Chủ động ứng phó với sự cố hoá chất trong mùa mưa bão

08:06, 17/06/2015

Trên địa bàn tỉnh ta, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh ở cả 12 phân ngành chủ chốt như hóa dược, hóa dầu, sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da, sản xuất cơ khí, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống… với hàng nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong đó có trên 300 cơ sở kinh doanh xăng, dầu, khí mỏ hoá lỏng; trên 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da; 6 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm; 5 doanh nghiệp sơ chế cao su và gần 1.000 cơ sở sản xuất cơ khí, sản xuất kim loại, sản xuất nước sạch, tái chế giấy, chế biến nông sản… có sử dụng hoá chất trong quy trình sản xuất. Trung bình mỗi tháng lượng hoá chất các loại được luân chuyển, sử dụng và tàng trữ lên đến hàng nghìn tấn. Khảo sát tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất hiện nay cho thấy, công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được quan tâm. Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất chưa tốt, cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hóa chất bừa bãi, bảo quản không đúng quy trình. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị chủ động ứng phó với sự cố hoá chất trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất trong làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) và các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong khi hóa chất có đặc tính dễ cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn nên các hoạt động tàng trữ, sản xuất, sử dụng hóa chất cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, an ninh xã hội và môi trường, đặc biệt là khi có ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất thường như mưa bão, lụt lội, giông sét.

Kiểm tra hệ thống đường ống dẫn tại Cty CP Xăng dầu Dầu khí Nam Định.
Kiểm tra hệ thống đường ống dẫn tại Cty CP Xăng dầu Dầu khí Nam Định.

Để khắc phục những bất cập trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố hoá chất trong mùa mưa bão. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh; nhận định và dự báo các tình huống sự cố hóa chất; định hướng hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và biện pháp khắc phục sau sự cố hoá chất trong mưa bão… Trên cơ sở đó, các ngành chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất; thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp ứng phó với sự cố hoá chất trong mưa bão. Đồng thời yêu cầu các đơn vị sản xuất, sử dụng, kinh doanh hoá chất thực hiện nghiêm việc đăng ký, khai báo hóa chất. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan như: lực lượng vũ trang, Sở KH và CN, TN và MT, Công thương, Y tế, NN và PTNT trong việc phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố hóa chất, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất xây dựng phương án ứng phó với sự cố hóa chất, phương án sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm và tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố hóa chất theo quy định. Trong đó, Sở KH và CN chủ trì phối hợp với các sở: TN và MT, Công thương, NN và PTNT xây dựng phương án ứng phó với sự cố hoá chất trong mưa bão. Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan lập phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phương án sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm và tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố hóa chất theo quy định. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành về hóa chất; làm tốt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn… Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất chủ động nêu cao trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất; xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất, đồng thời đảm bảo có đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi có sự cố hóa chất xảy ra… Tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã chủ động gia cố kho tàng, bể chứa, hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu, khí đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành quy định. Hướng dẫn cán bộ, công nhân viên đơn vị vận hành, quản lý xăng, dầu không ngừng nâng cao kỹ năng, khả năng tác chiến khi có tình huống cháy, nổ, tràn và rò rỉ xăng, dầu, khí do gió giật và ngập úng trong thời gian dài. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhằm ngăn ngừa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất như mặt nạ phòng độc, kính an toàn, quần áo, găng tay, ủng... để kịp thời ứng phó với sự cố hoá chất. Các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, hoá chất phục vụ công nghiệp chủ động xây dựng kho chứa hoá chất theo đúng tiêu chuẩn quốc gia như chọn nơi cao ráo để xây dựng kho chứa; lót ni lông chống thấm nền kho; tạo rãnh thoát nước trên nền nhà theo hướng chảy dốc về hố thu gom hoá chất tập trung; lắp hệ thống kim truyền chống sét cho kho bãi; phân loại hoá chất theo từng nhóm và sử dụng kệ để hoá chất cách ẩm, chống ngập nước và cháy nổ…

Trong khi việc đảm bảo an toàn còn khá sơ sài, các cơ quan chức năng khuyến cáo trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy nổ, rò rỉ hoá chất ra môi trường, các đơn vị phải báo ngay cho chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan những thông tin bắt buộc như tên hóa chất, nồng độ và khối luợng; tình hình bị ảnh hưởng của hóa chất; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan về việc xử lý tai nạn. Việc xử lý sự cố phải do cơ quan nắm chắc về kỹ thuật có mặt tại hiện trường tiến hành. Tổ chức canh gác và cắm biển để khoanh vùng và cách ly hiện trường khu vực có hóa chất phát tán. Tiến hành và hoàn thành một cách triệt để việc xử lý hiện trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com