Nơi ấy Trường Sa: Trường Sa hôm nay

08:05, 25/05/2015

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Thật hạnh phúc và may mắn cho đoàn công tác chúng tôi được đến thăm Thị trấn Trường Sa - thủ phủ của quần đảo Trường Sa đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-2015). 40 năm đã qua, Trường Sa đã thay da đổi thịt, bừng bừng sức sống vươn lên giữa đại dương mênh mông.

VI. Trường Sa hôm nay

Những ngày tháng Tư lịch sử của 40 năm trước, trong khi các cánh quân ta đang dồn sức cho trận đánh quyết định ở Sài Gòn để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì cũng có một số đơn vị đặc biệt theo những con tàu ra giải phóng, tiếp quản quần đảo Trường Sa. Theo kế hoạch được Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất, ngày 4-4-1975, Đoàn 126 đặc công nước điều động Đội 1 gồm 170 sĩ quan, chiến sĩ phối hợp với một phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5) sử dụng ba tàu vận tải T673, T674, T675 vốn trước đây là các "tàu không số" với thủy thủ đoàn hơn 60 người có kinh nghiệm đi biển của Đoàn hải quân vận tải 125 tổ chức hành quân ra đánh chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngày 14-4, các đơn vị của ta đã áp sát đảo Song Tử Tây, dùng 7 xuồng cao su đổ bộ lên đánh chiếm đảo trong vòng 30 phút. Đêm ngày 24-4, ta giải phóng đảo Sơn Ca; ngày 28-4 tiếp tục giải phóng các đảo Nam Yết và Sinh Tồn; ngày 29-4-1975, đảo Trường Sa Lớn, thủ phủ của quần đảo Trường Sa với diện tích lớn nhất, 0,15km2 và đảo An Bang đã hoàn toàn được giải phóng. Đảo Trường Sa Lớn là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa với chiều dài khoảng 630m, chiều rộng (chỗ rộng nhất) khoảng 350m. Xung quanh đảo có thềm san hô bao quanh, chỗ xa nhất khoảng 300m, chỗ gần nhất khoảng 50m. Nhờ chớp thời cơ thuận lợi, tiến công giải phóng được 6 đảo trên, chúng ta mới có tiền đề để từng bước mở rộng phạm vi đóng giữ ra 9 đảo nổi, 12 đảo chìm với 33 điểm đóng quân như hiện nay. Cũng nhờ đó, thế đứng vững chắc của quần đảo ngày càng được củng cố, xứng đáng là lá chắn phòng thủ từ xa phía sườn đông của đất nước.

Giây phút tạm biệt Trường Sa.
Giây phút tạm biệt Trường Sa.

Chiều ngày 28-4, tàu HQ996 đưa chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Nhìn từ trên tàu, đằng sau hệ thống cầu cảng dài trên 150m để tàu trực tiếp cập bến, thả neo, đảo Trường Sa Lớn nổi lên với 2 công trình bề thế mái ngói đỏ au. Trung tá Nguyễn Văn Đoàn, thuyền trưởng tàu HQ996, một người con Nam Định quê ở Hải Châu (Hải Hậu) cho biết: Công trình phía bên trái với mái cong vút là chùa Trường Sa Lớn, bên phải là công trình Nhà khách Thủ đô, hai công trình nằm đối xứng nhau. Theo kế hoạch của đoàn công tác, chiều hôm ấy, chúng tôi tự do tham quan các công trình trên đảo, buổi tối dự liên hoan văn nghệ chào mừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng Trường Sa. Sáng hôm sau, 29-4 dự Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là 40 năm giải phóng Trường Sa. Sau những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thiết tha của nghi thức đón đoàn, chúng tôi ai cũng hối hả băng qua cầu, rảo bước về phía Trung tâm đảo vì nơi ấy có cột mốc chủ quyền quốc gia. Giữa màu xanh biếc của đảo, tại vị trí trang trọng nhất trên đảo, nghiêm trang, sừng sững cột mốc chủ quyền. Trên cột mốc chủ quyền ấy ghi rõ tọa độ và những dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Những cán bộ trong đoàn công tác sau khi làm động tác điều lệnh chào cột mốc chủ quyền, chào Tổ quốc, ai cũng muốn tranh thủ ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng mà mỗi người đều mơ ước một lần trong đời, được ra với Trường Sa, ôm lấy cột mốc chủ quyền của đất nước. Từ cột mốc chủ quyền, quay lại hướng ra phía biển là hai công trình hoành tráng. Bên phải là chùa Trường Sa Lớn với mái tam quan cong vút, bên trái là Nhà khách Thủ đô, công trình được xây dựng trên diện tích 600m2, gồm 2 tầng, 21 phòng, có tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng, được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Ở giữa đảo là một đường băng lớn, chạy dọc đảo nhìn không khác một đại lộ trên đất liền. Đường băng của đảo Trường Sa Lớn đủ điều kiện cho các loại máy bay trực thăng, thủy phi cơ cất, hạ cánh. Hai bên đường băng có nhiều công trình lớn như Tượng đài các Anh hùng liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở UBND huyện Trường Sa, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, trường học và khu nhà ở của 7 hộ dân... Và ấn tượng nhất là hoa. Giữa muôn trùng sóng gió, giữa biển khơi mênh mông, tại đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đã gặp nhiều loại hoa đang khoe sắc: dọc hai đường băng là các gốc hoa hồng, hoa giấy đủ màu; tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có 2 chậu hoa giấy tím biếc đang khoe sắc; ở Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ là 2 chậu cúc chi và các loại hoa tươi... Đêm đầu tiên ở Trường Sa, đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo đã cùng nhau tổ chức một đêm văn nghệ đầy hào hứng sôi nổi, thắm tình quân dân với sự tham gia của đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa), các tiết mục biểu diễn đáng yêu của 9 ca sĩ nhí, những công dân nhỏ của Trường Sa; cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo và các bạn sinh viên (đoàn Bộ GD và ĐT). Sân khấu được dựng ngay tại cột mốc chủ quyền thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ trên tay là hoa cải hái từ vườn tăng gia phía sau cùng nhau cất cao tiếng hát hòa cùng với ca sĩ trên sân khấu. Trong đêm văn nghệ, tôi tình cờ "chộp" được một khoảnh khắc hết sức đáng yêu. Nhân lúc nghỉ giải lao giữa hai tiết mục, tôi gặp hai chiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu, quê Khánh Hòa, phân đội bộ binh xe tăng và Lê Văn Tải, quê Gia Lộc, Hải Dương ở Cụm Chiến đấu 3 lẻn ra ngoài hàng quân. Lúc trở về, trên tay 2 cậu là chùm hoa cải và một bông hồng. Khi tôi hỏi hái hoa hồng ở đâu? Lê Văn Tải nở nụ cười bẽn lẽn: Hoa giả đấy anh ạ! Thì ra các cậu chuẩn bị hoa để tặng các nữ ca sĩ. Ôi, những cậu trai đôi mươi đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc thật đáng yêu. Và khi giai điệu bài hát "Nơi ấy là Trường Sa" vang lên, giữa tiếng ca ngân vang, hào hùng của các chiến sĩ ngồi phía dưới hòa giọng với ca sĩ ("Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió, có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời, giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người. Ngoài kia không có ngọc lan, không tiếng chim hót ngày nắng hồng, không hẹn hò và không đón đưa, những trưa chiều về không tiếng hát, chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ đang kề bên nhau vì non sông mãi yên bình..."), nước mắt tôi chợt trào ra!!! Sau một đêm không ngủ nhiều cảm xúc, sáng sớm hôm sau, đoàn công tác và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo tề tựu đông đủ trước cột mốc chủ quyền để dự lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Trường Sa. Sau diễn văn kỷ niệm và lễ chào cờ, duyệt binh, đoàn công tác đã đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Đài tưởng niệm... 40 năm sau ngày giải phóng, Trường Sa Lớn đã thay đổi, bừng lên sức sống mãnh liệt giữa mênh mông biển trời. Trường Sa hôm nay không chỉ có điện (điện gió và năng lượng mặt trời) để sử dụng các tiện nghi sinh hoạt hiện đại như: quạt, ti-vi, tủ lạnh, thắp sáng... mà còn có sóng điện thoại di động, sóng truyền hình vệ tinh... Ngoài ra, trên đảo còn có hệ thống giếng nước lợ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạch Ngọc Chiến uống thử và nhận định: uống được! nước giếng không có mùi, trong vắt, không mặn. Cùng với các công trình tâm linh, dân sinh mang đậm dấu ấn đặc trưng của Trường Sa, công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng phối hợp trên đảo cũng được quan tâm đầu tư. Bệnh xá của đảo xa nhưng phương tiện khám, chữa bệnh có đủ cả. Ở đây có máy chụp X-quang, máy xét nghiệm máu, có cả buồng giảm áp di động dùng để cứu chữa cho các ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt trên ngư trường Trường Sa… Đặc biệt, bệnh xá còn được Bệnh viện Quân y 175 ở Thành phố Hồ Chí Minh trang bị cho một hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh (Telecom Medicin). Nhờ có hệ thống này, thông qua sự hướng dẫn và chỉ đạo trực tuyến của các bác sĩ trong đất liền, các bác sĩ ở đảo Trường Sa Lớn đã mổ cấp cứu thành công nhiều ca mổ phức tạp mà không cần phải chuyển bệnh nhân về đất liền. Đại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thanh Bình, bệnh xá trưởng cho biết: trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, bệnh xá đảo đã tiến hành khám, điều trị, cấp cứu tổng số 1.382 ca; trong đó riêng cấp cứu là 160 ca (có 113 ca phải tiến hành phẫu thuật); tổ chức hội chẩn trực tuyến và phẫu thuật thành công 7 ca. Thiếu úy Quân y Ngô Xuân Luân, quê Yên Nhân (Ý Yên) cho biết thêm: trong số 7 ca phải hội chẩn trực tuyến có 1 ca bệnh nhân ở trong tình trạng "thập tử nhất sinh"; bị áp xe vùng họng, hầu, quai hàm và áp xe bị vỡ, mủ tràn xuống hai phổi và trung thất. Nhờ kịp thời chuyển đến bệnh xá nên đã được các y, bác sĩ làm các công tác sơ cứu ban đầu và chuyển về Bệnh viện 175 tiếp tục điều trị.  

Một ngày, một đêm ở Trường Sa mang lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc! Giờ chia tay đã đến, đoàn công tác phải về tàu để tiếp tục hành trình theo kế hoạch. Tàu HQ996 kéo lên 3 hồi còi dài tạm biệt Trường Sa, phía dưới cầu cảng, tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo đứng thành hai hàng tiễn chúng tôi. Dưới ánh nắng cuối chiều chói trang, không biết ai bắt nhịp đầu tiên, các ca khúc ca ngợi biển, đảo quê hương được cất lên thay lời chia tay của các anh, các chị. Ai đó chợt hô vang: "Hoàng Sa, Trường Sa", các thành viên trên tàu đồng thanh: "Là của Việt Nam!"; trên tàu lại hô: "Hoàng Sa, Trường Sa", phía cầu cảng lại đồng thanh: "Là của Việt Nam!". Trở về đất liền, chúng tôi mang theo bao nhiêu kỷ niệm về Trường Sa, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng thấy mình trưởng thành hơn. Trường Sa đã cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”. Chính tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã động viên lại chúng tôi, để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, để xứng đáng với Trường Sa.

Còn riêng tôi, giờ phút xa Trường Sa, tôi bắt đầu mơ ước, một lần nữa, được trở lại Trường Sa thân yêu!!!

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com