Nơi ấy Trường Sa: Xanh biếc các xã đảo

08:05, 18/05/2015

[links()]

Sau hành trình 3 ngày, 2 đêm lênh đênh trên biển, đoàn công tác chúng tôi đã đến được 2 xã đảo của huyện đảo Trường Sa là Song Tử Tây và Sinh Tồn. Giữa bốn bề biển khơi nghìn trùng sóng vỗ, giữa muôn trùng hiểm nguy, "cái gì cũng khó, chỉ có nắng gió", vậy mà quân và dân trên các xã đảo vẫn vững vàng vượt qua tất cả. Không chỉ ngày đêm giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, quân và dân trên các đảo còn vun bồi cho sức sống bừng lên một màu xanh biếc giữa trùng khơi.

II. Xanh biếc các xã đảo

Đến các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, do không có cầu cảng nên tàu chúng tôi phải thả neo cách đảo khoảng 1,5-2km. Và đoàn công tác được các xuồng CQ của đảo cập mạn, đón từng nhóm khách khoảng 25-30 người/chuyến lên đảo. Nhìn từ phía tàu, các xã đảo của huyện đảo Trường Sa nổi lên như một làng quê trù phú giữa biển khơi. Cách bán đảo Cam Ranh 308 hải lý, đảo Song Tử Tây có hình bầu dục, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, diện tích phần nổi và thềm san hô khoảng 0,22km2, lòng đảo trũng, xung quanh cao so với mực nước biển từ 4m đến 6m. Trừ một số bãi cát, đá gần bờ và một vài điểm đang xây dựng, còn lại khắp mặt đảo được phủ một màu xanh của cây phong ba, cây bàng quả vuông, cây bão táp, cây bàng lá đỏ, cây nho biển, cây nhàu, cây phi lao... Nhiều vị trí trên đảo, cây lớn tán toả rộng xen nhau như những cánh rừng nhỏ. Bên cạnh hệ thống doanh trại và hầm hào phục vụ công tác luyện tập, sẵn sàng chiến đấu là những công trình dân sinh như: nhà dân, trường học, Trạm hải đăng, chùa và đặc biệt là tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bề thế, trang nghiêm hướng ra biển. Xen kẽ dọc các lối đi được đổ bê tông trên đảo là những vườn rau muống, rau cải biển, đu đủ, chuối, bầu, bí, rau muống biển và nhiều loại rau xanh khác. Vốn được gọi là "thủ phủ của phong ba", cây phong ba là loài có số lượng nhiều nhất, tốt nhất trên đảo. Ngoài ra, trên đảo còn có hệ thực vật phong phú với nhiều loại cây khác nhau như: bàng vuông, dừa... và cả một giàn phong lan, loại cây "khó tính" ngay cả trong điều kiện thổ nhưỡng và dinh dưỡng, chăm sóc tốt như trong đất liền. Nhìn từ xa, đảo như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương mênh mông. Màu của cỏ cây hòa quyện với màu của biển tạo nên một màu xanh của thanh bình, êm ả. Trên đảo có nhiều giếng nước lợ có thể tắm giặt và tưới cây.

Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Hiện nay, Song Tử Tây đã xây dựng xong âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Hệ thống trụ sở UBND xã, nhà ở của nhân dân và bộ đội trên đảo Song Tử Tây được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo hôm nay đang từng bước được cải thiện. 100% hộ dân và các đơn vị bộ đội được trang bị ti vi. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho quân và dân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới, qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 4.000 đầu sách và trên 30 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật... Cùng với đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT diễn ra sôi nổi, động viên, cổ vũ tinh thần cho những người giữ đảo yên tâm với nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, một lòng khắc phục khó khăn, lập được nhiều thành tích cao trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đảo. Âu tàu ở xã đảo Song Tử Tây có diện tích hơn 58 nghìn m2, có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, trở thành bến neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa. Trên đảo còn có Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: trong năm 2014 và quý I-2015 đã hướng dẫn, giúp đỡ 1.465 lượt tàu cá của các tỉnh Nam Trung Bộ ra khai thác tại khu vực đảo. Trong đó cấp 505m3 nước ngọt cho 109 tàu, sửa chữa 20 lượt tàu bị hỏng. Tổ chức cứu nạn thành công cho các tàu BĐ 97019 TS; KH 98676 TS và 6 ngư dân Phi-líp-pin. Trạm xá trên đảo đã khám cho 261 lượt ngư dân, trong đó cấp cứu 17 trường hợp, với tổng số tiền chi phí điều trị trên 44,7 triệu đồng. Riêng Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá đã cung cấp cho ngư dân trên 215.900 lít dầu diezsel, gần 2.500kg lương thực theo giá ở đất liền và cấp miễn phí trên 1.200m3 nước ngọt… Công tác tăng gia sản xuất được đẩy mạnh với tổng trị giá đạt trên 228,5 triệu đồng.

Các em bé trên đảo Sinh Tồn.
Các em bé trên đảo Sinh Tồn.

Không có diện tích lớn như đảo Song Tử Tây, xã đảo Sinh Tồn cách đất liền 325 hải lý, nằm trong cụm đảo Sinh Tồn. Nhìn từ trên cao, đảo Sinh Tồn có hình bầu dục chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chiều dài 450m, rộng 380m. Phần nổi của đảo khi thủy triều thấp nhất nền san hô nhô cao từ 0,2-0,4m. Đảo Sinh Tồn có hệ thực vật phong phú với các loại cây: phi lao, bàng vuông, phong ba, muống biển, nhàu và các loại rau màu theo mùa. Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: đảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho 207 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tiền Giang đánh bắt hải sản; tổ chức xác nhận cho 10 tàu cá khai thác trong khu vực; thường xuyên hỗ trợ nước ngọt, lương thực - thực phẩm, chăm sóc và cứu chữa cho các ngư dân gặp nạn, ốm đau. Trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, trạm xá đảo đã khám và cấp thuốc cho 185 lượt nhân dân, công nhân; 52 lượt ngư dân; cấp cứu và điều trị 5 ca ngư dân ốm đau, gặp nạn trên biển. Ngoài ra, quân và dân trên đảo còn khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết để chủ động tăng gia sản xuất, tự cung ứng được nhu cầu rau xanh và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng giá trị đạt trên 335 triệu đồng. Đồng thời chủ động trồng thêm 8.856 cây xanh các loại như cây bóng mát, cây cảnh và cây ăn quả. Nhờ đó, môi trường trên đảo cũng rợp bóng mát, các công trình như nhà dân, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... cũng được xây dựng khang trang, sạch sẽ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên đảo. Ở đảo, do không có giếng nước nên toàn bộ nước ngọt phụ thuộc vào nguồn chở từ đất liền ra và nước mưa. Đảo Sinh Tồn hiện có 7 hộ dân đang sinh sống với 10 trẻ em, 7 cháu trai, 3 cháu gái và tất cả đều được học Trường Tiểu học Sinh Tồn. Trong đó cháu nhỏ nhất là Nguyễn Phan Ngọc Anh, con của gia đình anh chị Nguyễn Minh Châu - Phan Thị Thương, quê ở tỉnh Khánh Hòa được sinh ra tại Trạm Y tế đảo ngày 2-4-2014. Trường Tiểu học Sinh Tồn có 2 thầy giáo trẻ là Lê Anh Đức (sinh năm 1988) và Nguyễn Ngọc Hạ (sinh năm 1990). Hai thầy giáo chia nhau đứng lớp ngày 2 buổi sáng - chiều với 3 lớp học khác nhau của bậc tiểu học: 1 học sinh đang học lớp 4, 1 học sinh đang học lớp 2 và 2 học sinh đang học lớp 1. Thầy Lê Anh Đức quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa nhưng gia đình chuyển vào Cam Ranh, Khánh Hòa đã lâu. Thầy Đức tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2010 và đến tháng 6-2013 ra nhận công tác tại đảo Sinh Tồn với thời hạn 5 năm. Thầy Đức cho biết: ngoài những khó khăn về thời tiết, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học ở đảo xa là một thầy phải phụ trách đứng nhiều lớp học khác nhau. Bên cạnh đó, ngoài công việc chính là làm thầy của 4 học sinh, nhiều khi các thầy còn phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ "bảo mẫu" cho 6 cháu từ 1-5 tuổi. Các cháu chưa đến tuổi lên lớp nhưng thường theo anh, chị vào trường hoặc cha mẹ các cháu bận việc nên gửi các thầy... trông hộ!!! Thế nên không có nơi nào có những lớp học và thầy giáo đặc biệt như tại Trường Sa! Rời trường tiểu học, đoàn công tác chúng tôi ghé thăm hộ dân ở nhà số 7 để tìm hiểu hoàn cảnh sinh hoạt nơi đảo xa. Đón tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Minh Châu chủ nhà cho biết: Khi nhận nhiệm vụ ra đảo sinh sống, gia đình được xã đảo cấp cho 1 căn nhà rộng khoảng 160m2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và khu vệ sinh; phía trước và phía sau nhà đều có khoảnh vườn nhỏ để tăng gia sản xuất. Các điều kiện sinh hoạt khác như điện, nước và nhu yếu phẩm đều được cung cấp. Hằng ngày, các anh đi biển khai thác thủy, hải sản nhập cho bếp ăn của đơn vị; các chị ở nhà tăng gia sản xuất, trồng rau và chăm sóc con cái. Nhờ có nguồn điện gió, điện dùng pin năng lượng mặt trời nên các phương tiện sinh hoạt như: ti-vi, tủ lạnh... đều sử dụng được; bên cạnh đó, trên các đảo đã được phủ sóng điện thoại di động; chảo thu phát sóng truyền hình... nên cuộc sống không khác mấy so với ở đất liền.    

Hai ngày ở các xã đảo của huyện đảo Trường Sa, sau các hoạt động như: dự lễ chào cờ uy nghiêm, trang trọng; thăm tặng quà các đầu mối trên đảo; gặp mặt thăm hỏi, động viên con em quê hương Nam Định đang huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác... đoàn công tác quyến luyến chia tay quân, dân trên các xã đảo để đến với những đảo đá. Ở các xã đảo, tình đoàn kết quan tâm gắn bó, cùng nhau quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã và đang góp phần làm bừng lên sức sống mãnh liệt của các xã đảo giữa trùng khơi mênh mông./.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com