[links()]
Với tinh thần "Tất cả vì biển, đảo quê hương", những năm qua, Đảng bộ, nhân dân và các LLVT tỉnh Nam Định luôn đồng hành, gắn bó với Trường Sa. Công trình Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây do tỉnh ta xây tặng quân và dân Trường Sa mang ý nghĩa lớn lao. Và hiện nay, trên huyện đảo Trường Sa còn có 131 con em quê hương Nam Định đang trực tiếp cầm súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
V. Nam Định với Trường Sa
Đến Trường Sa, bên cạnh nhiều công trình văn hoá, dân sinh được Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương trong đất liền xây tặng, có một công trình rất bề thế, uy nghiêm là Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. Đây là một trong những món quà nhiều ý nghĩa của Đảng bộ, nhân dân, các LLVT tỉnh Nam Định dành tặng quân dân huyện đảo… Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định dành khoản kinh phí 6,4 tỷ đồng xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Công trình được khởi công tháng 4-2011 trong chuyến thăm huyện đảo đầu tiên của đoàn đại biểu tỉnh Nam Định. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 600m2, đặt tại sườn phía đông đảo Song Tử Tây. Thân tượng cao 5,88m, bệ tượng cao 5,16m, tổng chiều cao là 11,04m. Tượng được đúc bằng đá khối Thanh Hoá theo mẫu tượng Trần Hưng Đạo đặt tại trung tâm Quảng trường 3-2, Thành phố Nam Định. Trước bệ tượng có một lư hương bằng đá nguyên khối chạm khắc vân mây truyền thống. Bệ tượng được ốp bằng đá Granit màu đen, lõi được đổ bằng bê-tông cốt thép. Ngày 6-5-2012, lễ khánh thành Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây đã được tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức trang trọng. Từ năm 2012 đến nay, Tượng đài Trần Hưng Đạo đã trở thành biểu tượng quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tình cảm nồng ấm của hậu phương lớn - đất liền đối với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo Trường Sa và cả các đoàn khách đến thăm. Chiến sĩ Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1994, quê ở xã Hải Châu (Hải Hậu) nhập ngũ tháng 9-2013 kể lại: Khi nhận lệnh điều động ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ, em vừa mừng nhưng cũng rất bồi hồi, lo lắng, nhớ nhà, nhớ đất liền. Sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, đặt chân lên đảo chưa hết bỡ ngỡ thì nhìn thấy chùa và tượng đài Trần Hưng Đạo, lòng em cảm thấy vui và ấm áp vì ở đảo xa không ngờ cũng có tượng đài giống ở quê mình”.
Đoàn công tác đến thăm, tặng quà động viên gia đình anh chị Nguyễn Minh Châu - Phan Thị Thương, nhà số 7, đảo Song Tử Tây. |
Hiện nay, tỉnh Nam Định có 131 cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng canh giữ biển trời quê hương trên khắp các đảo, điểm đảo và nhà giàn ở vùng thềm lục địa. Đồng chí Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đồng thời là Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: Trong 40 năm qua, Nam Định luôn là địa phương có nhiều con, em thực hiện nhiệm vụ, nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa. Không chỉ đóng góp công sức, tuổi xuân, nhiều con em quê hương Nam Định đã ngã xuống trong khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến thăm chùa đảo Sinh Tồn, đoàn công tác đã lặng đi trước tấm bia ghi phương danh, quê quán 64 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma năm 1988. Trong sự kiện đẫm máu ấy, quê hương Nam Định mất đi 3 người con ưu tú, họ đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi quanh năm sóng vỗ, sống mãi với tuổi 20. Hay như ở đảo Trường Sa Lớn, năm 2010, Nam Định cũng có một liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Phát huy truyền thống quê hương, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, lớp lớp người con quê hương Nam Định đã, đang ngày đêm góp công, góp sức và những năm tháng thanh xuân trong cuộc đời để tham gia giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Trong đoàn công tác đến thăm Trường Sa lần này, có lẽ Đại tá Nguyễn Hải Hưng, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh là người có nhiều cảm xúc nhất. Anh được trở lại nơi 26 năm trước đã từng gắn bó những năm tháng của tuổi trẻ để bảo vệ chủ quyền và xây dựng đảo. Năm 1989, ngay sau khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, anh được điều động ra đảo Trường Sa Đông rồi được tăng cường về "điểm nóng" đảo đá Len Đao. Tại đây, liên tục trong 3 năm, anh đã trực tiếp cầm súng canh giữ biển, đảo và kéo thuyền, vác đá xây kè, xây đảo. Đã thành truyền thống, mỗi lần đoàn công tác của tỉnh ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa ngoài thăm hỏi, tặng quà các đầu mối trên các đảo, nhà giàn, đoàn cũng tổ chức gặp mặt, động viên cán bộ, chiến sĩ con em quê hương. Những buổi "họp đồng hương Nam Định" này bao giờ cũng tràn đầy cảm xúc với những tiếng cười, những cái bắt tay thật chặt, những câu chuyện đất liền, chuyện đảo xa rôm rả... Qua những buổi gặp mặt này, chúng tôi mới hiểu nỗi gian khổ, sự hy sinh to lớn đến nhường nào của các anh, có người chỉ mới ở đảo một, hai "tăng" (mỗi tăng bằng một năm rồi lại được thay quân về đất liền) nhưng cũng có người như Trung tá Phạm Duy Bảng, Cụm trưởng Cụm Chiến đấu 1, đảo Song Tử Tây, quê ở xã Liên Minh (Vụ Bản), đến thời điểm hiện tại đã có liên tục 5 năm 4 tháng công tác ở Trường Sa. Trước khi về nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, anh đã từng công tác tại các đảo: Sinh Tồn (20 tháng), Sơn Ca (1 năm); và từ tháng 12-2011 đến nay liên tục cắm chốt tại đảo Song Tử Tây. Hay như trường hợp của chiến sĩ người Nam Định duy nhất trên nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Tam, quê Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Anh Tam cho biết, tính đến nay, anh đã có thời gian liên tục 178 tháng (gần 15 năm) công tác ở nhà giàn DK1. Ngoài nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên, anh Tam đã có thời gian công tác ở 15/19 nhà giàn DK1 trên vùng thềm lục địa. Ngoài các cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu trên huyện đảo Trường Sa, quê hương Nam Định còn có hàng trăm người con thuộc các vùng quê, mà nhiều nhất là người làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đang ngày đêm tham gia thi công các công trình dân sinh trên các đảo. Để có tiếng thơm "làng xây đảo" như hôm nay không thể không nhắc tới Thiếu tướng Hoàng Kiền (quê ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, Giao Thủy) nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh Hải quân, từng trực tiếp chỉ huy xây dựng nhiều công trình quốc phòng, dân sinh trên các đảo ở Trường Sa. Từ hàng chục năm trước, theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, nhiều trai làng Bỉnh Di đã vượt sóng ra Trường Sa xây dựng các công trình.
Không thể kể hết những đóng góp của lớp lớp các thế hệ con em Nam Định cả tuổi xanh, mồ hôi, công sức và cả máu đào để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Họ, có người trực tiếp ở trên đảo, có người từ đất liền ra xây dựng các công trình dân sinh, văn hóa, có những người đang công tác trong Quân chủng Hải quân. Trực tiếp hoặc gián tiếp, họ đều vì một mục tiêu: phát huy truyền thống quê hương, gia đình cố gắng góp công, góp sức giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Tiêu biểu như trường hợp Thượng úy Phan Quang Định, chính trị viên tàu HQ996, Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân. Định sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Yên Nghĩa, một xã nghèo, vùng đồng chiêm trũng của huyện Ý Yên. Định nhập ngũ tháng 9-2001, thi vào Học viện Hải Quân tại Nha Trang. Trước đó, năm 1999, anh trai của Định là Phan Quang Ninh, đã thi vào trường, là sinh viên năm thứ 3, khoa Hải quân đánh bộ. Định học khoa Thông tin. Định đã phải trải qua nhiều nỗ lực, cố gắng để trở thành người sĩ quan Hải quân. Lần đầu tiên Định "thử sóng" trên 1 chiếc tàu vừa cũ, vừa nhỏ và đi biển vào đúng mùa mưa bão. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, Định nôn đến mật xanh mật vàng. Lên bờ lại bị “say đất”. Sau lần thử sóng đầu tiên, được rèn luyện, Định đã dạn dày với sóng gió. Một năm khoảng 3, 4 tháng lênh đênh trên biển. Sau hơn 5 năm ròng rã học tập, rèn luyện, tháng 3-2007, Định ra trường với quân hàm thiếu úy và được phân làm trưởng ngành Thông tin ra đa, tàu HQ371, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Tháng 8-2008, Định chuyển về làm trợ lý cán bộ Phòng Chính trị Vùng 4 Hải quân. Tháng 11-2013, học chuyển loại chính trị tại Học viện Hải quân và tháng 5-2014 được phân công về tàu HQ996. Trước đó, tháng 3-2005, Ninh ra trường và được phân công về làm trung đội trưởng, tiểu đoàn 863, Lữ đoàn 101 Hải quân. Tháng 1-2012 đến tháng 12-2012, Ninh được điều chuyển ra đảo Đá Đông B làm chính trị viên. Từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2014, Ninh được điều động đến nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Tây B với quân hàm Đại úy. Mặc dù nhà có hai anh em cùng ở Quân chủng Hải quân nhưng Định và Ninh rất ít khi được hàn huyên tâm sự trực tiếp mà chủ yếu qua... điện thoại hoặc những lần tàu nhận nhiệm vụ công tác ra đảo. Mặc dù vậy, anh em luôn động viên nhau nỗ lực, cố gắng phát huy truyền thống gia đình, vượt qua khó khăn, gian khổ để phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung