị, ý kiến chỉ đạo từ Ban Biên tập khi có tình huống phát sinh. Bên cạnh đó là áp lực rất lớn về bài vở. Trước tôi đã có 3 phóng viên được Ban Biên tập cử đi theo các đoàn công tác tại quần đảo Trường Sa và đều thể hiện rất thành công qua các bài viết dài kỳ. Trong chuyến công tác Trường Sa, đoàn chúng tôi được đến thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ tại 7 đầu mối gồm 3 đảo nổi (Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn); 3 đảo chìm (Đá Nam, Đá Tây A, Len Đao) và một nhà giàn (DK1/15) trong vùng thềm lục địa. Do điều kiện đặc thù nên thời gian tác nghiệp ở các đầu mối vô cùng eo hẹp, ngoài việc theo dõi các hoạt động của đoàn, tôi đã phải tranh thủ thời gian tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, nhà giàn để  khai thác tư liệu, chụp ảnh và cảm nhận của bản thân để thể hiện. Mỗi khi đến một điểm đảo, nhà giàn, tôi đã cố gắng tìm điểm cao nhất để nhanh chóng chụp ảnh toàn cảnh, sau đó tranh thủ thời gian để thăm hỏi, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Vì lý do đặc thù, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đều rất “cẩn thận” khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người chỉ trả lời: “Mời anh hỏi chỉ huy”. Trước tình thế đó, tôi đã chủ động bám sát các hoạt động của đoàn, khéo léo khai thác thông tin ngay trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và cán bộ, chiến sĩ quê hương đang thực hiện nhiệm vụ trên các đảo và khai thác thêm thông tin từ các đầu mối khác như: Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các hộ dân và lực lượng lao động đang thi công các công trình trên đảo… Sau khi kết thúc chuyến công tác Trường Sa, vấn đề khó khăn nhất đối với tôi là thể hiện những cảm nhận, tư liệu đã khai thác được thành bài viết. Trước lượng thông tin rất lớn về quần đảo Trường Sa, vấn đề của tôi là làm sao sắp xếp tư liệu hợp lý để phản ánh đầy đủ các hoạt động của đoàn công tác và đời sống vật chất, tinh thần của tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Tôi đã chủ động trình bày với đồng chí Tổng Biên tập ý tưởng về bài viết chia làm 6 kỳ gồm các chủ đề: hành trình ra Trường Sa, sức sống ở đảo nổi, các đảo chìm, nhà giàn, quê hương Nam Định với Trường Sa và Trường Sa sau 40 năm ngày giải phóng…

Tác nghiệp trong hai sự kiện lớn, dài ngày, đặc biệt là chuyến công tác Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành, chín chắn hơn trong tư duy, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là phát huy được tính độc lập của phóng viên. Sau sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc, tôi đã khắc phục được điểm yếu trong kỹ năng chụp ảnh, nhất là vấn đề thời cơ và khoảnh khắc bấm máy hiệu quả. Còn trong chuyến công tác Trường Sa, tôi đã có thêm kinh nghiệm, tự tin hơn khi tác nghiệp độc lập trong theo dõi, khai thác thông tin, xử lý tư liệu… để phản ánh hợp lý trong tác phẩm báo chí của mình./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com