Cẩn trọng với nước giải khát mùa hè

08:06, 02/06/2015

Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, nước giải khát là một phần không thể thiếu được trong nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người. Đáp ứng nhu cầu đó, các điểm bán các loại nước giải khát với hàng chục sản phẩm khác nhau như nước mía, bát bảo, sâm nhung, sữa củ quả, nước thảo dược các loại mọc lên như nấm trên các tuyến phố, các trục đường chính có đông người qua lại từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, do tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng, rất ít người quan tâm đến xuất xứ và chất lượng của những loại nước mình đang uống, cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) kiểm tra chất lượng nước uống lưu thông trên thị trường.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) kiểm tra chất lượng nước uống lưu thông trên thị trường.

Ngoài nước sữa đậu, thạch đen, trà sữa chân trâu…, thức uống giải nhiệt được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích trong mùa hè năm nay là nước mía siêu sạch, thạch dừa, sữa bắp, đậu nành, vừng đen và sinh tố rau, củ, quả các loại. Theo y học cổ truyền, những thức uống này là “đại bổ” có tác dụng tiêu khát, giải nhiệt, bổ sung năng lượng cho cơ thể con người trong điều kiện thời tiết nóng nực. Để phát huy được lợi ích đó thì thực phẩm phải được sử dụng đúng liều lượng, phù hợp với từng cơ thể và đặc biệt là không sử dụng chất bảo quản, bảo đảm VSATTP và sử dụng trong vòng 4h sau khi chế biến… Tuy nhiên các cơ sở chế biến, bán hàng giải khát hầu như không tuân thủ quy trình chế biến, bảo quản mà do lợi nhuận, nhiều cơ sở còn sử dụng hóa chất để tăng số lượng và kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; cá biệt có cơ sở còn dùng hóa chất tạo màu, tạo mùi thay thế cho cây cỏ tự nhiên khiến cho nước giải khát mùa hè trở thành mầm bệnh đối với sức khỏe người tiêu dùng. Lâu nay người tiêu dùng tẩy chay món giải khát bổ dưỡng là nước mía với lý do mất vệ sinh trong quá trình chế biến như: Mía được róc vỏ sẵn, dựng ngay bên lề đường cạnh cống rãnh, nhiễm bụi đường rồi ruồi nhặng bu đậu; cốc đựng nước cho khách dùng chỉ tráng qua trong chậu nước được dùng đi dùng lại… “Rút kinh nghiệm” từ những phản hồi của khách hàng, năm nay, các cơ sở chế biến nước giải khát đã đầu tư hàng loạt máy ép nước mía công nghệ mới cùng các thiết bị phụ trợ đi kèm như cốc nhựa, ống mút sử dụng một lần và máy ép dập nắp cốc để đảm bảo nước mía thành phẩm an toàn tránh mọi vi sinh vật xâm hại… Theo đó thay vì phải dùng tay cuộn bã mía bỏ vào máy ép vài ba lần như trước đây, nay chỉ cần ép một lần cây mía đã kiệt nước, toàn bộ thiết bị lại được bao bọc trong hòm kín nên tránh được những vi sinh vật ngoại lai xâm nhập. Những thay đổi này đã lấy lại uy tín của món nước giải khát bổ dưỡng vốn bị lãng quên từ vài năm nay. Tuy nhiên qua quan sát, việc khẳng định nước mía siêu sạch chỉ là quảng cáo để trấn an người tiêu dùng, còn thực chất cấu tạo của máy ép nước mía công nghệ mới sản xuất khép kín không cho phép người sử dụng chà rửa bộ phận bánh răng nghiền, ống dẫn nước mía như các loại máy khác. Do vậy máy ép mía sử dụng triền miên từ ngày này qua ngày khác, suốt trong 5-6 tháng hè rồi lại cất đi sang năm sau sử dụng tiếp mà không được lau rửa cẩn thận thì không thể sạch được. Tại cơ sở sửa chữa máy ép nước mía nhiều người rùng mình khi chứng kiến từng mảng nước mía bị lên men, biến chất bám cặn vào thành máy cùng các loại côn trùng như kiến, gián, giòi bọ bu bám ăn cặn mía tồn đọng lâu ngày trong các hốc máy… Cũng giống như nước mía, các loại sữa đậu nành, sữa ngô, sữa vừng đen được chế biến cẩu thả, tuỳ tiện thêm chất phụ gia, chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng và hạn chế nguyên liệu không chỉ làm mất đi tác dụng bồi bổ sức khoẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng. Ngoài nguyên liệu chính là đậu tương, ngô, những thức uống này còn được bổ sung thêm bột béo, đường, sữa bột; cá biệt nhiều nơi còn sử dụng cả chất tạo màu và hương liệu cho sản phẩm thêm ngon và bắt mắt. Điều đáng nói là toàn bộ chất phụ gia đều có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng hoàn toàn không có nhãn mác, cách thức sử dụng cũng như thời hạn sử dụng. Sữa được đóng vào chai, hoặc túi ni lông, bày bán ngay trên vỉa hè, lòng đường, giữa khói bụi, xe cộ qua lại và nền nhiệt độ ngày hè cao đến 37-38oC… Những thao tác tuỳ tiện trong quá trình chế biến, bảo quản của các tư thương đã biến loại nước giải khát bổ dưỡng này thành 1 trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao cần phải được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nguy hiểm đến sức khỏe là vậy nhưng thực tế, dọc theo các tuyến phố, các ngõ chợ bày bán la liệt các loại trà sen bát bảo, trà sữa, sữa đậu nành, nước rau, củ "ba không": Không nhãn mác, không đăng ký chất lượng, không đảm bảo vệ sinh.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng gồm: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo VSATTP đối với nhóm hàng thức uống giải khát mùa hè. Ban Quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh cũng tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết cung ứng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong danh mục Nhà nước cho phép và thức uống mùa hè đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên việc quản lý đảm bảo VSATTP đối với nhóm hàng giải khát mùa hè của các cơ quan chức năng rất khó thực hiện triệt để bởi hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh nước giải khát đều tổ chức nhỏ lẻ, tự phát; không có kiến thức chuyên môn về chế biến thực phẩm và đặc biệt là thiếu ý thức tuân thủ quy định đảm bảo VSATTP. Nhiều cơ sở sẵn sàng đóng cửa nghỉ bán hàng để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi dùng pha chế nước giải khát mùa hè là hóa chất dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng. Nếu cơ thể tích tụ lâu ngày sẽ gây ngộ độc mãn tính và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng. Trong khi các tư thương chạy theo mục tiêu lợi nhuận, cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể kiểm soát hết, người tiêu dùng cần thông thái khi lựa chọn thực phẩm và có trách nhiệm hơn với chính sức khỏe của mình; tuyệt đối không nên lựa chọn những sản phẩm nước uống không có nhãn mác xuất xứ và có màu sắc quá lòe loẹt, mùi vị không tự nhiên./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com